(VnMedia) - Mặc dù đã bị liệt vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để từ năm 2007, thế nhưng đã 7 năm trôi qua, bãi rác Dốc Búng thuộc phường Tân Hòa - thành phố Hòa Bình - tỉnh Hòa Bình vẫn đang tiếp tục hoạt động.
Việc tồn tại bãi rác này đang gây ô nhiễm môi trườngnghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của những hộ dân sống xung quanh bãi rác. Nguy hiểm hơn nữa, hàng ngày có hàng chục m3 nước rỉ rác thải chảy thẳng ra sông Đà, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của Thủ đô, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người dân đang sống tại Hà Nội.
Dân sống cạnh bãi rác kêu cứu
Bãi rác dốc Búng thuộc phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình được đưa vào sử dụng từ năm 2003 với thiết kế là bãi rác tạm cho thành phố Hòa Bình sau khi bãi rác dốc Tức bị đóng cửa do quá tải. Từ thời điểm đó đến nay, bãi rác tạm này đã trở thành bãi rác duy nhất của cả thành phố Hòa Bình.
Tình trạng quá tải từ nhiều năm qua đã khiến môi trường nơi đây ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều hộ dân sống xung quanh.
Bãi rác dốc Búng (Thành phố Hòa Bình) được xử lý bằng cách chôn lấp |
Gia đình anh Hà Ngọc Hải và chị Nguyễn Thị Thanh Thảo là một trong 4 hộ dân sống sát cạnh bãi rác dốc Búng. Ngày cũng như đêm, tất cả các cửa của căn nhà luôn luôn đóng để hạn chế ruồi, muỗi và mùi hôi thối nồng nặc. Những sinh hoạt bình thường nhất như ăn cơm cũng phải móc màn. Thế nhưng, cũng chẳng hạn chế được là bao. Các con anh đều bị bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và da liễu.
Nước thải từ bãi rác hàng ngày rỉ thẳng ra Sông Đà |
Anh Nguyễn Thị Thanh Thảo - Tổ 17 phường Tân Hòa, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình bức xúc: "Ô nhiễm từ lâu lắm rồi, mùi hôi thối không thể chịu nổi, thương các con tôi, đứa nào cũng bị bệnh..."
Cháu Hà Văn Minh - Tổ 17 phường Tân Hòa, Tp Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, cho biết: Ăn cơm cũng phải mắc màn, cháu bị bệnh, đi khám người ta bảo không chữa được bởi vì do ruồi...
Không chỉ tác động trong phạm vi gần, mức độ ô nhiễm của bãi rác này còn khiến các hộ dân cư ở xa cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Mặc dù sống cách bãi rác này khoảng 1km nhưng gia đình ông Nguyễn Đăng Thái và nhiều hộ dân thuộc tổ 17 khác vẫn phải chịu ảnh hưởng rất lớn.
Nước bãi rác đen ngòm, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường |
Theo ông Nguyễn Đăng Thái - Tổ 17 phường Tân Hòa, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình: "Quần áo mà phơi ngoài đây, tôi cầm vào nó có mùi hôi thối, còn tỉ lệ ô nhiễm là bao nhiêu phần trăm thì không rõ, đã nhiều lần đề nghị có biện pháp. Nhưng từ ngày đó đến nay vẫn chưa chuyển được..."
Nước thải bãi rác xả trực tiếp, Sông Đà nguy cơ ô nhiễm nặng
Năm 2007, Bộ Tài nguyên môi trường đã liệt bãi rác dốc Búng vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để giai đoạn 2003 - 2006 theo quyết định 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có những biện pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm nào được thực hiện, mà hàng ngày Công ty môi trường đô thị Hòa Bình vẫn cho vận chuyển về đổ ở đây từ 80 đến 90 m3 rác thải.
Nước rác hòa với nước Sông Đà, cách đây khoảng 1,5km là đường ống hút nước của nhà máy nước Vinaconex |
Với vai trò quy hoạch chỉ là bãi rác tạm, nên bãi rác dốc Búng không hề có biện pháp hay hệ thống chống ô nhiễm môi trường nào được xây dựng từ khi đi vào hoạt động. Không có hệ thống vãi địa lót đáy, cũng không có trạm xử lý nước thải cục bộ, nước rỉ rác được thẩm
thấu trực tiếp ra môi trường.
Theo ước tính mỗi ngày có hàng chục m3 nước rỉ rác thải chảy thẳng xuống sống Đà, đặc biệt nếu là vào mùa mưa thì khối lượng nước thải ô nhiễm đổ xuống sông Đà sẽ là rất lớn.
Số liệu quan trắc mức độ ô nhiễm môi trường năm 2011 tại bãi rác dốc Búng cho thấy, hàm lượng các chất thải trong nước thải rỉ từ bãi rác ra sông Đà đang ở mức độ ô nhiễm nghiêm trọng khi các hàm lượng chất thải đã vượt mức cho phép hàng chục lần, như: hàm lượng COD vượt 23 lần, hàm lượng BOD5 vượt 19 lần, hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước vượt 12 lần, hàm lượng Magiê vượt 86 lần và hàm lượng Colifom vượt 4,3 lần mức độ cho phép.
Chỉ 2 năm sau, kết quả phân tích mẫu nước ngầm, rỉ rác của bãi rác do phía Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hòa Bình cung cấp năm 2013 không khỏi khiến chúng ta giật mình. Hàm lượng Coliform vượt 383 lần tăng 379 lần, BOD5 vượt 43,9 lần tăng xấp xỉ 25 lần, lượng COD vượt 41 lần tăng 18 lần so với năm 2011. Hàm lượng vượt hàng chục, hàng trăm lần cho phép từ nước rỉ rác, khi hòa vào dòng nước sông Đà sẽ không chỉ tàn phá môi trường nước mà nguy hiểm hơn nữa nó sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp đến sức khỏe hàng triệu người dân đang sống tại Thủ đô Hà Nội, bởi vì cách đó không xa là cửa cống lấy nước của nhà máy nước Vinaconec phục vụ nước sinh hoạt cho toàn bộ người dân Hà Nội.
Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hòa Bình đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất UBND thành phố Hòa Bình nhanh chóng xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây và tiến hành di dời bãi rác này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở.
Bài 2: Hòa Bình xây dựng nhà máy xử lý rác thải hơn 20 tỷ nhưng bỏ hoang 7 năm
Ý kiến bạn đọc