Nghị quyết 35 (sửa đổi):: Quốc hội vẫn giữ 3 mức tín nhiệm

16:01, 28/11/2014
|

(VnMedia) - Chiều nay (28/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm, với số phiếu đồng ý là 405 phiếu, chiếm 91,49 % tổng số đại biểu.

Ảnh minh họa


Theo Nghị quyết vừa được sửa đổi, có 1 điểm quan trọng nhất vẫn được giữ nguyên, đó là phiếu tín nhiệm vẫn thể hiện 3 mức tín nhiệm: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Về số lần lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội đã quyết định sẽ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần trong 1 nhiệm kỳ.

Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Phan Trung Lý trình bày cho biết,  quá trình lấy ý kiến cho thấy, có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là tất cả các Trưởng phòng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Tuy nhiên, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội tại kỳ họp này quy định, thành viên UBND dự kiến sẽ mở rộng bao gồm cả người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Do đó, quy định “các thành viên khác của UBND” như trong dự thảo Nghị quyết đã bao quát cả người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND ở cấp tỉnh và cấp huyện.

Khi dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, HĐND sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của UBND (đã được mở rộng) theo quy định của Nghị quyết này. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm như đã thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

Về mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, có ý kiến đề nghị chỉnh sửa lại quy định về mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cho sát thực hơn, thể hiện đúng bản chất của hoạt động này.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý lại quy định về mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như sau: “Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ”.

Về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm , có ý kiến tán thành với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết. Một số ý kiến cho rằng, thời hạn lấy phiếu tín nhiệm 01 lần/nhiệm kỳ là không phù hợp, đề nghị quy định lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ, lần thứ nhất vào cuối năm thứ 2 (hoặc đầu năm thứ 3), lần thứ hai vào cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân ngoài việc khắc phục những hạn chế của cơ chế lấy phiếu tín nhiệm hằng năm theo quy định hiện hành, còn có thuận lợi là sẽ kết nối kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ của các tổ chức Đảng, làm cơ sở cho việc quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho khóa tiếp theo. Quy định Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm một lần/nhiệm kỳ sẽ tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI).

Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tài sản, thu nhập; đồng thời, cân nhắc việc quy định về thời gian xác minh, làm rõ những vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm. 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung kê khai tài sản, thu nhập cá nhân vào khoản 3 Điều 6.

Về mức độ tín nhiệm, có ý kiến tán thành với quy định về 3 mức độ tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị quy định 2 mức độ tín nhiệm là: “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, có ý kiến đề nghị quy định 2 mức độ tín nhiệm là: “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” nhưng trong “tín nhiệm” thì có 2 mức là “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao”. 

Ông Phan Trung Lý giải thích, quy định 3 mức độ tín nhiệm nhằm phân biệt rõ tính chất khác nhau giữa việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm nhằm xác định hệ quả của hoạt động này, xem đây là một bước chuẩn bị trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; theo quy định thì việc bỏ phiếu tín nhiệm có 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm và cũng không quy định số lần bỏ phiếu trong một nhiệm kỳ.

“Qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua tại Quốc hội, việc đại biểu Quốc hội thể hiện tín nhiệm theo 3 mức về cơ bản đã phản ánh sự đánh giá thận trọng, công tâm, khách quan của đại biểu đối với những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đây là sự động viên, khích lệ tích cực để người được lấy phiếu tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, đồng thời cũng là sự nhắc nhở, cảnh báo giúp họ sửa chữa kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về 3 mức độ tín nhiệm là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp” – ông Phan Trung Lý nói.

Về hệ quả đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm, theo ông Phan Trung Lý, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về hệ quả đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm tại Điều 15, tránh việc đưa ra nhiều mức độ xử lý khác nhau, không rõ ràng trong việc vận dụng.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại Điều 15 theo hướng:  Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc