(VnMedia) - Có ý kiến đại biểu Quốc hội chọn phương án bỏ HĐND cấp quận, huyện; có đại biểu chọn phương án để có HĐND ở tất cả các cấp; có đại biểu không đồng ý cả 2 phương án, còn đại biểu Trần Du Lịch thì cho rằng, chưa có cơ sở để nói bỏ hay không…
Để thì chồng chéo, bỏ lo không dân chủ
Trong khi nhiều đại biểu góp ý vào những vấn đề cụ thể của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải thay đổi tận gốc, cần phải làm thực chất, chứ nếu làm hình thức thì không cần thay đổi.
Thảo luận góp ý cho Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho biết ông nhất trí lựa chọn phương án 2, là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, xã, phường, thị trấn.
Lý do được đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu ra là các vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, dự toán ngân sách của địa phương không do đại biểu Quốc hội, người dân địa phương quyết định mà do đại biểu của cả thành phố quyết định sẽ không tránh khỏi thiếu sót sâu sát với từng địa phương, thiếu tính khả thi.
Ngoài ra, khi còn HĐND quận, huyện, phường, HĐND thành phố quyết định ngân sách đã có sự giám sát, đề xuất của cơ quan dân cử cấp dưới. Nay thực chất chỉ căn cứ vào đệ trình của Ủy ban nhân dân, thiếu khả năng xem xét trực tiếp, kỹ lưỡng, ảnh hưởng đến chất lượng quyết định ngân sách của Hội đồng nhân dân, góp phần làm phát sinh cơ chế xin – cho.
Đặc biệt, đại biểu TP Hải Phòng cho rằng, nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính nào đó là bỏ đi một thiết chế dân chủ, gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn, điều đó đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân…
Ngược lại, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đề nghị tiếp tục nghiên cứu để có thể lựa chọn Phương án 1, tức là phương án quận, phường không có Hội đồng nhân dân.
“Điều đó không có nghĩa là tôi coi nhẹ vị trí, vai trò của HĐND ở các phường, các quận mà có nghĩa là ta đã chọn phương án ở đô thị chỉ có duy nhất một cấp chính quyền” – đại biểu Đỗ Thị Hoàng nói.
Theo phân tích của đại biểu Quảng Ninh, nếu phân chia thẩm quyền cấp chính quyền quá nhỏ đến phường sẽ dẫn đến tình trạng vừa chồng chéo vừa cát cứ, dẫn đến không đảm bảo được quyền, lợi ích của người dân trong việc phát triển ngành, lĩnh vực cũng như việc cung ứng và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản của xã hội.
Không đồng tình với cả hai đại biểu trên, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) lại cho rằng cả 2 phương án đều chưa thật sự thuyết phục.
“Mặc dù đưa ra hai phương án song cơ quan soạn thảo chưa phân tích, làm rõ được những ưu thế, bất cập, sự chưa phù hợp của từng phương án một cách khoa học, có lý luận và thực tiễn. Một khi chưa làm rõ được vấn đề này thì việc gây tranh cãi của cả hai phương án khó mà phân định được” – đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc nói.
Chưa có cơ sở để nói bỏ hay không
Cũng không cùng quan điểm với hầu hết các đại biểu đã phát biểu, với tư cách là người tham gia trong Ban biên tập Hiến pháp, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, cần phải đi từ gốc vấn đề để xây dựng một luật hoàn toàn mới.
|
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch |
“Đây là lần đầu tiên hiến định định chế chính quyền địa phương mà luật pháp trước đây không có, do vậy, quan điểm lần này xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương mới, không phải Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, UBND (sửa đổi).” – ông nói.
Phân tích về những tồn tại trong mô hình tổ chức HĐND trước đây, đại biểu Trần Du Lịch cho biết, thứ nhất, địa vị pháp lý của HĐND và UBND hiện nay không rõ. Tồn tại thứ hai là chưa phân định rõ nhiệm vụ gì thuộc cấp chính quyền nào, tức là chồng chéo công vụ, không rõ trách nhiệm.
Tồn tại thứ ba, theo đại biểu Trần Du Lịch, là xu hướng chính quyền địa phương có tính tự quản.
“Ngoài phần thực thi pháp luật, nôm na là thực hiện phép vua có một phần tự quản địa phương bảo đảm quyền lợi nhưng không trái luật pháp quốc gia. Quyền tự quản và tự chủ đó là quyền của Hội đồng nhân dân.” – đại biểu phân tích.
Tồn tại thứ tư được đại biểu Trần Du Lịch nêu ra, đó là HĐND các cấp có hiệu quả rất thấp.
“Quý vị nói rất nhiều vấn đề về HĐND cấp huyện. Cử tri hỏi rằng một năm họp mấy ngày thì quyết được cái gì và giám sát được gì? ông Phó chủ tịch Thường trực HĐND giám sát được gì ông Chủ tịch huyện?” – đại biểu đặt câu hỏi và cho rằng, nên thực tế và xem tồn tại gì để giải quyết vấn đề.
“Phải nâng quyền lên chứ không phải để tồn tại hình thức. Còn nếu như không nâng được thì không nên tổ chức hình thức. Đó là 4 vấn đề tồn tại luật này phải giải quyết trên nền tảng Hiến pháp năm 2013” – đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.
“Trên tinh thần Hiến pháp, tôi đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ra lại đầu bài rất rõ và luật này phải tiếp cận theo hướng tôi trình bày để làm rõ từng vấn đề. Bây giờ không có cơ sở gì để bàn ông này có HĐND hay không có Hội đồng nhân dân. Chúng ta phải đi từ gốc vấn đề mới giải quyết được bài toán.” – đại biểu Trần Du Lịch nói.
Ý kiến bạn đọc