Làm thật nghiêm để cảnh báo các nhà xuất bản

18:50, 21/11/2014
|

(VnMedia) - Mức xử phạt 250 triệu đồng với sai phạm của nhà xuất bản là khá cao so với trước đây, tuy nhiên người xử phạt vẫn có thể áp dụng mức cao hơn để đảm bảo tính răn đe, cảnh báo với các nhà xuất bản… - Đại biểu Quốc hội Đào Trọng Thi nói.


  Ảnh minh họa

 Đại biểu Đào Trọng Thi

 

Những ngày gần đây, dư luận đang rất xôn xao về việc một nhà xuất bản đã đưa hình ảnh diễn viên hài Công Lý lên bìa một quyển sách Luật. Hầu hết mọi người cho rằng đây là một sự cẩu thả không thể chấp nhận được, đồng thời cho rằng lỗi là do sự buông lỏng quản lý đối với các nhà xuất bản cũng như việc thực hiện không nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

 

Dù sau đó, hành vi sai phạm của nhà xuất bản đã bị xử phạt mức 250 triệu đồng, một mức phạt khá lớn, nhưng dư luận vẫn cho rằng đây chỉ là việc làm “chạy theo” các sai phạm của các nhà xuất bản chứ chưa có sự quản lý bài bản.

 

Bên hàng lang Quốc hội sáng 21/11, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

 

- Thưa ông, mới đây, việc xử lý sai phạm của một nhà xuất bản với mức phạt trên 250 triệu đồng được xem là cao. Tuy nhiên, chuyện xử phạt này vẫn chỉ là “chạy theo” việc đã rồi. Vậy có cách nào để xử lý triệt để vi phạm ở lĩnh vực này hay không?

 

Trước khi xuất bản, các xuất bản phẩm phải được đăng ký, nhưng chúng ta không tổ chức kiểm duyệt trước xuất bản mà chủ trương của chúng ta là hậu kiểm duyệt, tức là sau khi xuất bản mới kiểm duyệt.

 

Tôi nghĩ nếu chúng ta làm thật nghiêm khắc, thanh tra sát sao, đầy đủ sẽ là lời cảnh báo với các nhà xuất bản, các tác giả, làm cho họ phải có trách nhiệm hơn về tác phẩm của mình để đến khi xuất bản ra, không vi phạm và bị xử lý.

 

Phải nói thật họ không có trách nhiệm để khi xảy ra sai phạm và bị xử phạt, xử lý thì đó là hậu quả nặng nề đối với chính họ. Cái chính là chúng ta làm sao phải kiểm tra thật đầy đủ, thật chặt chẽ để cảnh báo các nhà xuất bản, các tác giả.

 

- Luật Xuất bản hiện đang trao quyền tự chủ cho các nhà xuất bản, nhưng thực tế nhiều nhà xuất bản vì lợi nhuận nên đã buông lỏng kiểm soát, để xảy ra nhiều sai phạm. Vậy làm cách nào để bịt các kẽ hở của Luật, thưa ông?

 

Thực ra Luật xuất bản đã quy định rõ chuyện này, trong đó có trách nhiệm của các bên trong liên kết xuất bản. Còn việc một số các nhà xuất bản, tổ chức cá nhân liên kết xuất bản không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật thì thứ nhất chúng ta phải kiểm tra, thứ hai là phải xử lý thật nghiêm minh.

 

Cùng với những cái đó, chúng ta cần phải giáo dục bồi dưỡng cho các cán bộ tham gia vào quá trình xuất bản, đặc biệt là các Tổng biên tập, các cán bộ biên tập phải có trách nhiệm trong quá trình thẩm định nội dung trước khi đưa ra xuất bản để họ làm tốt chức trách của mình.

 

- Trước thực trạng có khá nhiều sai phạm xảy ra, theo ông, có nên thanh tra toàn diện trên cả nước đối với tất cả các nhà xuất bản thay không?

 

Tôi nghĩ khó có thể làm thanh tra toàn diện các nhà xuất bản, và tôi nghĩ cũng không cần thiết.

 

Đã gọi là thanh tra thì chúng ta không bao giờ làm với tất cả các nhà xuất bản được. Thanh tra tức là tính đến chuyện thanh tra một số thôi, nhưng làm sao để nó phát huy được tác dụng thanh tra.

 

Nhà xuất bản nào cũng có nguy cơ rơi vào tầm ngắm của thanh tra. Và nếu anh không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật thì anh vẫn có khả năng bị phát hiện, và sẽ bị xử lý vi phạm, chịu hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều so với việc anh thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

 

Thực ra, đối với việc thanh tra các nhà xuất bản, thì vẫn có các cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ, hay theo đơn tố cáo. Tôi nghĩ, nếu chúng ta thực hiện theo tinh thần thanh tra như vậy có lẽ hiệu quả hơn. Chứ có nhiều nhà xuất bản đang làm tốt thì chẳng có lý do gì mà chúng ta thanh tra, làm ảnh hưởng đến công việc của họ.

 

- Vậy theo ông, những quy định hiện nay của chúng ta trong xử phạt đối với những vi phạm trong lĩnh vực xuất bản đã đầy đủ chưa bởi nhiều ý kiến cho rằng, cách xử phạt vẫn còn nương nhẹ và chưa đủ sức răn đe?

 

Quy định của pháp luật đã đủ mạnh nhưng vấn đề là chúng ta đã sử dụng hết tính nghiêm minh chưa? Tôi nói ví dụ vừa qua chúng ta xử lý một số vi phạm trong lĩnh vực báo chí thì mức xử lý đã nặng hơn trước. Trước đây, chúng ta chỉ xử phạt đến mấy chục triệu, nhưng giờ đã hơn hai trăm triệu. Nhưng mức phạt còn có thể cao hơn nữa nếu người xử phạt sử dụng những mức xử phạt nghiêm minh hơn.

 

Theo tôi, chúng ta nên sử dụng những mức xử phạt đủ nghiêm minh, đủ sức răn đe, chứ không phải để những anh bị xử phạt cảm thấy thích bị xử phạt hơn là cứ thực hiện đúng, vì chi phí còn cao hơn là chịu xử phạt.

 

Ngoài ra, xử phạt không chỉ có tiền mà còn nhiều hình thức khác như thu hồi thẻ biên tập; cách chức Tổng biên tập để xử lý nghiêm minh hơn, có sức răn đe lớn hơn, có giá trị tốt hơn.

 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc