(VnMedia) - Theo đại biểu Phan Văn Quý, chỉ nên giảm phạt chứ không nên xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp BĐS, bởi hiện nay thị trường này ế ẩm nhưng “cơm không ăn, gạo còn đó”. Mai mốt thị trường ấm lên, họ bán đi, thu lãi lớn bỏ túi, mà nợ thuế thì đã được xóa…
|
Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý |
Chiều nay (15/11), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế. Trước đó, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phan Văn Quý đã trao đổi một số ý kiến về dự án luật này. Theo đó, đại biểu đánh giá cao về một số đột phá, nhưng cũng hết sức băn khoăn với việc xóa nợ thuế.
- Ông đánh giá thế nào về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế sẽ được Quốc hội thảo luận tới đây ?
Tôi rất tâm đắc ý tưởng của cơ quan soạn thảo đưa ra dự luật này. Dự luật sửa đổi, điều chỉnh một số điều của các luật thuế rất khoa học và phù hợp thực tiễn, dùng 1 luật nhưng điều chỉnh được 5 luật khác.
Thứ hai, dự luật này cứu được lực lượng doanh nghiệp vừa trải qua khủng hoảng. Các doanh nghiệp đã bị giải thể thì thôi, nhưng còn doanh nghiệp nào đang ốm yếu thì qua luật này sẽ cứu vớt được một ít, với sự hỗ trợ này họ có thể khỏe lên và phát triển.
Thứ ba, luật này như một đòn bẩy, khuyến khích lực lượng đầu tư vào một số lĩnh vực chúng ta đang cần, chẳng hạn như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn… Chúng ta cũng đang bị cạnh tranh gay gắt với các nước, với những quy định mới, chúng ta có thể kéo được các nhà đầu tư lớn, với dự án từ 20.000 tỷ trở lên.
Đó là những đột phá rất lớn của ban soạn thảo cũng như Chính phủ và Quốc hội.
- Vậy còn có điểm nào ông băn khoăn trong dự thảo luật này?
Có hai thứ tôi băn khoăn. Đó là thời điểm xóa nợ thuế quá gần, từ 1/7/2013 trở về trước. Hai nữa là đối với chủ doanh nghiệp. Một người có thể đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác nhau, theo hình thức cổ phần, nên nói doanh nghiệp này phá sản, nhưng có thể doanh nhân đó còn có cổ phần ở những doanh nghiệp khác, chứ không chỉ đầu tư vào một chỗ.
Hai nữa là với bất động sản, đừng nghĩ là hiện nay làm ăn kém thì phải được giúp xóa nợ thuế, bởi thực tế sản phẩm vẫn còn đó. Sau này thị trường ấm lên, bán đi, thu lãi lớn bỏ túi, mà nợ thuế thì đã được xóa. Vì vậy, phải hết sức thận trọng, nếu không có thể tạo tiền lệ, hoặc không công bằng.
Có những doanh nghiệp đi vay ngân hàng để trả nợ thuế, chờ thị trường ấm lên thì họ bán sản phẩm, mà như các cụ nói rồi, "cơm không ăn thì gạo còn đó". Vì vậy phải thận trọng, có nên chăng chỉ giảm phạt, còn xóa thì phải cân nhắc. Bất cứ việc gì áp dụng rộng rãi ra cộng đồng cũng đều có thể có khe hở, dẫn đến nhà nước có thể thất thu.
Có những doanh nghiệp nói là lỗ, nhưng thực ra là lãi vì có những công ty này lỗ, nhưng công ty khác của họ lãi, kèm theo đó là sản phẩm hôm nay chưa bán được, nhưng nếu ngày mai bán được thì họ vẫn lãi vì nợ thuế đã được xóa. Tôi đồng ý là giảm, nhưng xóa thì phải cân nhắc, vì thời gian dài quá, từ 7/2013 trở về trước, lên đến gần 5 năm.
Điều thứ hai tôi phân vân là ưu đãi cho một số dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, thì thời hạn 30 năm tôi cho là quá dài. Vì một đời công nghệ thì không đến 30 năm, chỉ khoảng 10 năm là phải nghĩ tới thay đổi công nghệ, còn tới 30 năm thì công nghệ đó đã lạc hậu.
Nếu không thận trọng thì thu ngân sách bằng gì nếu mỗi dự án ưu đãi quá dài? Nên có ý kiến của Bộ Khoa học công nghệ quy định “một đời công nghệ” là bao nhiêu năm, chỉ ưu đãi trong thời gian đó thôi. Nếu anh thay đổi công nghệ tôi lại ưu đãi tiếp, để khuyến khích thay đổi công nghệ, tăng hiệu quả, tăng mức nộp ngân sách. Còn nếu cứ ưu đãi 30 năm mà anh lại không thay đổi công nghệ thì không khuyến khích đổi mới.
Tôi cũng có 2 đề nghị. Thứ nhất là việc làm, trong thảo luận hội trường về kinh tế xã hội, luật việc làm, nhiều Đại biểu cũng băn khoăn lo lắng về năng suất lao động của người Việt Nam quá thấp so với khu vực. Đó là điều phải thừa nhận. Muốn vậy phải khuyến khích đầu tư, nên khuyến khích doanh nghiệp,ưu đãi như đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.
Đầu tư vào việc làm là cho họ cần câu, cần câu quan trọng hơn cả cho vật chất. Vừa qua Bộ Giáo dục đưa ra đổi mới căn bản về giáo dục, đó là bước lâu dài. Nhưng đổi mới về việc làm là việc cần ngay vì nó tạo ra công ăn việc làm cho người nghèo.
- Ông có ý kiến thế nào về các chính sách miễn, giảm thuế cho hoạt động từ thiện, nhân đạo?
Những hỗ trợ này là những chính sách đã có lâu nay. Tuy nhiên, như tôi đã nói, hơn cả hỗ trợ về vật chất, việc đầu tư cho người nghèo "cần câu" quan trọng hơn nhiều. Vì vậy, cần hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, như đầu tư trường dạy nghề.
Trước đây, các phụ huynh có tư duy muốn con học lên cao, học đại học, nhưng nay đã khác. Nếu con học cao được thì học, không thì cho đi học nghề, ra trường có việc làm ngay, lương cao không thua lương đại học. Nhiều tập đoàn lớn đặt vấn đề xin luôn nhân công từ trường dạy nghề, thậm chí đã có những doanh nghiệp nước ngoài về mở nhà máy gần ngay trường dạy nghề, để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ. Với trình độ chuyên nghiệp, được đào tạo, mức lương của họ cũng dần được nâng cao, đây cũng là yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vì đây là thế mạnh của Việt Nam, lực lượng lao động trẻ dồi dào, chi phí thấp. Vì vậy, nếu dần nâng cao trình độ nhân lực thì ngày càng thu hút đầu tư.
- Xin cảm ơn ông!
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc