(VnMedia) - Các đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong luật, triệt để cấm tình trạng bầu hộ, một người bỏ phiếu cho cả nhà và tránh bệnh thành tích trong bầu cử...
Phát biểu góp ý cho Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc quy định có một tiêu chí chung đối với ứng cử từ Hội đồng nhân dân xã cho tới Quốc hội là không ổn.
“Ứng cử đại biểu Quốc hội tiêu chuẩn phải cao hơn nhiều. Một ứng cử đại biểu Quốc hội không chỉ là những người không vi phạm pháp luật mà còn liên quan đến phạm trù đạo đức; Không phải chỉ tiền án mà kể cả tiền sự. Tôi thấy những nước có ứng cử đại biểu Quốc hội người ta phải điều tra lý lịch. Nói chung phải sống sạch về luật pháp, về đạo đức chứ không phải đơn giản như Điều 32. Tôi thấy không ổn, chưa kể là nó vô lý.” – đại biểu Trần Du Lịch nói.
Theo đại biểu Trần Du Lịch thì Quốc hội quyết định những vấn đề quốc kế, dân sinh, như ngày xưa gọi là “phép vua”, còn Hội đồng nhân dân xã thì như “lệ làng”. “Phép vua, lệ làng giống nhau, một tiêu chuẩn là không ổn... Ra ứng cử xã cũng được mà lên Quốc hội cũng ứng cử được là không ổn" - đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Điểm thứ hai mà đại biểu TP Hồ Chí Minh thấy “rất bức xúc”, đó là tình trạng đi bầu cử hộ. “Một người đi bầu cho cả nhà, cả xóm và để đạt 100% nhanh là đi khua từng nhà gom lại làm sao bầu cho nhan. Đây là cách làm mất uy tín ghê gớm trong bầu cử. Bầu xong người ta không biết là cả nhà bầu cho ai hết. Ở nhiều nơi người ta quy định muốn bầu cử thì ngoài thẻ cử tri phải có chứng minh nhân dân hay căn cước. Quy định như vậy thì không thể bầu hộ. Ta chấp nhận 70%, 80% chứ không cần 99% hay 100% đi bầu, miễn là người ta quan tâm đi bầu để đánh giá thực sự bao nhiêu người dân quan tâm. Ta thích làm sao 99%, 100%, còn 80%, 90%, 70% là không quen. Đây cũng là một kiểu thành tích.” – đại biểu Trần Du Lịch nói.
Để bầu cử thực chất, ông đề nghị quy định chặt chẽ trong luật để không có chuyện đi bầu hộ và địa phương nào để cho bầu hộ là vi phạm Luật bầu cử.
|
Ảnh minh họa |
Đồng quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cũng đề nghị cần phải có chế định về việc cấm bầu hộ, bầu thay, một người bầu cho cả hộ gia đình, làm cho kết quả bầu cử không được chính xác. Đồng thời, cần cấm những hành vi xúi giục, vận động để bầu cho người này, gạch tên người kia.
Phải có sự phân hóa giữa đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND
Về vấn đề cơ cấu, đồng tình với các đại biểu Vũ Trọng Kim (Quảng Ngãi), đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cần tăng số lượng đại biểu nữ. Tuy nhiên, ông dẫn chứng: “mấy lần ứng cử của tôi chung với nữ thì toàn nữ rớt.”
Thông cảm với các đại biểu nữ, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, việc tăng số lượng đại biểu nữ “là một quá trình giải phóng”, tạo điều kiện cho phụ nữ hoạt động xã hội và “khi đã bầu là phải tôn trọng phiếu của người dân.”
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng cần phải quy định cụ thể tiêu chuẩn của ứng cử viên đại biểu Quốc hội và có sự phân hóa giữa tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vì họ có vai trò, vị trí, nhiệm vụ khác nhau.
“Quốc hội, Hội đồng nhân dân là những cơ quan dân cử thì trình độ học vấn cũng vô cùng, bởi vì các thành phần dân tộc, nhà sư cũng có. Nhưng quan trọng là người dân tộc thiểu số hay nhà sư thì đều là những người có trí tuệ, đại diện cho dân tộc, các thành phần trong xã hội.” – đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
Theo ông, Quốc hội làm chính sách, tức là từng đại biểu làm chính sách, từng đại biểu bấm nút quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, vì vậy, vai trò của đại biểu Quốc hội quan trọng ở tầm quốc gia.
Lấy ví dụ về sự quan trọng của đại biểu Quốc hội, ông Đỗ Văn Đương nói: “Trước đây thầy giáo
Ngoài ra, đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh cũng đặc biệt đề nghị cần phải có sự phân hóa giữa đại biểu kiêm nhiệm với đại biểu chuyên trách.
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, đại biểu chuyên trách là chuyên tâm làm chính sách, pháp luật, đề xuất làm chính sách, pháp luật thì phải nói được, đề xuất được chính sách, thể hiện ý tưởng của mình, ý chí của Quốc hội thành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu cứ nói mà không viết, không soạn thảo được thì vấn đề rất hệ trọng.
“Tôi thiết tha đề nghị, đại biểu chuyên trách phải là chuyên viên cao cấp; Phải có thời gian làm thực tiễn trong lĩnh vực mà mình sẽ được phân công về Ủy ban đó 15 năm. Phải từ 10 năm trở lên thì mới thấu hiểu được thực tiễn, mới biết được vướng mắc thực tiễn, từ trực quan sinh động đó mà hiến kế xây dựng pháp luật. Người học cao chưa chắc đã có trí tuệ, nhiều nông dân còn chế tạo được cả xe tăng, tàu ngầm, trong một số nhà khoa học ngồi trên giấy không làm được gì. Tôi cho đây là vấn đề hệ trọng. Để nâng cao được vai trò, ví trí của Quốc hội, trước hết phải nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách.” – đại biểu Đỗ Văn Đương tha thiết nói.
Ngoài ra, theo đại biểu Đỗ Văn Đương, cần phải có một cơ chế để giám sát tổ bầu cử và giám sát việc bỏ phiếu ngay trong quá trình bỏ phiếu trên thực tế, như việc xử lý số phiếu bầu còn lại trước giờ kết thúc bầu cử để bảo đảm kết quả bầu cử được vô tư, khách quan.
Ý kiến bạn đọc