(VnMedia) - Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam tương đương với Trung Quốc, thấp hơn của Hàn Quốc và thấp hơn nhiều so với Nhật Bản.
Chiều 18/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề nóng của ngành giao thông vận tải.
Tại phiên làm việc, trước chất vấn của đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM), về tình trạng những công trình làm đường giao thông đều đội vốn rất cao, trong khi đó chất lượng chưa cao. Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề này, biện pháp sắp tới như thế nào?, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đại biểu có hỏi vì sao các công trình giao thông đội vốn, có rất nhiều nguyên nhân như đầu tư không đúng quy hoạch, định mức đơn giá không đúng quy hoạch, GPMB chậm...
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, với những công trình trước đây thì có việc đội vốn, còn 3 năm trở lại đây, tất cả công trình giao thông mới được phê duyệt không có công trình nào đội vốn, thậm chí còn giảm hơn so với tổng mức đầu tư. Nếu chúng ta thiết kế phù hợp, GPMB tốt, tiến độ đảm bảo thì không có lý do gì để công trình đội vốn cả.
Cùng quan tâm đến chất lượng của các tuyến đường, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn: Nhiều tuyến đường vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng và xuống cấp trong khi suất đầu tư cho 1km đường rất cao. Cử tri cho rằng thất thoát đối với công trình giao thông khoảng 30 – 50%, thậm chí trên 50%. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ công trình kém chất lượng, đồng thời ngân sách nhà nước phải chi ra khoản lớn để sửa chữa khi hết thời gian bảo hành. Bộ trưởng nghĩ gì về thực trạng này, và có giải pháp nào để quản lý toàn diện từ thiết kế, thi công, giám sát nhằm chống thất thoát, tham nhũng?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Công, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, vấn đề này được nhân dân, đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm. Cùng với đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công trình luôn là nội dung hết sức trọng tâm của Bộ Giao thông vận tải.
Ông cho biết, năm nay là năm thứ 4 Bộ Giao thông vận tải lấy là năm chất lượng công trình, siết chặt kỷ cương, tiến độ. Vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng công trình. Từ năm 2012 đến nay Bộ Giao thông vận tải đã khởi công 148 công trình và hoàn thành 112 công trình. Phần lơn các dự án này đang vượt và đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Còn một số ít dự án khi đưa vào sử dụng đã có hỏng hóc như Nội Bài – Lào Cai vừa qua có những nguyên nhân của nó, trong đó có việc kiểm soát không chặt chẽ, các chủ thể bao gồm chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu không tuân thủ quy trình thi công.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng trả lời chất vấn |
"Xin báo cáo Quốc hội, sự cố vết nứt tại dự án Nội Bài – Lào Cai là một trong những rủi ro. Vết nứt tại km 83 là một trong những vị trí chờ lún chúng tôi đã xác định từ trước. Dự án này chưa khánh thành, mới thông xe kỹ thuật chưa hoàn thành đầy đủ các hạng mục nhưng Bộ đã xin ý kiến đưa vào khai thác để góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói.
Theo người đứng đầu ngành giao thông, quá trình khảo sát thiết kế đã không phát hiện được, giữa hai lỗ khoan có một tảng đá trượt. Thiết kế dự án là của Nhật Bản, thi công là nhà thầu Keangnam Hàn Quốc đều không phát hiện được.
"Chúng tôi đã có những giải pháp khắc phục trong tháng 12 này. Từ việc này, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình, cái gì thiếu sẽ bổ sung. Bộ đã có chương trình nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia bao gồm chủ đầu tư, tư vấn, thiết kế, giám sát, thi công. Hơn nữa sẽ tăng cường kiểm tra giám sát của lãnh đạo bộ, các cục vụ và các cơ quan liên quan", Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Trước chất vấn của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về việc suất đầu tư làm đường của ta quá cao, thậm chí có những đoạn cao nhất hành tinh, Bộ trưởng có giải pháp, trách nhiệm gì đối với chia sẻ của người dân?, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, về suất đầu tư, hiện nay, nhiều người nói là suất đầu tư của Việt Nam cao nhất thế giới. Từ thông tin này, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng kiểm tra đánh giá, tìm hiểu các nguồn thông tin cả trong nước, cả nước ngoài để có sự so sánh, đánh giá.
"Tôi xin phép báo cáo, đối với suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam, chúng ta tương đương của Trung Quốc, thấp hơn của Hàn Quốc và thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. Nhật Bản có những đường cao tốc mà 1km lên tới 256 triệu USD. " - Bộ trưởng khẳng định.
Theo người đứng đầu ngành giao thông, thực ra việc so sánh rất khập khiễng. Nhiều yếu tố phải tương đồng một cách tương đối thì mới so sánh được. Nhưng phải nói rằng báo cáo của Bộ Xây dựng là hoàn toàn khách quan và có thể tin tưởng được.
Theo ông, chúng ta có dự án mà suất đầu tư còn thấp hơn các nước trong khu vực. Ví dụ như đường Hà Nội - Thái Nguyên là 4,19 triệu USD/km. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là 6,9 USD triệu/km. Hà Nội - Hải Phòng là 11,27 triệu USD/km. Sở dĩ suất đầu tư của đường Hà Nội - Hải Phòng cao hơn Nội Bài - Lào Cai, cao hơn Hà Nội - Thái Nguyên là vì dự án sử dụng vốn vay thương mại. Riêng lãi suất đã là 3,5 triệu USD/km.
Các dự án đi qua nền đất yếu, có nhiều cầu cũng sẽ có suất đầu tư cao. Như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là 25,8 triệu USD/km vì hơn 50km thì có đến 25km là cầu trong đó có 2 cầu rất lớn là Bình Khánh và Phước Khánh.
Thường thì các dự án trong Đồng bằng sông Cửu long nền đất yếu nên suất đầu tư cao hơn. Ngoài ra, các dự án xây dựng đường giao thông của ta có một số chi phí cao như chi phí GPMB, vốn không lo đủ từ đầu nên dẫn tới kéo dài khiến trượt giá. Rồi cả chi phí rà phá bom mìn nữa...
"Đặc biệt, đường cao tốc Việt Nam đi qua các khu dân cư nên có quá nhiều nút giao, hầm dân sinh. Như dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 106km, 10 nút giao, mỗi nút giao 800 – 1000 tỷ đồng. 107 hầm dân sinh, 22 cầu vượt. Địa phương nào có dự án đi qua cũng đều yêu cầu có nút giao. 10 cây số một nút giao thì rất khó gọi đó là đường cao tốc. Trong khi chúng ta đầu tư đường cao tốc với tốc độ 120km/h", Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Ý kiến bạn đọc