Dân bị ép phải hối lộ để thi công nhanh quốc lộ 1?

06:24, 03/11/2014
|

(VnMedia) - Xung quanh thông tin phản ánh có tình trạng ép dân hối lộ để thi công sớm, chậm tiến độ, khai thác đất cát trái phép, lấp ruộng, mương nước của nông dân... khi thi công mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua Bình Thuận, Bộ Giao thông vận tải vừa lên tiếng về vấn đề này....

Theo Bộ Giao thông vận tải, quốc lộ 1 đi qua nhiều khu đô thị đông dân cư và mật độ giao thông rất cao. Do đó, Bộ đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức thi công đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên đường đang khai thác và chỉ cho phép triển khai thi công khi đã thực hiện đầy đủ biện pháp ATGT như: Lập biện pháp tổ chức thi công chi tiết từng hạng mục công trình, từng đoạn tuyến với giải pháp thi công cuốn chiếu dứt điểm, có đầy đủ biện pháp đảm bảo ATGT.

Bộ Giao thông vận tải cũng giao các đơn vị quản lý đường bộ trong quá trình các nhà thầu thi công phải tiếp tục thực hiện công tác duy tu, sửa chữa ngay các hư hỏng mặt đường để đảm bảo giao thông; đồng thời kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vi phạm của nhà thầu về công tác đảm bảo ATGT.

"Trong quá trình thi công, các nhà thầu đã cơ bản thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, việc thi công làm thu hẹp mặt đường, gián tiếp ảnh hưởng đến ATGT. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án, nhà thầu thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức thi công đảm bảo ATGT trên đường và tăng cường phối hợp với các lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông địa phương giữ gìn trật tự ATGT khu vực thi công để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến ATGT trên đường", Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Chưa nhận được phản ánh của người dân về việc bị ép hối lộ

Đề cập đến thông tin việc triển khai dự án bị chậm tiến độ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và có tình trạng ép dân hối lộ mới thi công, Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời gian qua đang là mùa mưa nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công rải bê tông nhựa. Các nhà thầu đã tập trung thi công công trình thoát nước, nền đường, móng cấp khối đá dăm và tập kết vật liệu chuẩn bị cho thi công bê tông nhựa đồng loạt khi thời tiết thuận lợi.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, nhìn chung tiến độ thi công các dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Thuận đang triển khai bám sát tiến độ chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải là hoàn thành vào giữa năm 2015, nhanh hơn so với kế hoạch khoảng 3 tháng.

 Ảnh minh họa

 Quốc lộ 1 đang được thi công nâng cấp, mở rộng tại nhiều địa phương.
Ảnh: Internet

"Việc thi công mở rộng đường ít nhiều ảnh hưởng đến đi lại và sinh hoạt của nhân dân bên đường. Với đặc thù công trình phải đào xử lý nền đường sâu (1 đến 2m) và đắp hoàn trả phải thực hiện đầm đắp từng lớp (20 đến 25cm) theo quy định, nên cần thời gian thi công nhất định, cá biệt một số vị trí đang làm dở dang gặp mưa phải dừng chờ, làm kéo dài thi công; hơn nữa mặt bằng thi công còn vướng cục bộ một số vị trí cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Vẫn theo Bộ Giao thông vận tải, trước tình trạng trên, đơn vị này đã chỉ đạo thi công cuốn chiếu, gọn gàng dứt điểm trên từng đoạn, đồng thời tăng cường phối hợp với địa phương giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh thi công hơn nhằm hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

"Về thông tin người dân phải hối lộ tiền mới thi công sớm, đến nay Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án 1, các nhà đầu tư BOT cũng như các cơ quan chức năng chưa nhận được bất kỳ đơn thư khiếu nại nào của người dân về nội dung này. Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án 1 và nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh Bình Thuận theo dõi, nắm bắt, thu thập thông tin để xử lý cá nhân, tập thể có dấu hiệu nêu trên", Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Không có việc nhà thầu thi công ngoài phạm vi dự án

Trước thông tin phán ánh về việc các đơn vị thi công mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua Bình Thuận khai thác đất, cát trái phép và lấp ruộng, mương của người dân, Bộ Giao thông vận tải cho biết, yêu cầu vật liệu xây dựng công trình phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án. Vị trí các mỏ vật liệu cung ứng cho dự án được Tư vấn thiết kế rà soát trên cơ sở các mỏ do địa phương cấp phép khai thác, kinh doanh và xác định cụ thể trong hồ sơ thiết kế.

Vật liệu trước khi đưa vào công trình phải được thí nghiệm, nghiệm thu về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật; mặt khác với yêu cầu phải có hoá đơn chứng từ cho thanh quyết toán công trình nên các nhà thầu đều hợp đồng mua vật liệu tại các mỏ được địa phương cấp phép khai thác theo đúng hồ sơ thiết kế.

Khi triển khai dự án yêu cầu khối lượng vật liệu lớn, UBND tỉnh Bình Thuận đã có chỉ đạo cấp phép mở rộng, nâng công suất khai thác của các mỏ vật liệu đáp ứng nhu cầu cung ứng cho dự án.

Ngoài ra, phạm vi xây dựng công trình được cắm cọc mốc giải phóng mặt bằng và giao địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, trong đó địa phương có trách nhiệm đền bù các công trình, vật liệu kiến trúc... trong phạm vi mặt bằng xây dựng công trình và xây dựng hoàn trả công trình hạ tầng (đường điện, hệ thống mương cấp thoát nước...).

"Việc thi công công trình chỉ thực hiện trong phạm vi mặt bằng địa phương đã đền bù giải toả, bàn giao cho thi công, kể cả trường hợp địa phương bàn giao mặt bằng cho thi công, nhưng người dân chưa cho thi công thì các nhà thầu đều phải dừng thi công và đề nghị địa phương tiếp tục giải quyết cho thi công. Do vậy nhà thầu không thể thi công ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng dự án", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc