Chuẩn bị cấp bằng lái xe quốc tế dùng ở 70 nước

21:01, 12/11/2014
|

(VnMedia) -   Giấy phép lái xe quốc tế mà Việt Nam cấp sẽ gồm tiếng Việt Nam và được dịch sang các tiếng thông dụng như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc để sử dụng thuận lợi tại 70 nước....

Trước việc thời gian gần đây có thông tin, sau ngày 31/12/2014, giấy phép lái xe (GPLX)bằng giấy nếu không thực hiện đổi sang bằng nhựa thì sẽ không được sử dụng. Những trường hợp không đổi sẽ phải học và thi lại. Thông tin này đã khiến người dân đổ xô đi đổi GPLX dẫn đến tình trạng quá tải tại các điểm cấp, đổi.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục vừa đề nghị Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành thông tin, tuyên truyền, giải thích rõ về vấn đề này.

Cụ thể, GPLX ô tô bằng vật liệu giấy sau năm 2014 và GPLX mô tô bằng vật liệu giấy sau năm 2020 nếu còn thời hạn sử dụng ghi trên GPLX thì vẫn còn hiệu lực sử dụng, được đổi sang GPLX bằng vật liệu PET khi hết hạn hoặc được đổi khi có nhu cầu.

Theo ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, không có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng GPLX bằng vật liệu giấy do cơ quan có thẩm quyền cấp còn thời hạn sử dụng ghi trên GPLX mà chưa đổi sang GPLX bằng vật liệu PET.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị các Sở Giao thông vận tải tăng cường năng lực, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng thời gian làm việc của bộ phận cấp, đổi GPLX để giải quyết kịp thời nhu cầu đổi GPLX cho người dân.

  Ảnh minh họa

 Từ đầu năm 2015, bằng lái xe ô tô Việt Nam sẽ được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc để sử dụng tại 70 nước trên thế giới.

Giấy phép lái xe Việt Nam sẽ dùng được ở 70 nước

Theo ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong chương trình hợp tác quốc tế về giao thông đường bộ, từ năm 2013 Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam xây dựng đề án tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ (bao gồm các vấn đề như biển báo, tín hiệu giao thông đường bộ, giấy phép lái xe cơ giới đường bộ..).

Theo đề án được phê duyệt, Việt Nam sẽ công nhận và cho sử dụng giấy phép lái xe quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước Vienna cấp, mà không phải đổi sang giấy phép lái xe Việt Nam.

Ngược lại, khi Việt Nam đã tham gia Công ước Vienna, những người Việt Nam đi công tác, học tập và định cư ở nước ngoài đã có giấy phép lái xe quốc gia có nhu cầu sử dụng giấy phép lái xe này tại nước ngoài sẽ được các cơ quan chức năng của Việt Nam cấp giấy phép lái xe quốc tế và những giấy phép này được các quốc gia tham gia Công ước Vienna công nhận.

Theo ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã hoàn thành xong thủ tục và đã được Liên hợp quốc chấp nhận tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ, trong đó có nội dung được phép cấp và công nhận giấy phép lái xe quốc tế từ 1/1/2015.

Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị những điều kiện để cấp giấy phép lái xe quốc tế. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ trình Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định trình tự cấp và sử dụng giấy phép lái xe quốc tế cho người Việt Nam có nhu cầu sử dụng giấy phép lái xe quốc tế ở nước ngoài.

Về điều kiện được cấp giấy phép lái xe quốc tế, người xin cấp phải có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn nộp cùng đơn xin cấp theo mẫu sẽ được hướng dẫn. Giấy phép lái xe quốc tế này sẽ được sử dụng tại các nước đã tham gia công ước Vienna (khoảng trên 70 nước). Hạng giấy phép lái xe phù hợp với hạng ghi trong giấy phép lái xe quốc gia.

Giấy phép lái xe quốc tế mà Việt Nam cấp sẽ gồm tiếng Việt Nam (tiếng nước sở tại) và được dịch sang các tiếng thông dụng như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc để sử dụng thuận lợi tại các nước.

Theo ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, việc gia nhập Công ước Vienna đánh dấu một bước hội nhập hoàn toàn của Việt Nam với các nước đã tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ.

Việc gia nhập sẽ tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, sinh sống được thuận lợi khi không phải mất thời gian đổi giấy phép mà họ đã được cấp tại nước sở tại như trước kia. Và ngược lại, đối với người Việt Nam khi ra nước ngoài sinh sống, lao động, học tập không phải thi lại để lấy giấy phép lái xe nước sở tại khi đã có giấy phép lái xe tại Việt Nam cũng góp phần tiết kiệm chi phí của người dân và xã hội.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc