Cần làm rõ trách nhiệm từng vị trí trong Chính phủ

08:21, 08/11/2014
|

(VnMedia) - " Luật của chúng ta rất mơ hồ về trách nhiệm, cho nên khi xác định ai là trực tiếp, ai là liên đới thì không có cơ sở mà xác định rất chủ quan… Tôi đề nghị luật Tổ chức Chính phủ phải làm rõ chế độ trách nhiệm, từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng..." - đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói.

Ngày 7/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về một số vấn đề của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Các đại biểu đã nhấn mạnh việc cần làm rõ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Chính phủ, các thành viên Chính phủ trong việc quản lý, điều hành đất nước.
 
Theo đại biểu Trịnh Ngọc Thạch, “Bộ trưởng không phải là người quản lý, mà phải là người lãnh đạo. Nhưng Bộ trưởng của ta như là người quản lý, làm việc quá chi tiết. Cứ nói là đi “vi hành” nhưng hình như các đồng chí quên mất chức năng định hướng chiến lược. Ngay cả với Thủ tướng, trong phần chức năng nhiệm vụ của Thủ tướng tôi thấy quá nhiều việc nhỏ, như việc thành lập một trường Đại học…”
 
Trong khi đó, là người từng phát biểu rất nhiều về những quy định liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong các luật, đại biểu đoàn Hà Nội Nguyễn Đình Quyền nhận định, nếu luật Tổ chức Chính phủ, chính quyền địa phương không quy định rõ được trách nhiệm của từng vị trí công tác trong nền hành chính quốc gia thì phải có luật công vụ.
 
“Ở các nước, sau khi có bất cứ sự vụ nào xảy ra, chỉ vài tiếng sau, người ta có thể xác định được ngay ai chịu trách nhiệm, không cần phân định. Trong khi đó, Luật của chúng ta rất mơ hồ về trách nhiệm, cho nên khi xác định ai là trực tiếp, ai là liên đới thì không có cơ sở mà xác định rất chủ quan… Tôi đề nghị luật Tổ chức Chính phủ phải làm rõ chế độ trách nhiệm, từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, thứ trưởng như thế nào….”

Ảnh minh họa

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền - ảnh: Tuệ Khanh


Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Đình Quyền, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, quy định nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong Dự thảo luật chưa ổn.
 
“Đối với chính ngành của mình thì Bộ trưởng có trách nhiệm gì? Khi phát sinh vấn đề, sự cố, đại biểu Quốc hội chất vấn trách nhiệm không chỉ dừng ở giải trình. Việc xác định trách nhiệm của Bộ trưởng chưa được rõ trong điểm này.” – đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nói.
 
Theo đại biểu Hòa, cần làm rõ hơn cơ chế chịu trách nhiệm cùa các thành viên Chính phủ, bởi luật chưa quy định rõ để khi có vấn đề phát sinh thì có thể quy trách nhiệm, tránh một việc xảy ra thì không biết bộ ngành nào chịu trách nhiệm.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cũng đề nghị cần quy định bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ mà không cần chờ lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội. “Nên mạnh dạn đưa quy định về bỏ phiếu tín nhiệm và cơ chế từ chức đối với các thành viên Chính phủ” – đại biểu Hòa nói.

Không quy định "Chính phủ đề nghị tòa án xem lại bản án"

Trong khi đó, không đồng tình với quy định "Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án, quyết định của tòa án, nếu thấy bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật" và "Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân liên quan đến các cơ quan hành chính nhà nước; việc thực hiện kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân, nếu thấy vi phạm pháp luật", đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu rõ đây là trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì vậy không nên đưa vào dự án Luật.
 
Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đại biểu Thuận Hữu (Bà Rịa - Vũng Tàu) lo ngại những quy định này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động độc lập xét xử của Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc thì cho rằng, phải có điều khoản tăng cường quyền hạn của Thủ tướng để Thủ tướng có quyền giải tán các Tổng cục không hiệu quả, xử lý nhanh chóng hơn.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị, cần quy định quyền hạn của Thủ tướng đối với vấn đề cán bộ, để Thủ tướng không cảm thấy bị khó, ràng buộc khi bộ máy của Chính phủ vận hành không tốt.
 
“Trong quá trình vận hành, nếu Bộ trưởng nào không làm tốt thì Thủ tướng có quyền đề nghị Uỷ ban Thường vụ, Quốc hội đình chỉ công tác. Còn nếu đình chỉ không đúng thì Thủ tướng phải chịu trách nhiệm" – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
 
Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị, cần nâng cao vai trò Thủ tướng trong việc có quyền bổ nhiệm, cách chức vì đây là trách nhiệm của người đứng đầu cao nhất trong bộ máy hành chính nhà nước.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc