Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bộ không "ôm" hết việc!

09:19, 12/11/2014
|

(VnMedia) - “Thủ tướng nói rằng, việc đổi mới là dứt khoát, nhưng nếu buông hết mà không lo, tốt thì không sao, nhưng không triển khai, không chủ động được thì sẽ có lỗi với nhân dân. Chứ không phải chúng tôi muốn ôm việc này đâu.” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận


Nhiều ý kiến trái chiều

Chiều 11/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK). Xung quanh vấn đề này vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều.
 
Theo đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đề án chưa kế thừa thành tựu qua quá trình đổi mới thời gian qua. “Ví dụ quy định không chấm điểm như Thông tư 30/2014 là bị lệch, là chủ quan, không chấm điểm làm học sinh không biết mình đang ở đâu, cào bằng, ảnh hưởng đến cách dạy, cách đánh giá. Có điểm thì vào sổ để theo dõi nhưng nhận xét thì không có tài liệu nào để theo dõi?” – đại biểu Trần Minh Diệu nói.
 
Đại biểu này cũng nhận xét, nếu để Bộ GD-ĐT biên soạn SGK cho “kịp tiến độ” thì không thể chất lượng. “Sao không để các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Bộ chỉ nên thẩm định, phê duyệt, cho phép đấu giá và phát hành chứ Bộ lấy ngân sách nhà nước biên soạn thì ai dám biên soạn bộ khác? Như vậy thì chủ trương “hô rất mạnh” là xã hội hóa việc biên soạn SGK không khả thi. Đa số các Giám đốc Sở đều cho biết sẽ chọn bộ sách do Bộ biên soạn thì các bộ sách của những cá nhân, tổ chức khác làm sao phát hành? Nên không đồng tình để Bộ biên soạn.
 
Trong khi đó, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) không đồng tình với chủ trương nhiều chủ thể soạn thảo SGK. “Ngay việc chọn bộ sách nào thì cũng sẽ dẫn đến chuyện lobby, thực tiễn đã có” – đại biểu Trương Thị Huệ nói.
 
Theo bà, trình độ, mặt bằng dân trí hiện nay cho tự chọn một bộ SGK là chưa phù hợp. Đại biểu chỉ ủng hộ 20% chương trình “mềm” do địa phương quyết định.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì lại cho rằng, quan trọng nhất là đổi mới đội ngũ giáo viên, đổi mới các trường đại học cho xứng tầm thế giới.
 
“Hướng nghiệp dạy nghề, phân luồng đào tạo chưa được quan tâm nên chen nhau thi đại học và thất nghiệp, nhưng đến giờ chỉ chủ yếu đổi mới SGK nhưng bồi dưỡng giáo viên chỉ mang tính “chắp vá” nên hiệu quả không cao, một thời gian sau lại quay lại phê phán là đổi mới không hợp lý. Đổi mới lần này không thể “quay lại con đường cũ”. Chương trình SGK hiện nay chưa đến nỗi phải đổi mới vì học sinh đi thi quốc tế vẫn đạt nhiều giải cao.” – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhận xét.
 
Theo đại biểu này thì cũng không nên có một chương trình nhiều bộ SGK. “Những gì đem lại lợi nhuận sẽ chạy theo như nhà nghỉ, dịch vụ…, chứ biên soạn SGK thì không thể đưa vào cạnh tranh. Vả lại, nếu đã có SGK của Bộ thì không ai dám sử dụng bộ SGK ở ngoài. Bộ cũng không đủ thời gian để thâm định bộ GSK nào tốt, không tốt. Về hình thức, chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK rất dân chủ để huy động trí tuệ xã hội song không thực tế.
 
Còn đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) thì cho rằng, phải có bộ SGK mang tính pháp lý nên sẽ chỉ chọn bộ của Bộ GD-ĐT biên soạn. Còn đại biểu Lê Khánh Nhung đề nghị cần phải có giai đoạn thử nghiệm trước khi triển khai rộng trong cả nước, có tập huấn “cuốn chiếu” cho giáo viên.
 
Chỉ lo không ai làm sách giáo khoa

Trước những ý kiến khác nhau về các vấn đề khá chi tiết, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Đề án này không thể nói hết được những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
 
“Chúng tôi chỉ tính toán những nội dung rất lớn cần bàn, thuộc thẩm quyền của Quốc hội để Quốc hội cho chủ trương. Chứ nếu là một đề án chúng tôi sẽ triển khai thì kịch bản, nội dung rất là chi tiết.” – Bộ trưởng nói.
 
Về số lượng các bộ SGK, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết hiện không thể khẳng định được sẽ có bao nhiêu bộ. Tuy nhiên, tính toán dựa trên thực tiễn, số lượng người có thể giam gia, viết được thì “lạc quan nhất” là có thể được 4 bộ. Vì vậy, kinh phí thẩm định trong Đề án là 4 bộ.
 
“Qua 3- 4 lần viết SGK trước đây cho thấy lực lượng tham gia vào viết SGK là không nhiều. Trong số những người có thể, có kinh nghiệm viết SGK thì không phải ai cũng sẵn sàng tham gia vì nhiều lý do khác nhau như có người điều kiện công tác, vì đã làm là phải bỏ thời gian tập trung rất lớn. Thứ hai là chính sách đãi ngộ viết SGK rất là thấp, thấp lắm nên không khuyến khích được về vật chất.” – Bộ trưởng chia sẻ.
 
Bộ trưởng cũng khẳng định, lần làm SGK này viết theo phương pháp mới, tiếp cận mới. Những lần trước viết sách, chúng ta dạy các cháu đều theo cách thầy truyền đạt kiến thức cho trò, trò tiếp nhận kiến thức học thuộc để thi trở lại, theo lối truyền thụ kiến thức một chiều. Điều thầy nói ra là chân lý, học trò chỉ công nhận, viết càng đầy đủ đúng lời thầy, giống với sách thì điểm càng cao. Nếu viết không đúng như điều thầy nói, cũng như với sách thì điểm thấp. Bây giờ ta sẽ chuyển sang cách viết khác, trong đó chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của người học.” – Bộ trưởng khẳng định.
 
Theo ông, hiện Bộ Giáo dục đang tập huấn cho rất nhiều thầy cô giáo, chuyên gia giáo dục có năng lực có thể tham gia làm sách để làm quen, tiếp cận với những bộ sách mà thế giới làm để phát triển năng lực, hình dung để làm.
 
“Chúng tôi thành tâm và mong muốn có nhiều bộ sách, chứ không phải lo rằng viết sách ra rồi bộ giáo dục không dùng. Mà chỉ lo là có ai viết không, viết có bảo đảm chất lượng không.”
 
Về việc tổ chức biên soạn SGK, Bộ trưởng cho biết, từ trước đến nay Bộ GD&ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết sách giáo khoa mà chỉ tổ chức viết SGK và lần này cũng vậy. Tuy nhiên, Uỷ ban Văn hóa giáo dục đề nghị trình phương án Bộ Giáo dục chủ động xây dựng một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các lực lượng xã hội biên soạn bộ sách khác.
 
“Chúng tôi cũng báo cáo Thủ tướng thì Thủ tướng nói rằng việc đổi mới là dứt khoát, nhưng nếu buông hết mà không lo, tốt thì không sao, nhưng không triển khai, không chủ động được thì sẽ có lỗi với nhân dân. Chứ không phải chúng tôi muốn ôm việc này đâu.” – Bộ trưởng phân bua.
 
Với những băn khoăn về việc Bộ Giáo dục tự làm một bộ sách rồi lại thẩm định sách của các đơn vị khác, tức là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, sẽ dành hết các chỗ, không còn chỗ cho các nhóm tác giả viết sách nữa, Bộ trưởng khẳng định sẽ làm rất nghiêm túc, cẩn thận.
 
“Bộ Giáo dục biên soạn một bộ sách hay không biên soạn thì cũng không ảnh hưởng gì đến các bộ sách khác nó ồn tại và xuất hiện.” – Bộ trưởng khẳng định và cho biết thêm, không phải bộ thẩm định sách mà do Hội đồng thẩm định bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia… do nhiều tổ chức, đơn vị giới thiệu. Đây là hội đồng thẩm định độc lập không phụ thuộc vào Bộ Giáo dục.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc