"Xây sân bay Long Thành là phí nếu vẫn dùng Tân Sơn Nhất"

14:11, 15/10/2014
|

(VnMedia) - Xung quanh chủ trương của Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai), trao đổi với VnMedia sáng nay, Ts. Đinh Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải cho rằng, nếu xây dựng sân bay quốc tế Long Thành mà sân bay Tân Sơn Nhất vẫn dùng song song là lãng phí.

>>Bộ Giao thông: "Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải" 

>>
Báo cáo Bộ Chính trị dự án sân bay Long Thành 

>>Trình Quốc hội xây sân bay quốc tế Long Thành 

Theo Ts. Đinh Thanh Bình, khi quy hoạch một cơ sở hạ tầng vận tải, một đầu mối vận tải lớn như một sân bay, một cảng biển lớn, một trung tâm logistic …cần phải xem xét xem việc làm này có nhu cầu hay không. Nếu không có nhu cầu thì khi xây dựng lên chắc chắn sẽ không có khách, không có phương tiện đến.

Theo Ts Bình, hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất đã hoạt động gần hết công suất. Vì vậy, muốn mở rộng và phát triển thêm thì buộc phải tăng công suất hoặc phải di chuyển đến một địa điểm nào đó như sân bay Long Thành chẳng hạn.

Ts Bình cũng cho rằng, nếu sau khi sân bay Long Thành được xây dựng mà sân bay Tân Sơn Nhất vẫn hoạt động song song thì với mức tăng trưởng về nhu cầu vận tải hàng không hiện nay là hơi lãng phí vì mức độ tăng trưởng hiện nay không phải đủ để đảm bảo ngay lập tức sân bay Long Thành có đông khách.

Theo bà, nếu đề xuất xây dựng sân bay Long Thành thì Bộ Giao thông vận tải phải có giải pháp để song song với việc phát triển ngành kinh tế, phải thúc đẩy được lĩnh vực vận tải hàng không phát triển, ví dụ như: ngành du lịch, ngành hàng không nội địa…

 Ảnh minh họa

Phối cảnh một góc của Sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: Chinhphu 

Theo đánh giá của bà Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, hiện nay ngành hàng không của chúng ta mới có vài hãng vận tải, do vậy, khi xây dựng sân bay quốc tế Long Thành phải trả lời được hàng loạt câu hỏi: Sân bay này có trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế hay không, có hấp dẫn được khách quốc tế đến và trung chuyển đi nơi khách không? Và ngành du lịch sẽ phát triển thế nào để hấp dẫn khách quốc tế đến Việt Nam chơi vài ngày rồi đi nước khách theo mô hình các nước khác đang làm?.

Bà Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải cho rằng, nếu giữ nguyên quy mô và hoạt động như hiện nay thì việc xây dựng sân bay Long Thành trong thời gian ngắn hiện tại là lãng phí.

“Bây giờ phải đặt vấn đề nếu xây thêm Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì phải đặt câu hỏi liệu có đủ số khách cho sân bay hoạt động không? Sau khi sân bay Long Thành hoạt động thì một số chức năng của sân bay Tân Sân Nhất sẽ chuyển sang sân bay Long Thành không?”, bà Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải đặt câu hỏi.

Theo bà Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, ngành hàng không chủ yếu phục vụ cho du lịch, cho hành khách là chính và phục vụ cho vận tải hàng hóa nhanh. Tuy nhiên, hiện nay vận tải hàng hóa nhanh ở khu vực Đông Nam Á hầu như không có loại hàng hóa nào để vận chuyển nhanh, vì kinh tế không có thì lấy đâu ra nhu cầu.

“Việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải bao giờ cũng phải đi song song với sự phát triển của nền kinh tế, phải nhìn trước được nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong thời gian đủ xa để dự kiến xây dựng kịp thời. Nhưng nếu xây dựng quá xa so với quy mô phát triển kinh tế thì lãng phí vì không sử dụng hết công suất”, bà Bình cho biết.

Theo quan điểm của bà Bình, nếu xây dựng sân bay Long Thành đến năm 2030 đạt công suất 50 triệu hành khách/năm nhưng đến năm 2050 mới đạt công suất thiết kế thực tế thì lãng phí rất nhiều năm.

Theo quy hoạch được duyệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được phân kỳ đầu tư như sau: Giai đoạn 1 (đến 2025): hình thành Cảng hàng không quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, nhằm hỗ trợ việc quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Giai đoạn 2 (đến 2030): nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3 (sau 2030): nâng công suất khai thác lên 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo đó, quy mô đầu tư giai đoạn 1 sẽ đầu tư nhà ga hành khách với công suất 25 triệu khách/năm, 2 đường cất hạ cánh với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 165.000 tỷ đồng (7,8 tỷ USD).

Để giảm áp lực vốn đầu tư trong tình hình khó khăn hiện nay; rút ngắn thời hạn đưa công trình vào khai thác; kết hợp khai thác, tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất việc phân kỳ đầu tư Giai đoạn 1 của dự án thành các giai đoạn 1a và 1b ở thời điểm hiện nay là cần thiết, cụ thể như sau:

Giai đoạn 1a: Xây dựng nhà ga chính có 1 nhánh trung tâm, 1 đường cất hạ cánh đáp ứng lượng hành khách 17 triệu khách/ năm, với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 119.000 tỷ đồng (5,7 tỷ USD), mở cửa vào năm 2023.

Giai đoạn 1b: Xây dựng hai cánh còn lại của nhà ga chính trung tâm và đường cất hạ cánh thứ hai, mở cửa vào năm 2025.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc