(VnMedia) - Phải khẳng định rằng chúng ta có thể sản xuất được ốc vít. Thực tế là trong những năm qua chúng ta đã làm được và làm chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, để đưa được sản phẩm đó vào trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất của Samsung lại là câu chuyện khác...
Mỗi năm, Việt Nam mất hơn 50 tỷ đô la Mỹ để phục vụ cho việc nhập khẩu linh kiện phục vụ cho sản xuất trong nước. Còn ở tầm doanh nghiệp, mới đây, một thông tin đã gây xôn xao dư luận khi ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào sản xuất được ốc vít theo đặt hàng của tập đoàn Samsung.
Hai câu chuyện trên đang đặt ra những lo ngại cho ngành hỗ trợ công nghiệp trong nước. Các câu hỏi và băn khoăn của doanh nghiệp về vấn đề này sẽ được đặt ra cho Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 5/10.
- Thưa Bộ trưởng, một doanh nghiệp đặt câu hỏi như sau: “Trong một cuộc hội thảo gần đây, chúng tôi là 1 trong 200 doanh nghiệp đã phải rất tiếc nuối khi không đủ điều kiện sản xuất ra con ốc vít theo đặt hàng của tập đoàn Samsung. Chúng tôi xin hỏi Bộ trưởng Bộ Công Thương có những định hướng như thế nào để chúng tôi có thể chớp được cơ hội sản xuất những mặt hàng linh kiện cho các tập đoàn toàn cầu đang có mặt tại Việt Nam?"
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Phải khẳng định rằng chúng ta có thể sản xuất được ốc vít. Thực tế là trong những năm qua chúng ta đã làm được và làm chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, để đưa được sản phẩm đó vào trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất của Samsung không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu là một câu chuyện khác. Bởi vì, nếu chúng ta không đảm bảo được về chi phí, tức là do năng suất thấp, giá thành cao... thì khó có thể len chân được vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu. Samsung nói là ý như vậy.
Để giúp cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ, ở đây phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là rất nhỏ, nhà nước phải có nhiều biện pháp, nhiều công cụ hỗ trợ. Ngoài những biện pháp hỗ trợ về cơ chế, chính sách, giúp đào tạo cán bộ, huấn luyện công nhân, định hướng thị trường, tạo những thuận lợi về thuế, mặt bằng, thuê đất... thì nhà nước cũng phải có những chương trình hợp tác với nước ngoài, nhất là những quốc gia có kinh nghiệm và thế mạnh về công nghiệp hỗ trợ như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Chúng ta có thể sản xuất được ốc vít |
- Một doanh nghiệp hỏi: "Chúng tôi rất muốn tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ vì tôi được biết ngành này có rất nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, khi làm thủ tục vay ưu đãi thì tôi mới thấy có bơi ra cũng không thể nào vay được vốn. Cùng chung số phận như tôi thì trong 3 năm vừa rồi, từ khi Chính phủ có chính sách ưu đãi vay vốn cho ngành công nghiệp hỗ trợ, chưa một doanh nghiệp nào có thể vay được vốn?
Đến nay không phải không có doanh nghiệp nào được hưởng cơ chế ưu đãi trong chương trình khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ. Tất nhiên con số rất ít. Điều này phản ánh một thực tế là mặc dù Chính phủ và các cấp các ngành hết sức quan tâm đến phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng các quy định chưa đi vào cuộc sống.
Lý do thứ nhất là những ưu đãi, cơ chế chính sách hiện có chưa đủ sức hấp dẫn và cũng chưa đủ sức để các doanh nghiệp quan tâm. Thứ hai là bản thân các doanh nghiệp sức còn đang yếu, nếu không có vai trò thúc đẩy, hỗ trợ trực tiếp về kinh phí thì chắc họ khó thực hiện được. Vì thế, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành ngày 24/2/2011, mặc dù đã đề cập đến rất nhiều khía cạnh nhưng trong thực tế, việc thực thi quyết định này còn nhiều vấn đề.
Vì vậy, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát lại Quyết định 12 và xây dựng thành Nghị định. Việc này có rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là Nghị định, về mặt pháp lý thì có giá trị cao hơn là Quyết định, thứ hai là có điều kiện để đề cập, xem xét quy định những nội dung mới mà qua 3 năm thực hiện bộc lộ những mặt bất cập.
Một là Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù cho công nghiệp hỗ trợ như Chương trình Quốc gia về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thứ hai là hình thành Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này; thứ ba là những cơ chế, chính sách ưu đãi hơn, ví dụ như thuế với những doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
- Bộ trưởng vừa nói là trong Dự thảo nghị định sẽ có một nội dung là Quỹ hỗ trợ. Tuy nhiên trong Quyết định 12 trước đây cũng đã nhắc đến Quỹ hỗ trợ về vốn rồi. Vậy có gì mới trong Dự thảo Nghị định lần này?
Đúng là trong Quyết định 12 đã có quy định về quỹ hỗ trợ nhưng không quy định cụ thể. Nhưng trong Dự thảo Nghị định lần này sẽ quy định cụ thể hơn, đó là quỹ sẽ hình thành như thế nào, vốn ở đâu và việc điều hành quỹ cụ thể sẽ được quy định hết sức chi tiết. Đó là điểm mới để làm sao khi chúng ta có quỹ này thì nó thực sự hoạt động được và hỗ trợ được cho doanh nghiệp.
- Một doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực tiêu dùng hỏi: Gần đây tôi có nghe được một thương vụ mua lại chuỗi siêu thị tại Việt Nam của một tập đoàn của Thái Lan. Trước đó, cũng chính Tập đoàn này mua lại chuỗi siêu thị Việt Nam khác và sau đó đã đưa hàng Thái Lan vào trong siêu thị đó. Hiện, lượng hàng Thái Lan đã chiếm tới 70% lượng hàng trong siêu thị này. Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh cộng đồng ASEAN sắp được thành lập, lúc đó thuế suất hàng Thái Lan vào Việt Nam chỉ còn 0% thì doanh nghiệp này tỏ ra lo ngại làm thế nào để cạnh tranh được với hàng Thái, bởi hàng Thái thì rẻ mà họ lại có sẵn một hệ thống phân phối tại Việt Nam. Liệu chúng ta có quy định tối thiểu lượng hàng Việt Nam phải bán trong các siêu thị tại Việt Nam hay không?
Tôi hiểu đây là thương vụ liên quan đến tập đoàn Metro nhượng bán lại dự án của họ đang hoạt động tại Việt Nam cho một công ty của Thái Lan. Biện pháp để khống chế lượng hàng nước ngoài được bán trong các siêu thị theo chuỗi doanh nghiệp của nước ngoài thì hiện nay về mặt hành chính chúng ta không thể cấm được.
Tuy nhiên, chúng ta có những giải pháp khác, ví dụ như hạn ngạch đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Khi chúng ta đã có những hạn chế hàng nhập khẩu vào Việt Nam, thì cũng có nghĩa là những nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh các hệ thống siêu thị cũng không được phép hoặc hạn chế nhập các mặt hàng này vào bán tại các siêu thị.
Có một thực tế là hiện nay những tập đoàn lớn như Metro, BigC... là những tên tuổi tương đối quen thuộc thì họ lại sử dụng phần lớn hàng Việt Nam hoặc hàng có xuất xứ Việt Nam. Trong trường hợp công ty của Thái Lan mua lại của Metro, nếu hàng Việt Nam mà chất lượng tốt, mẫu mã thu hút người tiêu dùng, giá cả phải chăng thì chắc chắn họ sẽ sử dụng hàng Việt Nam để tiêu thụ trong hệ thống của họ.
Ý kiến bạn đọc