(VnMedia) - Bên lề Kỳ họp Quốc hội ngày 23/10, đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi đã trao đổi với báo chí các vấn đề xung quanh Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó đặc biệt là cách tính lương hưu...
- Trong nội dung thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội, ông có nói đến việc một tổng giám đốc công ty bia có lương về hưu là 65 triệu đồng/tháng, cao hơn cả lương của Chủ tịch Quốc hội. Xin ông cho biết rõ hơn về trường hợp này?
Đó là ông Nguyễn Minh, Tổng giám đốc Công ty Bia Huda Huế, hiện đang hưởng lương hưu là 65,2 triệu đồng/tháng. Lý do có mức "khủng" như vậy là bởi lương của ông Minh khi về hưu tính bình quân của 5 năm, lại đóng lương hưu trên tiền lương thực tế, lên tới hàng trăm triệu nên mức lương hưu cao như vậy. Đó là con số chính xác.
Đây là trường hợp cao nhất, còn một số trường hợp thấp hơn chắc cũng có, nhưng đây là trường hợp cá biệt nên khi nghiên cứu thì phải tính đến.
Trên thế giới, họ không hình thành cơ chế hưởng lương hưu quá cao như vậy. Lý do vì lương hưu là lương để bù đắp phần hao phí lao động, hay bù đắp cho tuổi già, không có sức lao động được hưởng. Họ không hướng đến việc phải sống đàng hoàng bằng lương hưu. Lương hưu là để đảm bảo cuộc sống cho người về hưu, đáp ứng nhu cầu sống của bản thân. Việc đóng cao hưởng cao là đương nhiên, nhưng chính sách xã hội không nhất thiết phải là như vậy.
- Việc các cựu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lương cao như vậy có tạo ra sự mất công bằng trong xã hội không, thưa ông?
Điều đó không ảnh hưởng gì cả, vì họ đóng cao thì hưởng cao, đóng càng nhiều thì hưởng càng cao. Vì chuyện đó xảy ra, nên mới có quy định đóng bao nhiêu thì đóng nhưng tối đa không quá 20 lần tiền lương cơ sở để hạn chế lương cao của người về hưu , rào cản kỹ thuật là ở chỗ đó. Quy định mức đóng tối thiểu và tối đa, để khống chế bớt chuyện về hưu lương cao.
- Ông có thể nói rõ hơn về cách tính lương hưu mới?
Theo công thức tính thì người về hưu ngay trước khi luật có hiệu lực thì được lợi hơn người về hưu sau là chắc chắn, nhưng chênh lệch đó không phải là tiền lương của người lao động đó, mà chính là tiền lương từ ngân sách, hoặc từ quỹ BHXH. Còn người về sau khi luật có hiệu lực thì ko mất gì, mà đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.
Tuy nhiên so sánh với công thức hiện nay thì mất cân bằng. Vì vậy, chúng ta phải nới thêm, một là kéo thêm 5 năm, sau đó kéo 10 năm bình quân, và đến năm 2025, người đầu tiên tham gia đóng BHXH thì sau 20 năm, người đầu tiên đó mới hưởng chính sách tiền lương chia bình quân cả quá trình đóng góp. Còn tất cả những người về hưu trước năm 2045 hoàn toàn vẫn được hưởng lợi từ quỹ BHXH như cũ, mức hưởng cao hơn mức đóng.
Trên thế giới, không có nước nào tiền lương về hưu đạt mức bình quân 75% của những năm cuối, cao nhất là 65%. Chúng ta thì thực hiện tinh thần cải cách đời sống cho NLĐ, giảm khó khăn, nên phải từng bước. Nhưng nếu thực hiện đúng Dự thảo luật quy định thì chậm nhất đến 2020 , BHXH Việt Nam phải hoàn thiện công nghệ thông tin và mỗi người tham gia BHXH sẽ có mã định danh về an sinh xã hội. Họ hoàn toàn biết được tiền lương đóng của họ vào quỹ BHXH là bao nhiêu. Rõ ràng khi nắm được đầu vào, thì sẽ biết được tiền hưu có tương đương hay không.
- Một số Đại biểu cho rằng cần tiết giảm chi phí vận hành hệ thống BHXH, vậy Dự thảo luật BHXH lần này có quy định về vấn đề này không, thưa ông?
Bất kỳ một quốc gia nào, chi phí cho quản lý hệ thống BHXH đều dựa trên tiền sinh lời, không có nhà nước nào bao cấp chuyện này. Đó là quỹ hạch toán độc lập. Muốn bảo toàn quỹ này thì phải quản lý quỹ này một cách chặt chẽ, phải đem đi đầu tư để tăng trưởng, làm sao chống trượt giá, lãi suất thu được từ quỹ BHXH phải cao hơn chỉ số trượt giá hàng năm mới bảo toàn được quỹ và phải tăng trưởng.
Vì vậy, Chính phủ muốn có hình thức uỷ thác đầu tư để quỹ này tăng nhanh hơn, nhưng các Đại biểu Quốc hội không muốn như vậy vì sợ rằng uỷ thác đầu tư rủi ro lớn, mà trong nguyên tắc của các nguồn quỹ tài chính, nếu mang đi đầu tư hiệu quả thấp nhưng chắc chắn thì rủi ro không cao, rất ít. Nhưng nếu mang đi đầu tư lãi cao, thì độ rủi ro càng lớn. Vì vậy với quỹ an sinh xã hội, nguyên tắc đầu tiên là phải bảo toàn, tăng trưởng và không được làm mất quỹ.
Điểm thứ hai là phải giảm chi phí vào bộ máy quản lý của BHXH Việt Nam, phải giảm tối đa, cải cách thủ tục hành chính, phải giảm bộ máy, phải công nghệ hoá thông tin và Chính hiện đã yêu cầu BHXH VN phải giảm 50% số giờ thực hiện chính sách BHXH.BHXH đang phấn đấu giảm khoảng một nửa còn 70 giờ, để thực hiện giao dịch BHXH. Như vậy, nếu như quy mô, đối tượng tham gia BHXH tăng, bộ máy không tăng thì rõ là chi phí giảm. Mà nếu bộ máy lại càng giảm do hiện đại hoá CNTT khi có mã định danh về an sinh xã hội thì dứt khoát chi phí này phải giảm.
Tuy nhiên, không thể quy định một tỷ lệ cứng để khoán chi phí quản lý. Chính phủ phải nghiên cứu và xem xét để quyết định chi phí quản lý này 3 năm/lần, được sự đồng ý của UBTVQH, để làm cho chi phí quản lý giảm đi, hiệu quả hơn và yêu cầu bộ máy này phải năng động hơn, sáng tạo hơn, cải cách thủ tục hành chính, công nghệ hoá để bộ máy giảm đi. Đây là một yêu cầu mà các Đại biểu Quốc hội nói rất chính xác.
- Xin cảm ơn ông.
Ý kiến bạn đọc