Thủ tướng: Niềm tin vào tiền Việt Nam đã tăng lên

13:40, 20/10/2014
|

(VnMedia) - Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội sáng nay (20/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên!

Ảnh minh họa

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế - xã hội


Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2014, trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Nhu cầu cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp. Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thủ tướng nhận định: Khó khăn thách thức là rất lớn và dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội. Hàng tháng đều có kiểm điểm, đánh giá và điều chỉnh, bổ sung.

”Với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực.”  - Thủ tướng khẳng định.

Theo đó, năm 2014, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh; Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên.

Tuy nhiên, báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc. Bội chi ngân sách còn cao. Nợ công tăng nhanh; Tổng cầu tăng chậm. Tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm. Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm.Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc. Thị trường bất động sản phục hồi chậm. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp. Quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá hiệu quả chưa cao...
 
Đặc biệt, Thủ tướng cũng nhận định, việc tái cơ cấu kinh tế vẫn còn chậm. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Tốc độ đổi mới công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm…
 
Về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, Thủ tướng Chính phủ đánh giá là “vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.”, trong khi việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí có mặt còn chậm. Việc thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng tại nhiều cơ quan chưa hiệu quả...
 
Thủ tướng Chính phủ cũng nhận định, công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều thách thức, nhu cầu đầu tư cho quốc phòng an ninh rất lớn nhưng nguồn lực còn rất hạn hẹp. Ngoài ra, trật tự an toàn xã hội có mặt còn bức xúc, tình hình tội phạm nhiều nơi còn phức tạp; Tai nạn giao thông còn ở mức cao...

Đối với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế xã hội năm 2015, Chính phủ đặt ra mục tiêu là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014.

Cùng với đó là tiếp tục phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân; Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng lãng phí; Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

“Chúng ta cùng nhau nỗ lực phấn đấu để đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ của năm 2014. Năm 2015, bên cạnh những kết quả và chuyển biến tích cực, đất nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đoàn kết nhất trí, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2015. Chính phủ mong nhận được sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và đồng chí đồng bào.” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành nói.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2014, chỉ số tăng giá tiêu dùng đã giảm mạnh. tốc độ 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 17,2% so với cùng kỳ. Ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh. Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 109,9 tỷ USD, tăng 14,4%; Tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước đạt 107,6 tỷ USD, tăng 11,6%;

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 81,3% dự toán (cùng kỳ năm 2012 đạt 67,3%, năm 2013 đạt 66,5%), tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Dư nợ công cuối năm 2013 bằng 54,2%; dư nợ chính phủ bằng 42,3%; dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3%; dư nợ chính phủ 46,9%; dư nợ nước ngoài của quốc gia 39,9% GDP.

Mục tiêu năm 2015: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

Về xã hội, mục tiêu năm 2015 mà Chính phủ đề ra là tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7% - 2%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường...


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc