(VnMedia) - Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị bổ sung các tội danh về tham nhũng trong Bộ Luật Hình sự…
Tham nhũng phúc tạp, nghiêm trọng
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong năm 2014, với sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan trung ương, việc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi tham nhũng đã nghiêm minh hơn; án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, đình chỉ vụ án, bị can đã giảm nhiều so với năm 2013; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm được xét xử nghiêm minh, đã có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá, bên cạnh kết quả quan trọng đã đạt được, trong năm 2014 công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn một số hạn chế. Việc khắc phục sơ hở, bất cập về chính sách, pháp luật còn chậm; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai còn hình thức, thiếu hiệu quả; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng đã đưa ra xét xử; thiếu quy định để kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao; việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nhất là trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, quản lý, sử dụng đất, quản lý vốn và tài sản của nhà nước...
Đồng tình với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ là tình hình tham nhũng là “phức tạp” và “Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn cho tài sản của Nhà nước”; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn “nghiêm trọng”, xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và còn tiếp tục diễn biến phức tạp; đặc biệt nghiêm trọng là tham nhũng trong lĩnh vực tài chính công, ngân hàng, tín dụng đã gây thất thoát rất lớn tài sản nhà nước.
UBTP cũng tán thành với nhiều nguyên nhân được nêu trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả cũng như những hạn chế, yếu kém nhưng nhấn mạnh rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là kỷ cương quản lý nhà nước trên một số ngành, lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực qua công tác thanh tra, điều tra, kiểm sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng đánh giá, số cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để thanh lọc, loại bỏ hoặc trừng trị, nên tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức vẫn diễn ra, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo.
Trong khi đó, bệnh quan liêu, thành tích vẫn nặng nề; vẫn còn tình trạng bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý; công tác trinh sát điều tra, nghiệp vụ cơ bản và phòng ngừa nghiệp vụ ở một số cơ quan điều tra chưa được tăng cường đúng mức…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và các văn bản có liên quan theo hướng làm rõ hơn hành vi và bổ sung các tội danh về tham nhũng |
Đề nghị xử nghiêm tội tham nhũng
Trước thực tế về những tồn tại, yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và các văn bản có liên quan theo hướng làm rõ hơn hành vi và bổ sung các tội danh về tham nhũng, quy định cụ thể điều kiện miễn hoặc giảm hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác…
Thủ tướng cũng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Giám định tư pháp.
Cơ bản đồng tình với những kiến nghị của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần sơ kết, tổng kết, đánh giá rõ hơn về tổ chức và cơ chế hoạt động của các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng; có biện pháp khắc phục yếu kém, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, nhất là hiệu quả phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất.
Ủy ban Tư pháp cũng kiến nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo sát sao, thường xuyên việc xử lý thật nghiêm minh, đúng pháp luật đối với những người có hành vi tham nhũng.
Download để xem CÁC TỘI VỀ THAM NHŨNG quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành |
Ý kiến bạn đọc