(VnMedia) - Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, dù có làm thêm một đường băng thứ 3 thì cũng khó có thể bay do không thể giải quyết tắc nghẽn trên bầu trời.
>>"Xây sân bay Long Thành là phí nếu vẫn dùng Tân Sơn Nhất"
>>Bộ Giao thông: "Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải"
>>Báo cáo Bộ Chính trị dự án sân bay Long Thành
>>Trình Quốc hội xây sân bay quốc tế Long Thành
Xung quanh Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), sáng 17/10, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm trực tuyến "Xây dựng sân bay Long Thành - Cơ hội và Thách thức". Tại buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi thắc mắc quanh dự án này.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu, Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao cho thực hiện dự án này. Trong quá trình chuẩn bị dự án, Bộ Giao thông vận tải luôn tiếp thu ý kiến của các chuyên gia cũng như các ngành để hoàn chỉnh dự án.
Ông cho biết, Bộ Giao thông vận tải trình dự án này với những lý do sau: Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào Quy hoạch phát triển vùng kinh tế phía nam, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TPHCM, Đồng Nai và Quy hoạch phát triển giao thông hàng không… Đặc biệt, vừa qua, Nghị quyết 13 của TƯ cũng đã nêu vấn đề đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp với các hệ thống đồng bộ hiện đại.
Theo ông Tiêu, thực ra, Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được đặt ra từ 1980. Thời điểm đó, Chính phủ và Bộ Chính trị đã chỉ đạo phải tập trung nhanh chóng đầu tư hạ tầng cơ sở, ưu tiên các cơ sở kinh doanh, sau đó đến các cảng hàng không, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thứ hai, căn cứ vào sự phát triển của ngành hàng không trong những năm vừa qua. Liên tục trong 10 năm qua, ngành hàng không đều tăng trưởng hơn hai con số với 14,7%. “Riêng trong năm 2013, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 20 triệu khách. Dự báo đến năm 2015 – 2016, cảng này sẽ đón hơn 25 triệu khách, và đến năm 2020 chắc chắn sẽ quá tải”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu nói.
Theo ông Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế đến năm 2020 thị trường hàng không Việt Nam sẽ đạt 55 triệu khách, tiếp theo là 90 triệu khách và 175 triệu khách vào năm 2030. Đây là áp lực rất lớn đối với sự phát triển của ngành hàng không.
|
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay tại nhiều thời điểm, hoạt động khai thác tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất dã quá tải. |
Trong khi đó, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện nay rất bất cập và có nhiều vấn đề cần giải quyết, một là vấn đề thu hẹp được cất – hạ cánh. Hai là tắc nghẽn trên bầu trời (trong nhiều năm chúng ta không quản lý được tĩnh không của khu vực này). Ba là giao thông kết nối. Mặc dù, thành phố đã đầu tư rất nhiều nhưng không biết sẽ giải quyết thế nào khi đến 2020 lượt khách đạt 25 triệu.
“Vấn đề này đặt ra thách thức và cơ hội cho chúng ta. Trước cơ hội như thế chúng ta có làm hay không? Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, trong tình hình kinh tế càng khó khăn, chúng ta càng phải tính toán kỹ lưỡng nhưng khi tìm được dự án có hiệu quả, tôi nghĩ rằng càng phải quyết tâm làm”, ông Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, ông Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, chuyên gia phản biện độc lập của dự án cho rằng, nếu tính về cự ly thì địa điểm xây dựng sân bay Long Thành vào khoảng trên dưới 37 km, tương đương cự ly từ sân bay Nội bài về Hà Nội. Điều quan trọng là, hiện vị trí sân bay Tân Sơn Nhất ở vào thế “chân tường”. Trên không có sự chồng lấn với sân bay Biên Hòa, thậm chí còn chạm vào mỏ vẹt giữa chúng ta và Campuchia.
Hơn nữa, sân bay Tân Sơn Nhất rất khó giải quyết về vấn đề giao thông kết nối. Trong khi đó, Long Thành có vị thế rất tuyệt vời. So với các cảng hàng không trong khu vực ASEAN, chưa có càng nào có hệ thống giao thông đồng bộ như Long Thành.
“Từ TPHCM có cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Bến lức – Long Thành - Dầu Giây; phía Nam có cao tốc về Vũng Tàu; Phía Tây Bắc có cao tốc lên Đồng Nai – Tây Ninh. Theo kế hoạch, vào năm 2015, Bộ Giao thông vận tải sẽ khởi công cao tốc từ Long Thành – Dầu Giây đi về phía Bắc. Đây là điều kiện rất thuận lợi để xây dựng sân bay", ông Khuê cho biết.
Ngoài ra, theo ông Khuê, theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, trong tương lai giữa trục của sân bay này sẽ có tuyến đường sắt quốc gia. Lâu dài về sau sẽ là đường sắt cao tốc. Đấy là sự kết nối tuyệt vời, là 1 vị trí hết sức đắc địa để xây dựng sân bay.
Tại buổi giao lưu trực tuyến sáng nay, đề cập đến việc tại sao không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất mà lại xây dựng một sân bay mới tốn hàng chục tỷ USD, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết, đối với sân bay Tân Sơn Nhất, không phải Bộ không đề xuất nâng cấp mà công việc này đang được tiến hành.
Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang được nâng cấp sân đỗ và đường bay. Tuy nhiên, để làm đường băng thứ 3 thì không thể làm được. Vì để làm đường băng, theo tiêu chuẩn phải cách 2 đường băng hiện nay là 1.035m mới khai thác được. Khó khăn trong việc giải tỏa, cộng thêm việc không kết nối với giao thông, nên Bộ quyết tâm không mở rộng.
“Điều quan trọng nữa là cho dù có làm thêm được đường băng thì cũng không thể giải quyết được vấn đề trên trời. Hiện nay, rất nhiều máy bay phải bay vòng quanh vì tắc nghẽn trên bầu trời Tân Sơn Nhất”, ông Tiêu cho biết.
Ý kiến bạn đọc