Siết xe quá tải, mất hàng trăm tỷ cũng làm!

06:27, 08/10/2014
|

(VnMedia) - Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, nhiều doanh nghiệp đang nghe ngóng xem cơ quan Nhà nước có dừng việc siết xe quá tải lại không. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ không lùi, không đi ngang, chỉ có siết chặt hơn. Nếu xử lý hàng nghìn xe, mất hàng trăm tỷ cũng phải làm....

>>3.000 thanh tra không kiểm soát nổi xe quá tải 

>>Cao tốc nghìn tỷ vừa thông, xe quá tải lộng hành

Bộ Giao thông Vận tải vừa có buổi đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp vận tải về chính sách quản lý hoạt động vận tải đường bộ. Tại cuộc đối thoại, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, Hải Phòng hiện có khoảng 1.500 xe trong diện được nâng tải trọng trục nhưng thủ tục, thời gian hoán cải một sơmi rơmooc rất lâu, chi phí mỗi xe vào khoảng 50 triệu đồng.

Do vậy, đến cuối tháng 12 năm nay khó có thể xong theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Đáng nói, sơmi rơmooc sau khi được điều chỉnh tải trọng trục theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải cho phép thì vào đăng kiểm tại Hải Phòng đều từ chối.

Ông cũng than phiền về việc nhiều xe sơ mi rơmooc được nhập về có tải trọng thiết kế cao nhưng khi đăng kiểm cho phép lưu hành lại bị rút thấp xuống. Có những xe chở được 31 tấn nhưng chỉ được cho phép chở hơn 21 tấn.

Cùng mối quan tâm, ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải Xuân Trường (Hải Phòng) cho biết, xe sơmi rơmooc công ty nhập về từ năm 2005, chạy gần 10 năm nay với tải trọng 40 tấn. Tuy nhiên, theo Thông tư mới của Bộ Giao  thông Vận tải, các xe này chỉ được cấp phép chở 21-22 tấn.

“Doanh nghiệp phải đi vay tiền ngân hàng để đầu tư phương tiện nhưng về lại không được chạy đúng tải trọng thiết kế. Tại sao cùng là Luật mà mỗi nơi lại áp dụng một kiểu? Không có hướng dẫn, không đăng kiểm được thì xe của chúng tôi mua phải để ở nhà, đắp chiếu, nợ ngân hàng chồng chất lấy gì để trả nợ?,” ông Hải than thở.

 Ảnh minh họa

 Lực lượng chức năng cân xe để phát hiện những xe chở quá tải trọng trên các tuyến quốc lộ. Ảnh: Internet

Trước thắc mắc của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, công tác siết chặt kiểm soát tải trọng xe vừa qua đã xuất hiện nhiều bất cập. Nhiều xe, nhất là sơmi rơmooc được chế tạo theo đơn đặt hàng và không theo tiêu chuẩn quốc tế nên có tải trọng rất lớn.

Theo ông Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, chẳng hạn, xe HOWO do Trung Quốc sản xuất nhưng họ không cho lưu hành ở nước họ mà chỉ mang về Việt Nam mới lưu hành. Nếu theo hồ sơ đăng kiểm, chỉ chở được 6-7 tấn nhưng đã được thay lốp, độn nhíp, cơi thùng để chở được tới  9-10 tấn.

“Đăng kiểm xong, chủ xe cơi nới thùng lên để chở quá tải, tình trạng này rất phổ biến trong thời gian qua. Nếu không cơi nới thùng để chở quá tải thì chỉ dở hơi mới nhập xe này (xe Howo) về, vì chở đúng tải thì lỗ vốn,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Không dừng việc kiểm soát tải trọng xe

Tại buổi đối thoại, đại diện Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cũng đề xuất cho phép cho sử dụng xe có tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa theo đúng thiết kế của xe trong phạm vi công trường để bảo đảm hiệu quả kinh doanh.

Đồng tình cho lưu hành trong đường chuyên dùng, được thiết kế, quy hoạch cho xe quá khổ quá tải. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng khẳng định, đã là xe chuyên dùng chỉ được đi đường chuyên dùng còn ra quốc lộ, tỉnh lộ vẫn phải theo quy định chung.

"Một đoàn xe quá tải sẽ làm xuống cấp hạ tầng giao thông rất nhanh. Lẽ ra, đường tốt đi được 10 năm, xe quá tải phá chỉ còn vài năm, thiệt hại không gì bù đắp được", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói.

Ông Thọ cho biết, đã chứng kiến một tuyến đường được đầu tư bằng vốn ADB hơn 20 tỷ đồng nhưng để đầu tư khai thác một mỏ quặng bằng xe HOWO chỉ 3-4 tháng đường tan tành. Hiện nay, nhiều tuyến đường cấp hạng thấp, kết cấu thấp bị tàn phá kinh khủng.

Đề cập đến vấn đề kiểm soát tải trọng phương tiện, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang nghe ngóng xem cơ quan Nhà nước có dừng việc siết tải trọng phương tiện lại không. Tuy nhiên, tôi khẳng định sẽ không lùi, không đi ngang, chỉ có siết chặt hơn. Nếu xử lý hàng nghìn xe, mất hàng trăm tỷ cũng phải làm, còn hơn mất hàng nghìn tỷ do hư hại cầu đường. Siết chặt tải trọng cũng để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

“Từ khi thực hiện việc siết tải trong đến nay, không có doanh nghiệp nào phản ánh về khó khăn do siết chặt đối với xe quá khổ, quá tải. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp rất ủng hộ. Với quyết tâm như hiện nay, cố gắng sang năm 2015, chúng ta sẽ tạo được một môi trường kinh doanh vận tải khác hoàn toàn, bình đẳng và văn minh hơn,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ tin tưởng.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc