Sẽ chuyển 80% chuyến bay quốc tế về Long Thành

07:47, 20/10/2014
|

(VnMedia) - Trao đổi với VnMedia, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu cho biết, do điều kiện cơ sở hạ tầng hiện nay của sân bay Tân Sơn Nhất bất cập và chất lượng dịch vụ trong những năm quá tải sẽ kém đi cho nên chúng ta buộc phải đưa 80% các chuyến bay quốc tế về sân bay Long Thành sau khi xây dựng xong...

>>Xây sân bay Long Thành: Con cháu sẽ trả nợ?

>>Tân Sơn Nhất: Không mở rộng vì "nghẽn" bầu trời

>>"Xây sân bay Long Thành là phí nếu vẫn dùng Tân Sơn Nhất"  

>>Bộ Giao thông: "Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải" 

>>Báo cáo Bộ Chính trị dự án sân bay Long Thành 

>>Trình Quốc hội xây sân bay quốc tế Long Thành 

Xung quanh đề xuất xây dựng sân bay quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai, VnMedia đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu về “siêu dự án” này.
 
- Thưa Thứ trưởng, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất xây dựng sân bay quốc tế Long Thành để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Điều này có đồng nghĩa với việc sau khi xây dựng xong, sân bay Tân Sơn Nhất có thể sẽ bị “đóng cửa”?
 
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu: Trong giai đoạn hiện nay sẽ khai thác song song cho đến năm 2030, 2035; sau đó mới đặt ra vấn đề về sự tồn tại của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
 
Việc có “đóng cửa” sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hay không còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế xã hội lúc đó và khả năng hành khách vào thời điểm đó.
 
- Tuy nhiên, thưa Thứ trưởng, hiện nay hầu hết khách vào miền Nam thường đến TPHCM công tác hoặc du lịch, như vậy ông có e ngại nếu dùng song song sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành sẽ dẫn đến việc sân bay Long Thành “ế khách” không?
 
Tôi cho rằng địa điểm của sân bay Long Thành rất đắc địa, nằm ở trung tâm của vùng kinh tế miền Đông – vùng kinh tế lớn nhất cả nước và kết nối được TPHCM, Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và toàn bộ các tỉnh phía Nam Trung Bộ nên rất thuận lợi. Vì thế, chắc chắn từ sân bay Tân Sơn Nhất đi về phía trung tâm thành phố sẽ không thuận lợi bằng từ sân bay Long Thành đi về phía Bắc hiện nay.

 Ảnh minh họa

 Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu trao đổi với VnMedia.
Ảnh: Xuân Tùng

- Theo ông thì sân bay Long Thành có những thuận lợi nhất định nhưng nếu đến tận 2035, Bộ Giao thông vận tải mới tính toán đến việc có đóng cửa sân bay Tân Sơn Nhất hay không, điều đó có thể sẽ dẫn đến tình trạng sân bay Long Thành không thu hút được các chuyến bay?
 
Do điều kiện cơ sở hạ tầng hiện nay của sân bay Tân Sơn Nhất bất cập và chất lượng dịch vụ ở sân bay này trong những năm quá tải sẽ kém đi rất nhiều cho nên chúng ta buộc phải đưa 80% các chuyến bay quốc tế về sân bay Long Thành sau khi xây dựng xong.
 
Chúng ta muốn cạnh tranh, muốn chất lượng dịch vụ cao hơn thì buộc phải có những quyết định mang tính chất Nhà nước như vậy. Việc này có thể tạo ra ý kiến về tâm lý hành khách còn tôi thì cho rằng, đây không phải là vấn đề thực tế khi chúng ta đặt ra.
 
- Thưa Thứ trưởng, điều kiện tiên quyết để một sân bay hoạt động hiệu quả là phải trở thành cảng trung chuyển quốc tế, thu hút được nhiều khách. Thứ hai là phải thúc đẩy được kinh tế và du lịch phát triển. Bộ Giao thông khi đề xuất xây dựng sân bay Long Thành đã có biện pháp gì để thúc đẩy những ngành trên phát triển?
 
Trước hết chúng ta phải thống nhất một quan điểm, hiện nay ngành hàng không đang phát triển, đang bị áp lực vì 20 triệu khách, thậm chí 25 triệu khách và có thể còn hơn nữa vào giai đoạn 2020.
 
Trong khi đó hiện nay Tân Sơn Nhất không thể có khả năng đảm bảo được với các tính toán như hiện nay. Đặc biệt dư luận vẫn băn khoăn là tại sao chỉ có hai đường băng nhưng tôi nhắc lại là hai đường băng ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay chỉ cách nhau có 360 mét, không đúng tiêu chuẩn nên không thể khai thác được.
 
Thêm nữa là với vấn đề trên không ở sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay chúng tôi cũng không biết sẽ giải quyết như thế nào vào năm 2020 nhưng chắc chắn là sẽ không cho tăng trưởng nữa và sẽ phải dồn về những sân bay ví dụ như Cần Thơ, Long Thành.

 Ảnh minh họa

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay tại nhiều thời điểm, hoạt động khai thác tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã quá tải.

Còn việc sân bay Long Thành có trở thành điểm trung chuyển quốc tế hay không thì căn cứ vào quan điểm khai thác của ngành hàng không hiện nay thì Tân Sơn Nhất đang hiện hữu khía cạnh của một sân bay trung chuyển.
 
Ví dụ, một tụ điểm hàng không trung chuyển phải là tụ điểm khai thác của các hãng hàng không, hoặc liên minh hàng không thì hiện nay Vietnam Airlines đã là một hãng liên minh hàng không và tỷ trọng khách quốc tế cao thì hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang hiện hữu điều đó. Hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất chiếm 60% khách quốc tế so với các cảng hàng không trong cả nước.
 
Việc một cảng hàng không có tỷ lệ khách quốc tế cao và có hãng hàng không đã tham gia liên minh thì đây là điều kiện để hình thành một cảng hàng không trung chuyển, nghĩa là nó đang hiện hữu.
 
Mặc dù trong thời điểm hiện nay mới có 2 triệu khách nhưng nó đang hình thành, cho nên không đơn giản khi những hãng hàng không như: Air France, Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ liên doanh với Việt Nam để hình thành liên danh vì người ta nhìn thấy địa điểm Long Thành, trong khi đó Chính phủ thì đồng ý với hướng là sân bay quốc tế Long Thành sẽ là “căn cứ” của Vietnam Airlines.

Phải chắc chắn sẽ có lợi thế cạnh tranh cho nên người ta mới liên danh với Vietnam Airlines vào thời điểm cách đây 2 năm. Tất cả việc này đã được tính toán.
 
- Thưa Thứ trưởng, cách đây 2 năm khi Bộ Giao thông vận tải trình “siêu dự án” đường sắt cao tốc Bắc – Nam đã bị Quốc hội “bác”. Ông có e ngại lần này dự án xây dựng sân bay Long Thành cũng sẽ vấp phải tình trạng tương tự?
 
Tôi rất tâm đắc với câu nói của ngài Chủ tịch Itech những năm 1980 khi sang Việt Nam và có gặp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Bùi Danh Lưu lúc đó, ngài nói là tôi cũng từng là Bộ trưởng Giao thông và ngài hiện đang là Bộ trưởng Giao thông. Tôi nói với ngài rằng, làm Bộ trưởng Giao thông để quyết định đầu tư vài trăm km đường bộ hay 3km đường băng thì đó là quyền của ngài nhưng nếu chúng ta quyết định đầu tư 200km đường bộ thì chúng ta cũng không đi được ra khỏi biên giới quốc gia. Nhưng nếu chúng ta quyết định làm 3km đường băng thì chúng ta bay khắp thế giới.
 
Đó là vai trò và vị trí của ngành hàng không và tôi tin rằng số khách đi hàng không hiện nay, trừ trường hợp chúng ta có đường sắt cao tốc còn lại tôi cho rằng rất khó bắt hành khách nhảy sang đi đường tàu hỏa vì những lợi thế của ngành hàng không chưa nói về mặt an toàn. Như tôi nói lúc ban đầu, nếu trong lúc kinh tế khó khăn mà còn một dự án được đánh giá hiệu quả thì không có lý do gì chúng ta không đề xuất.
 
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!


Xuân Tùng - (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc