(VnMedia) - Bạo hành trẻ em không chỉ là những hành động đánh đập, tra tấn về thân thể. Một loại bạo hành phổ biến hơn, và đôi khi để lại hậu quả nặng nề hơn, lâu dài hơn, đó là bạo hành tinh thần.
Chúng ta, hầu như ai cũng từng chứng kiến một trong những hình thức bạo hành tinh thần trẻ em: từ việc chế giễu, chê bai đến chửi mắng, mạt sát hay sỉ nhục… Nhưng điều nguy hiểm là đôi khi, chúng ta coi đó là chuyện bình thường, và vì vậy, chúng ta đã chấp nhận, thậm chí còn đồng tình, ủng hộ.
Ở trong gia đình, đứa trẻ có biểu hiện kém cỏi hơn người anh, chị hoặc em của chúng có thể bị cha mẹ đem ra so sánh, chê bai. Lâu dần, những lời chê bai đó làm cho đứa trẻ bị tổn thương nặng nề, sinh ra tự ti, chán ghét mọi người, và nhất là chán ghét chính người anh/em/chị mà nó bị đem ra so sánh. Đó chính là hậu quả của việc đứa trẻ đó bị cha mẹ bạo hành về mặt tinh thần.
Ở trường học, một học sinh học kém có thể bị cô giáo thường xuyên chê bai trước mặt bạn bè, có những lời nhận xét không hay… sẽ trở nên khó gần, thậm chí trở nên ngỗ nghịch, đánh lại bạn bè hoặc chống đối lại thầy cô. Đã có những trường hợp do bị cô giáo miệt thị, mắng chửi, phạt… trẻ đã không thể chịu đựng nổi nỗi nhục mà dẫn đến tự tử.
Bạo hành trẻ không chỉ biểu hiện bằng cách đánh đập về thể xác mà còn có thể là hành hạ tinh thần như làm nhục, thường xuyên chửi bới... |
Trên thực tế, có những giáo viên đã thường xuyên dùng những lời lẽ xúc phạm không chỉ với một vài học sinh mà còn với cả một tập thể lớp. Một phụ huynh có con học tiểu học cho biết, hồi lớp 4, lớp học của con chị đã trở thành một tập thể lớp vừa nghịch ngợm, vừa học kém chỉ vì cô chủ nhiệm mới suốt ngày ra rả chê bai, mắng mỏ, sỉ nhục bằng những lời lẽ hết sức phản giáo dục.
“Con gái tôi hôm nào về cũng bức xúc kể rằng cô giáo gần như chẳng bao giờ cười. Cô suốt ngày mắng cả lớp là “chưa thấy lớp học nào ngu dốt như lớp này”; rồi cô thường gọi một bạn gái là “chị mướp”, gọi bạn khác là “mẹ bổi”. Cô cũng gọi một bạn trai là “thằng đần”… Cả lớp ai cũng vừa sợ, vừa ghét cô. Vào giờ học, các bạn toàn cúi gầm mặt xuống, không ai giơ tay phát biểu” – Chị phụ huynh kể lại và cho biết, con chị rất sợ phải đi học. Đêm nào bé cũng nằm mơ thấy mình đang cãi nhau với cô giáo, điều mà thực tế bé luôn mong muốn mà không dám làm…
Phổ biến nhất là tình trạng giáo viên mầm non dọa trẻ “cho vào hang chuột” hay “nhốt vào nhà kho” khiến trẻ coi việc đến lớp là một điều kinh hoàng.
Cùng với những vụ bạo hành trẻ về thể xác gây phẫn nộ trong dư luận thì trên đây là một số ví dụ nhỏ về những biểu hiện bạo hành tinh thần mà trẻ có nguy cơ phải đối mặt hàng ngày nhưng chưa thực sự được quan tâm một cách tích cực.
Việc phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, trong đó có cả bạo lực về thể xác và bạo lực về tinh thần là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để việc phòng, chống có hiệu quả hơn thì điều hết sức quan trọng là khuyến khích người dân phát hiện, nghi ngờ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại và tích cực báo cáo, thông tin cho cá nhân hoặc cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết.
Đặc biệt, sự tham gia trực tiếp của các cơ quan nhà nước cũng việc xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, các chương trình, đề án nhằm xóa bỏ bạo lực, xâm hại trẻ em là điều hết sức cần thiết.
Tại Kỳ họp Quốc hội tới đây, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và giáo dục trẻ em sẽ được các đại biểu đưa ra thảo luận. Và chắc chắn, những điều khoản về bảo vệ trẻ khỏi bị bạo hành, xâm hại sẽ đặc biệt được quan tâm.
Tại lễ phát động cuộc thi viết về đề tài “Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em” năm 2014 đã chính thức được phát động bởi Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Báo Lao động và Xã hội, diễn ra hôm 30/9, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em cũng cho rằng, thông thường, mọi người hay nghĩ đến bạo lực là những hành động xâm phạm thân thể, và xâm hại tức là những hành động liên quan đến tình dục. Tuy nhiên, theo ông Hữu, cả bạo lực và xâm hại đều có nhiều biểu hiện, như bạo lực, xâm hại thể xác; bạo lực, xâm hại tinh thần; bạo lực, xâm hại về kinh tế…
“Một đứa trẻ khi đi học thường xuyên bị ép học hành quá sức, bị kỳ vọng quá khả năng thường xuyên bị căng thẳng cũng có thể coi là bị bạo lực tinh thần; hoặc một đứa trẻ thường xuyên bị chửi bới, làm nhục; bị đe dọa bởi việc đưa những hình có hại lên mạng internet… cũng có thể coi là bị bạo hành. Và đây chính là những vấn đề mới, những đề tài mới để báo chí khai thác, viết bài, gióng lên hồi chuông cảnh báo nạn bạo hành trẻ em” - ông Nguyễn Hải Hữu gợi ý.
Theo thể lệ của cuộc thi viết về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tác phẩm dự thi là những phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí… có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời các nội dung về đề tài “phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em”. Mỗi tác giả có thể gửi tối đa 5 tác phẩm dự giải, trong đó một tác phẩm có tối đa là 5 bài.
Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: Báo Lao động Xã hội, số 73 Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội; điện thoại + fax: 0437762260; Email: hoptactruyenthong@gmail.com |
Ý kiến bạn đọc