(VnMedia) - Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới đây, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 người (tăng 1 người so với Kỳ họp thứ 7). Phương thức lấy phiếu tín nhiệm vẫn là 3 mức…
Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 người |
Thông tin tại buổi họp báo chiều 17/10, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến vè dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội chưa thông qua Nghị quyết số 35 (sửa đổi) để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn chỉnh.
Quốc Hội cũng đồng thời đã thống nhất việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn tiếp tục được thực hiện tại Kỳ họp thứ 8 và Kỳ họp Hội đồng nhân dân thường kỳ cuối năm 2014.
“Vì vậy, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua Nghị quyết 35 (sửa đổi) như chương trình đã dự kiến” – ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết. Theo ông Phúc, việc lấy phiếu tín nhiệm Kỳ này sẽ được thực hiện đối với 50 người, tăng thêm 1 người so với Kỳ trước, đó là đồng chí Trưởng ban Dân nguyện mà Kỳ họp trước chưa đủ điều kiện về thời gian. Phương thức lấy phiếu tín nhiệm vẫn được thực hiện như cũ, tức là với 3 mức tín nhiệm.
“Lấy phiếu khác với bỏ phiếu. Lấy 3 mức là để đánh giá, khảo sát. Nếu lấy 2 mức thì bỏ phiếu tín nhiệm luôn chứ không phải là lấy phiếu tín nhiệm” – ông Phúc nói.
Thừa nhận trên Thế giới không có nước nào lấy phiếu tín nhiệm như ở Việt Nam mà chỉ bỏ phiếu tín nhiệm, tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm trong các kỳ họp trước đã mang lại nhiều kết quả tốt. “Thực tế, qua lần lấy phiếu tín nhiệm trước, một số đồng chí có số phiếu chưa cao, nhưng do đã rút kinh nghiệm, làm tốt hơn nên được nhân dân đồng tình” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một kênh tham khảo giúp cho công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ được chính xác hơn.
Liên quan đến vấn đề báo cáo của những người trong diện lấy phiếu tín nhiệm gửi đến các đại biểu tham khảo trước khi lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, rút kinh nghiệm những Kỳ họp trước, để không xảy ra tình trạng người chỉ báo cáo 1 trang, người lại làm như một bản báo cáo thành tích, lần này Quốc hội đã quy định mẫu báo cáo thống nhất như một đề cương, quy định cụ thể đến cả số trang báo cáo…
Về thắc mắc của các nhà báo liên quan đến tác nghiệp trong khi các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sở dĩ thời điểm đó các phóng viên không được quay phim, chụp ảnh là nhằm giúp cho các đại biểu không bị áp lực trong khi “tích” vào phiếu.
Cũng tại buổi họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những Bộ trưởng được dự kiến sẽ trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, danh sách này hiện chưa quyết mà phải dựa trên ý kiến của cử tri về những vấn đề bức xúc, được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị.
Ý kiến bạn đọc