(VnMedia) - Tính toán của Bộ Giao thông cho thấy, với mức vốn vay ODA khoảng 2,279 tỷ USD cho giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành, theo cơ chế Chính phủ cho vay và doanh nghiệp vay lại, tự trả nợ thì tác động của các khoản vay lên GDP là không đáng kể…
>>Sân bay Long Thành có gì đặc biệt nổi trội?
>> Sân bay Long Thành: Một quyết định, trăm mối lo!
>>Lộ đơn vị tài trợ 2 tỷ USD xây sân bay Long Thành
>>Sẽ chuyển 80% chuyến bay quốc tế về Long Thành
>>Xây sân bay Long Thành: Con cháu sẽ trả nợ?
>>Tân Sơn Nhất: Không mở rộng vì "nghẽn" bầu trời
>>"Xây sân bay Long Thành là phí nếu vẫn dùng Tân Sơn Nhất"
>>Bộ Giao thông: "Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải"
>>Báo cáo Bộ Chính trị dự án sân bay Long Thành
Sáng 29/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã trình bay trước Quốc hội “Báo cáo giải trình bổ sung về báo cáo đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành”.
Theo đó, trong báo cáo giải trình bổ sung trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề cập khá kỹ về hiện trạng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay cũng như khả năng hỗ trợ của các sân bay khác đối với Tân Sơn Nhất.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay đang dùng chung giữa quân sự và dân dụng. Diện tích đất hàng không dân dụng quản lý chỉ có 590,48ha. Phần diện tích 517ha do quốc phòng quản lý (trong đó có khoảng 160ha sử dụng làm sân golf).
Cảng có 2 nhà ga hành khách nội địa và quốc tế với tổng công suất thiết kế 25 triệu khách/năm (tính cả phần mở rộng nhà ga đang thực hiện). Theo tính toán, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đạt hết công suất là 25 triệu khách/năm vào năm 2016 và quá tải vào các năm sau đó. Hiện nay, tổng diện tích nhà ga hành khách quốc tế và nội địa là 123.000 m2, đáp ứng công suất tối đa 20 triệu khách/năm, thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm.
Về khả năng mở rộng sây bay Tân Sơn Nhất, theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải để nâng được công suất lên 40-50 triệu hành khách/năm phải xây thêm một nhà ga hành khách công suất 15-25 triệu hành khách/năm (có thể sử dụng đất quốc phòng). Tổng chi phí theo phương án này khoảng 9,1 tỷ USD và phải giải tỏa, di dời khoảng 140.000 hộ dân.
|
Phối cảnh một góc của Sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: Chinhphu |
Báo cáo bổ sung của Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, việc cải tạo sân bay quân sự Biên Hoà thành Cảng hàng không quốc tế hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng không khả thi do không thể đồng thời khai thác hàng không dân dụng tại khu vực Tân Sơn Nhất và Biên Hoà với công suất đến 25 triệu hành khách/năm/mỗi cảng hàng không.
Hơn nữa, chi phí cho việc đầu tư, cải tạo vào khoảng 7,5 tỷ USD do sân bay Biên Hòa cũng nằm trong khu vực dân cư dầy đặc của thành phố, chưa kể chi phí cho việc xây dựng mới một căn cứ quân sự cho không quân Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, hiện tại Cảng hàng không Cần Thơ, Liên Khương và Cam Ranh đã được phát triển theo đúng quy hoạch để phục vụ cho các thị trường hàng không riêng biệt.
"Khách đi tàu bay là đối tượng chọn điểm đến chứ không phải là sân bay quyết định điểm đến cho họ nên việc thu hút khách tới các cảng hàng không không phải chỉ do ngành hàng không quyết định mà còn phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, việc chia sẻ lượng khách của cảng cảng hàng không này với Tân Sơn Nhất là không đáng kể", Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Đề cập đến siêu dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, khái toán tổng mức đầu tư ba giai đoạn của dự án là 18,7 tỷ USD. Giai đoạn một khoảng 7,8 tỷ, giai đoạn hai hơn 3,8 tỷ và giai đoạn ba hơn 7 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Đinh La Thăng trước Quốc hội sáng nay, sau khi cập nhật lại chi phí giải phóng mặt bằng thì vốn đầu tư từ ngân sách cho giai đoạn một là 21.849 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 1a là hơn 11.000 tỷ đồng, giai đoạn 1b là 10.772 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để giảm phần vốn ngân sách trong giai đoạn này, Chính phủ đề nghị cho phép Tổng công ty Cảng hàng không VN sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa Tổng công ty và các công ty con để giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư phân kỳ một với số tiền dự kiến 5.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, vốn vay ODA dự kiến cho giai đoạn một là 2,279 tỷ USD, huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế. Tổng công ty Cảng hàng không VN sẽ vay lại Chính phủ và tự trả nợ. Đối với các hạng mục huy động vốn từ khu vực ngoài Nhà nước (ngoài vốn ngân sách và ODA) sẽ kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Đánh giá trên phương diện tác động đến nợ công trong việc xây dựng sân bay Long Thành, đơn vị soạn thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1, với mức vốn vay ODA khoảng 2,279 tỷ USD cho giai đoạn 1, theo cơ chế Chính phủ cho vay và doanh nghiệp vay lại, tự trả nợ thì tác động của các khoản vay lên GDP theo giá hiện hành của từng năm là không đáng kể, chỉ vào khoảng 0,091% vào năm 2022.
Phương án 2, tính tác động từ phần vốn ngân sách và vốn vay ODA trên GDP thì dự kiến khoản tiền để xây dựng trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, đài chỉ huy, giao thông nội cảng là 124 triệu USD; giải phóng mặt bằng khoảng 644 triệu USD (đã trừ đi khoản 5.000 tỷ đồng cổ phần hóa Vietnam Airlines rót sang). Theo đó, qua mỗi năm, tỷ lệ nợ công bị đẩy lên là: năm 2016 sẽ thêm 0,01%; 2017 là 0,0458%... cho đến 2025 khi hoàn thành giai đoạn I là 0,0552%.
Từ các phép tính trên, Bộ trưởng Thăng khẳng định, phần vốn đầu tư để tính nợ công của dự án được kết cấu với tỷ lệ, vốn ODA là do Vietnam Airlines vay và tự trả nợ, phần ngân sách bỏ ra chỉ xấp xỉ 787 triệu USD (tương đương 16.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 9,8% trên tổng vốn đầu tư giai đoạn 1). Chỉ tiêu này rất đáng xem xét, chứng tỏ khả năng xã hội hóa nguồn vốn của dự án rất cao”, báo cáo do Bộ trưởng Thăng ký nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc