(VnMedia) - Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay tại nhiều thời điểm, hoạt động khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã rơi vào tình trạng quá tải; nhà ga hành khách hiện hữu đã khai thác đạt công suất thiết kế...
>>Trình Quốc hội xây sân bay quốc tế Long Thành
Bộ Giao thông vận tải vừa có thông cáo gửi các cơ quan báo chí về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Theo đơn vị này, hiện nay, Việt Nam đang khai thác 21 cảng hàng không, sân bay phục vụ hàng không dân dụng, với lượng hành khách thông qua các cảng hàng không ngày càng tăng (giai đoạn năm 2002-2012, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14,7%/năm; Năm 2013, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đã đạt hơn 44,5 triệu hành khách, tăng 17,3% so với năm 2012).
Theo đơn vị này, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá Việt Nam sẽ là nước đứng thứ 3 trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và dự báo giai đoạn đến năm 2030, lượng hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không của Việt Nam sẽ đạt 175 triệu hành khách/năm; trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cửa ngõ là khu vực TPHCM được dự báo sẽ đạt hơn 50 triệu hành khách thông qua.
Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều thời điểm, hoạt động khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã rơi vào tình trạng quá tải; nhà ga hành khách hiện hữu đã khai thác đạt công suất thiết kế. Trong khi đó, việc mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đạt công suất 40-50 triệu hành khách vào khoảng năm 2025-2030 là không khả thi, do sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dân sinh của khu vực trung tâm TPHCM như gây ô nhiễm tiếng ồn, khí thải vượt xa tiêu chuẩn cho phép, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, an toàn hàng không.
Trong khi đó, khu vực vùng trời tiếp cận dành cho tàu bay cất hạ cánh của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện tại chồng lấn với vùng trời tiếp cận của căn cứ không quân Biên Hòa ở phía Bắc. Mặt khác, khu vực cấm bay của TPHCM nằm ngay phía Nam của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nên đã hạn chế rất nhiều không gian sử dụng cho tàu bay cất hạ cất cánh, đặc biệt khi có hoạt động bay quân sự tại khu vực Tân Sơn Nhất và Biên Hòa.
|
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay tại nhiều thời điểm, hoạt động khai thác tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất dã quá tải. |
Hơn nữa, chi phí để mở rộng nâng công suất khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất quá lớn so với việc phát triển một cảng hàng không mới. Theo tính toán, chi phí để nâng được công suất khai thác thêm 20 triệu hành khách cần tới khoảng 9,1 tỷ USD, phải giải phóng 140.000 hộ dân (khoảng 500.000 nhân khẩu); chưa kể chi phí và số lượng dân cư phải giải toả để làm thêm các tuyến đường giao thông tiếp cận, cơ sở hạ tầng đồng bộ với Cảng hàng không.
Thêm vào đó, việc cải tạo Sân bay quân sự Biên Hoà thành Cảng hàng không quốc tế hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng không khả thi do hạn chế về vùng trời, không thể đồng thời khai thác hàng không dân dụng tại khu vực Tân Sơn Nhất và Biên Hoà với công suất đến 25 triệu hành khách/năm/mỗi cảng hàng không.
Mặt khác, chi phí cho việc đầu tư, cải tạo sân bay Biên Hòa cũng lên tới khoảng 7,5 tỷ USD do sân bay này nằm trong khu vực dân cư đông đúc của thành phố Biên Hòa, chưa kể chi phí cho việc xây dựng mới một căn cứ quân sự cho Không quân Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; Căn cứ không quân Biên Hòa bị nhiễm độc dioxin ở mức rất cao chưa xử lý.
"Việc sử dụng các cảng hàng không khác như Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (cách TPHCM 175km) và Cảng hàng không quốc tế Liên Khương (cách TPHCM 290km) để hỗ trợ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng không khả thi do các Cảnh hàng không này phục vụ thị trường riêng biệt, việc san sẻ khối lượng khai thác cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là không lớn", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Theo đơn vị này, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại vị trí quy hoạch có được nhiều lợi thế: Các quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam hoàn toàn phù hợp đối với nhu cầu giao thông tiếp cận và kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với TPHCM (3 đường cao tốc: TPHCM -Long Thành-Dầu Giây; Bến Lức-Long Thành; Biên Hoà-Vũng Tàu; đường sắt TPHCM-Long Thành-Dầu Giây…).
Một lợi thế khác đó là, đảm bảo đủ diện tích quy hoạch (5.000 ha) để xây dựng một cảng hàng không quốc tế mới, hiện đại có công suất 100 triệu hành khách/năm, sân bay cấp 4F, cấu hình 4 đường cất hạ cánh; đảm bảo có khu vực dùng riêng cho một căn cứ quân sự lớn trong tương lai (1.000 ha).
Theo Bộ Giao thông vận tải, khu vực Long Thành chủ yếu là diện tích trồng cây cao su, mật độ dân cư khu vực không cao, tác động môi trường gây ra là tối thiểu, ít ảnh hưởng về tiếng ồn, khí thải đến môi trường sống của các khu dân cư xung quanh; đảm bảo yếu tố phát triển bền vững theo.
"Bên cạnh đó, các quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác đã được phê duyệt cũng đồng bộ với việc hình thành nên Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhiều công trình quy hoạch đã được triển khai đầu tư, nhất là các tuyến giao thông tạo điều kiện kết nối thuận tiện giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với TPHCM và các vùng lân cận', Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Theo quy hoạch được duyệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được phân kỳ đầu tư như sau: Giai đoạn 1 (đến 2025): hình thành Cảng hàng không quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, nhằm hỗ trợ việc quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Giai đoạn 2 (đến 2030): nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3 (sau 2030): nâng công suất khai thác lên 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo đó, quy mô đầu tư giai đoạn 1 sẽ đầu tư Nhà ga hành khách với công suất 25 triệu khách/năm, 2 đường cất hạ cánh với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 165.000 tỷ đồng (7,8 tỷ USD).
Để giảm áp lực vốn đầu tư trong tình hình khó khăn hiện nay; rút ngắn thời hạn đưa công trình vào khai thác; kết hợp khai thác, tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất việc phân kỳ đầu tư Giai đoạn 1 của dự án thành các giai đoạn 1a và 1b ở thời điểm hiện nay là cần thiết, cụ thể như sau:
Giai đoạn 1a: Xây dựng nhà ga chính có 1 nhánh trung tâm, 1 đường cất hạ cánh đáp ứng lượng hành khách 17 triệu khách/ năm, với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 119.000 tỷ đồng (5,7 tỷ USD), mở cửa vào năm 2023
Giai đoạn 1b: Xây dựng hai cánh còn lại của nhà ga chính trung tâm và đường cất hạ cánh thứ hai, mở cửa vào năm 2025.
Ý kiến bạn đọc