“Không tiêu dùng bằng sự trả nợ của con cháu”

14:51, 30/10/2014
|

(VnMedia) - "Cá nhân tôi cũng như các đại biểu Quốc hội khác đều khẳng định, chúng ta không tiêu dùng ngày hôm nay bằng sự trả nợ của con cháu chúng ta. Chúng tôi luôn luôn nhớ điều đó" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói.
 
Sáng nay (30/10), các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội. Tại phiên thảo luận, một số đại biểu đã chỉ ra một số bất cập trong việc sử dụng vốn vay ODA, nhất là một số vụ có biểu hiện tiêu cực trong việc sử dụng vốn vay này được phát hiện trong thời gian gần đây cho thấy những bất cập trong quy trình thực hiện nguồn vốn vay này.
 
Cho rằng việc lạm dụng nguồn vốn vay ODA là một trong những nguyên nhân gây phát sinh nợ công, các đại biểu đề nghị Quốc hội cần phải có luật và phải có giám sát tối cao về vấn đề này.
 
Tôi được biết, hiện nay có dự án hàng trăm triệu đô la chi do vay ODA. Tôi đề nghị các dự án vay ODA này phải có ý kiến của Quốc hội trước khi đưa vào sử dụng nếu không sẽ là vấn đề khó khăn khiến nợ công tăng lên” - đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nói.
 
Khẳng định Quốc hội là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công trong khi người dân – chủ thể phải đóng thuế và là người trả nợ cuối cùng, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) thẳng thắn: “Tôi đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát ODA, phân tích mặt lợi, bất lợi của việc sử dụng nguồn vốn này, tiến tới giảm dần và ngừng sử dụng ODA. Bất cứ quốc gia nào sử dụng lâu dài nguồn vốn ODA đều là bất lợi, có ý thức “tốt nghiệp” ODA mới nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nó”.
 
Ngay khi kết thúc phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội sáng nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề đang được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm này.

Ảnh minh họa

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên - ảnh: Tuệ Khanh


-  Thưa ông, tại hội trường sáng nay, nhiều đại biểu đã tỏ ra lo lắng về nợ công gia tăng. Bản thân ông cũng từng trao đổi bên lề với báo chí rằng hiện nay tiền đi vay đảo nợ còn lớn hơn tiền tích lũy. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này.

Trước hết, phải nói rằng tâm tư, lo lắng của các đại biểu Quốc hội về kinh tế vĩ mô của đất nước được thể hiện trong sáng nay và phản ánh tương đối sát, phù hợp với báo cáo của Chính phủ về vấn đề nợ công.
 
Ở đây, chúng ta phải nhìn nhận rằng nợ công từ năm 2008 trở lại đây có tốc độ tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là thời hạn vay nợ của đối tượng nợ công ngày càng ngắn lại gây một áp lực trả nợ rất lớn. Nếu trước đây chúng ta không phải vay để đảo nợ thì từ năm 2012 chúng ta đã phải vay với số lượng vay ngày càng lớn.
 
Nhưng nếu chúng ta đọc thêm báo cáo về xử lý nợ công của chính phủ do Bộ Tài chính được ủy quyền trình bày thì chúng ta thấy riêng trong năm 2014 này, chúng ta đã tiến hành vay để đảo nợ khoảng 120.000 tỷ VND. Nhưng cái thành công của năm 2014 là chúng ta đã kéo giãn được thời gian trả nợ và tránh được áp lực lên vấn đề trả nợ của ngân sách nhà nước vào những năm 2015 – 2016.
 
-  Cũng trong sáng nay, đại biểu Quốc hội Tiền Giang đã thẳng thắn đưa ra quan điểm là không nên để nợ công trở thành áp lực đối với thế hệ sau này và phải hết sức thận trọng đối với vốn vay ODA, đặc biệt là không dùng cho chi thường xuyên. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Quan điểm của Đảng, Nhà nước cũng như của tất cả các đại biểu Quốc hội đều khẳng định vốn vay là để cho đầu tư phát triển chứ không để phục vụ cho chi thường xuyên. Cá nhân tôi cũng như các đại biểu Quốc hội khác đều khẳng định là chúng ta không tiêu dùng ngày hôm nay bằng sự trả nợ của con cháu chúng ta. Chúng tôi luôn luôn nhớ điều đó.
 
- Bên cạnh những vấn đề nóng thì các đại biểu cũng cho rằng tình hình kinh tế - xã hội của 9 tháng đầu năm 2014 rất khả quan, khi mà cho đến thời điểm này, chúng ta đã đạt 13/14 tiêu chí. Theo ông, con số đó có nói lên điều gì không?

Đây là năm đầu tiên trong kế hoạch 2011- 2015 những dự báo về vĩ mô của Chính phủ đã trở thành hiện thực. Nhưng ở cương vị là đại diện cho cử tri và với tư cách là thành viên của cơ quan giám sát của Quốc hội đối với các hoạt động của Chính phủ thì cũng phải nói thẳng rằng, số lượng các chỉ tiêu không đạt lại rơi vào các chỉ tiêu tạo ra tiền và tạo ra nguồn thu, còn những chỉ tiêu đạt lại là những chỉ tiêu sử dụng ngân sách để thực hiện an sinh xã hội.
 
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc