Đây là đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm quy định an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là nơi tiếp giáp khu vực đông dân cư.
Theo đó, trong quá trình thanh kiểm tra, nếu phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động , UBND các tỉnh, thành phải yêu cầu người sử dụng lao động tạm đình chỉ hoạt động và tiến hành khắc phục, kiên quyết xử phạt những trường hợp không chấp hành.
|
Ảnh rminh họa |
Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn, vệ sinh lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương chủ động đề nghị cơ quan CSĐT xem xét, khởi tố.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2014 toàn quốc đã xảy ra 280 vụ tai nạn lao động chết người, tính đến ngày 5 tháng 8 năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhận được 81 biên bản điều tra (87 người chết).
Trong 6 tháng đầu năm 2014, hầu hết các vụ tai nạn lao động chết người hoặc làm 2 người bị thương nặng trở lên đều được đoàn điều tra tai nạn lao động đề nghị xử lý. Ngoài việc yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện ngay các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm phòng tránh tai nạn tái diễn và thực hiện các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật thì đoàn điều tra yêu cầu tiến hành xử lý hành chính và kiểm điểm những người có lỗi. Đối với một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người có dấu hiệu tội phạm đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý, có 1 vụ đã bị cơ quan công an ra quyết định khởi tố.
Hiện nay người lao động đang phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, có nguy cơ mất an toàn cao. Trong đó, cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm cả nước có 160.000 – 170.000 người bị tai nạn lao động. Tình trạng cháy nổ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn để xảy ra nhiều. Tuy nhiên, công tác thanh tra kiểm tra mới chỉ tập trung ở khu đô thị, các khu công nghiệp còn trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong các làng nghề, khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế…
Tại kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội về dự án Luật An toàn vệ sinh lao động. Đây là Dự án luật chuyên ngành về công tác an toàn vệ sinh lao động lần đầu tiên được xây dựng với nhiều điểm mới.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, việc xây dựng Luật An toàn vệ sinh lao động là thể chế hoá mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng, bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động, nhất là người lao động trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp thông qua việc tăng cường quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động.
Dự luật chú trọng các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công tác an toàn vệ sinh lao động; tăng cường cải thiện điều kiện lao động; xây dựng văn hóa an toàn trong sản xuất; gắn an toàn vệ sinh lao động với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững KT-XH.
Về tình hình thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động hiện nay, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định chỉ để đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, số lượng người được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động đạt tỷ lệ thấp, còn cách xa so với tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động, nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Người lao động chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, chưa quen với tác phong công nghiệp và bị hạn chế về kỷ luật lao động, được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động nên hiểu biết chưa đầy đủ về các mối nguy hiểm cần phải đề phòng.
Ý kiến bạn đọc