(VnMedia) - Giữa khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, một khu chợ cóc đã tự phát hình thành do nhu cầu của người dân. Điều đáng nói là ngay cạnh đó có đủ cả siêu thị lớn, nhỏ…
>>Xây 1000 siêu thị: Hà Nội khuyến khích dùng hàng ngoại?
>>Phá chợ xây siêu thị: Phú quý giật lùi?
Trong khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính có đầy đủ siêu thị lớn, nhỏ nhưng không có chợ dân sinh. Vì vậy, một chợ cóc đã mọc ra và hoạt động rất tấp nập, đáp ứng nhu cầu của cả người mua và người bán |
Trong khi Thành phố đang lên kế hoạch để xây dựng thêm 1000 siêu thị thì những siêu thị có sẵn hoặc mới mọc ra tại các khu đô thị lại đang phải “chào thua” những khu chợ dân sinh, chợ cóc. Khu đô thị Trung hòa - Nhân chính là một ví dụ.
Chị Hương (34T) là một người làm việc trong lĩnh vực bất động sản, có điều kiện kinh tế, thu nhập cao. Tuy nhiên, đã 5 năm nay, sáng nào chị Hương cũng đi chợ cóc trong khu đô thị để mua thực phẩm. Theo chị, thịt cá và các loại thực phẩm tươi sống ở chợ cóc này được bà con mang từ các vùng ngoại thành vào bán nên rất tươi ngon, chất lượng bảo đảm, việc mua bán cũng thuận tiện hơn là vào siêu thị.
Trong khi đó, chị Hải Anh (ở 17T9) cũng cho biết, chỉ thỉnh thoảng chị mới vào siêu thị, còn thực phẩm thì chị luôn mua ở chợ cóc này. “Về chất lượng hàng hóa, thực phẩm thì tôi hoàn toàn yên tâm vì một phần do kinh nghiệm, một phần là niềm tin đối với người bán hàng.” Chị Hải Anh nói.
Còn chị Viên, làm việc ở Công ty Cổ phần thiết bị y tế (đóng ở nhà N4B) thì cho rằng, chị không thích mua hàng thực phẩm ở siêu thị vì đa số là đồ đông lạnh, trong khi đó, buổi sáng ra chợ chị có thể mua được thịt vừa “ra lò”, sờ còn ấm tay, mềm dẻo rất ngon.
“Nói là hàng trong siêu thị có kiểm dịch, nhưng thực tế ai cũng biết rau an toàn cũng làlà có phun thuốc nhưng thời gian thu hoạch để đủ thời gian mới thu hoạch. Tôi nghĩ ở chợ thì người ta cũng không dại gì mà vừa phun thuốc xong đã hái đi bán. Hàng trong siêu thị nếu mua về mà phát hiện bị hỏng, ôi thiu cũng rất ngại đem đi trả vì thủ tục nhiêu khê, phải chứng minh này nọ. Trong khi đó, ở ngoài chợ tin nhau rồi, mua phải đồ hỏng, hôm sau chỉ cần thông báo là đã được đền bù hoặc trừ tiền. Mình tin người bán và người bán cũng không nghi ngờ người mua. Tôi nghĩ, người Việt mình, kể cả người có nhiều tiền, thu nhập cao cũng vẫn thích đi chợ. Không có siêu thị không sao, chứ không có chợ thì rất khổ” - chị Viên chia sẻ.
Đồng ý với chị Viên, chị Thuận (24T2) cho biết, có lần chị mua phải con gà quay bị thối ở siêu thị nhưng khi mang ra thì họ không nhận và cho rằng, lỗi là do khách hàng bảo quản không tốt. "Từ đó, tôi không mua thực phẩm trong siêu thị nữa" - chị Thuận nói.
Đi chợ hàng ngày thuận tiện hơn vào siêu thị, giá cả phải chăng mà chất lượng cũng yên tâm, chỉ trừ phi muốn mua hàng cao cấp hay hàng ngoại nhập thì cần phải vào siêu thị. Điều này đa số mọi người được hỏi đều đồng ý. Tuy nhiên, có một vấn đề là hiện nay, tại các khu đô thị hay ngay cả các khu dân cư cũ, có rất ít chợ dân sinh mà phần lớn là chợ cóc, những chợ không hợp pháp.
Chợ cóc trong khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính cũng vậy.
Các lực lượng tự quản và trật tự đô thị luôn phải đi đuổi người bán hàng tại chợ cóc |
Chị Nhanh (Thanh Oai, Hà Nội), một người bán thịt ở chợ cóc này cho biết, chị rất may mắn khi được phường đồng ý cho bán hàng trong phạm vi 1,2m2 trên hè đường, nơi áp lưng vào hàng rào tôn của một dự án treo đã nhiều năm nay. Nhưng còn rất nhiều người bán hàng khác thì không được may mắn như vậy. Họ bán hàng trong tư thế lúc nào cũng mắt trước mắt sau nhòm ngó và chuẩn bị “chạy” khi có đội tự quản hay xe trật tự của công an phường đi “quét”. Nhanh chân chạy thì thoát, nếu chậm sẽ có thể bị tịch thu hàng hóa, đồ nghề…
Chị Thúy (Hoài Đức) là một người như thế. Hàng của chị Thúy bán toàn đồ ở quê mang ra như ổi, mít, đu đủ… rồi thêm trứng gà quê, vài mớ rau… Khách hàng của chị Thúy rất thích mua những món đồ quê của chị, mà nếu vào siêu thị thì không bao giờ có. Ngược lại, nếu không có chợ thì chị cũng không thể “xuất” số hàng nhỏ lẻ này vào siêu thị. Còn nếu bán lẻ ở quê thì giá rất rẻ.
Cả người mua hàng là chị Hải Anh, chị Hương hay chị Viên cũng như những người bán hàng như chị Thúy, chị Nhanh… đều mong ở trong khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính này có một cái chợ dân sinh “chính quy”.
“Tôi nghĩ là siêu thị cũng rất tốt, rất sạch sẽ. Tuy nhiên, nếu có những chợ dân sinh được quy hoạch gọn gàng, có mái che và hợp vệ sinh là tốt nhất. Mỗi khu dân cư nên có một cái chợ nhỏ như vậy để tiện cho người mua và cũng tạo thêm việc làm.” - chị Hải Anh nói.
Trong khi đó, cả chị Thúy và chị Nhanh đều muốn được buôn bán ổn định trong một cái chợ bình dân. “Nếu giờ mà được bán hàng trong cái chợ ổn định, sạch sẽ, được cung cấp nước và có cống thoát hợp vệ sinh thì chúng tôi sẵn sàng đóng góp.” - chị Nhanh nói và cho biết thêm, hiện nay mỗi tháng chị cũng đóng góp 500.000 tiền chỗ ngồi tạm và các khoản phí khác đầy đủ như tại các chợ. Trong khi đó, chị Thúy, người phải bán hàng trong tư thế “di động” thì mong có chợ để chị được đóng góp và ngồi bán yên ổn.
Ông Đỗ Huy Thịnh, đội Tự quản phường Nhân Chính cho biết, hàng ngày ông phải rất vất vả đi dẹp trật tự ở khu chợ này. Điều đáng nói là ông luôn phải làm việc này với rất nhiều “va chạm”.
“Thu của họ thì cũng tội, rồi họ lại lên phường nộp phạt và mai lại ra bán tiếp thôi. Nhưng nếu không dẹp thì họ tràn cả xuống đường, tắc đường cũng không được. Giá có cái chợ tử tế thì họ vào ngay, và khu này lại sạch sẽ.” - ông Thịnh chia sẻ.
Một số hình ảnh ghi lại tại chợ cóc trong khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính
Người dân đô thị rất thích đi chợ vì ngoài sự tiện lợi, họ cũng yên tâm về chất lượng và giá cả. Tuy nhiên, nếu chợ được quy hoạch và xây dựng hợp vệ sinh thì sẽ tốt hơn rất nhiều. |
Người bán và người mua đều rất hài lòng. Người bán cố gắng có sản phẩm tốt để phục vụ, còn người mua tin tưởng vào người bán. Họ trở nên thân thiện với hơn qua năm tháng |
Chị Nhanh vui vẻ cho biết, khách hàng thích mua loại lợn mỡ dày, là loại lợn quê ăn thơm thịt hơn là lợn nuôi công nghiệp trong siêu thị |
Một quả mít được hái từ vườn nhà mang ra chợ bán cho dân đô thị. Đây thực sự là một món quà quê tuyệt vời mà các bà nội trợ tin tưởng |
Ổi, đủ đủ là những loại quả chị Thúy mang ra từ quê ra được mọi người ưa chuộng, nhưng chỗ ngồi của chị là chỗ không được phép, vì vậy, chị luôn phải dè chừng bị đuổi |
Ông Thịnh, đội tự quản phường Nhân Chính chia sẻ: thu của họ thì họ lại phải lên phường nộp phạt, rồi mai lại đi bán tiếp. Nhưng nếu không dẹp thì sẽ tắc đường... |
Những người bán hàng ở chợ cóc bỏ chạy tán loạn khi đội trật tự đến |
Nháo nhác, bần thần sau khi bị tịch thu đồ |
Ý kiến bạn đọc