(VnMedia) - Góp ý cho dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), tại phiên họp sáng nay (22/10), nhiều đại biểu đã nhất trí có chức danh Tổng Thư ký Quốc hội. Có ý kiến đề nghị Quốc hội cần gấp rút xây dựng Luật trưng cầu ý dân.
>> Đề nghị Quốc hội có Nghị quyết về xử lý nợ xấu
Sáng 22/10, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận toàn thể tại Hội trường về dự án Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội nhưng không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội. Đây là chức danh mới để phù hợp với thông lệ quốc tế và nhiệm vụ mới của Quốc hội.
Trên cơ sở đánh giá hoạt động của Đoàn Thư ký kỳ họp hiện nay cũng như tham khảo kinh nghiệm của quốc tế trong tổ chức hoạt động của Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng chức danh Tổng Thư ký là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, do Quốc hội bầu, nhiễm nhiệm, cách chức, đồng thời cũng quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tổng hợp, tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội.
Nhất trí có chức danh Tổng Thư ký Quốc hội
Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu nhất trí với quy định lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội như dự thảo Luật.
Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng, lập chức danh Tổng Thư ký là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quốc hội nhưng cần quy định cụ thể hơn quyền hạn, nhiệm vụ của Tổng Thư ký.
Ngoài ra, đại biểu Tám cũng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung chức danh Phó Tổng Thư ký Quốc hội giúp việc Tổng Thư ký, nhất là thực hiện nhiệm vụ khi Tổng Thư ký ốm đau, công tác vắng…
Nhiều đại biểu đồng tình với chức danh mới này, nhưng cũng cần làm rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm và quyền hạn của chức danh này và vai trò của Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính hay cơ quan tham mưu giúp việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Định) đồng tình với quan điểm cần có chức danh Tổng thư ký Quốc hội. Chức danh này cũng không nhất thiết phải bầu trong số đại biểu Quốc hội mà nên để Quốc hội phê chuẩn chức danh này như phê chuẩn một công chức nhận nhiệm vụ của Quốc hội là phù hợp.
Cần làm rõ cơ chế, quyền hạn của đại biểu Quốc hội
Góp ý cho dự án Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, một số đại biểu cho rằng, cơ chế, quyền hạn của đại biểu Quốc hội (QH), nội dung của chương 2 còn chung chung; cơ chế hoạt động của đại biểu QH còn nặng về hành chính; quyền hạn của đại biểu QH chưa rõ ràng; số lượng đại biểu quốc hội chuyên trách tuy có tăng nhưng chưa cụ thể. Do đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo, nghiên cứu, ghi rõ trách nhiệm, quyền hạn và bổ sung các quy định để đảm bảo tính độc lập cho đại biểu quốc hội, hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của đại biểu quốc hội…
Riêng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, một số đại biểu QH cho rằng nên quy định rõ số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tại các địa phương. Bởi đại biểu Quốc hội chuyên trách ngại tiếp xúc cử tri theo định kỳ, còn thường tiếp xúc cử tri ở các cơ quan, hữu quan, trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri sát với tình hình thực tiễn hơn...
Nguyễn Thanh Sơn (tỉnh Nam Định) nêu quan điểm: Cần xác định rõ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; tiêu chuẩn và chất lượng của đại biểu phải được quy định chặt chẽ, lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, xuất sắc, bản lĩnh, trí tuệ, có ảnh hưởng và uy tín tốt trong nhân dân để bầu vào Quốc hội nhằm thể hiện và thực hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Đồng thời, nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 50%.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) |
Cần xây dựng Luật trưng cầu ý dân
Thảo luận tại hội trường sáng nay (22/10), về trưng cầu ý dân, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu: Theo dự thảo Luật, thẩm quyền trưng cầu ý dân thuộc về Quốc hội, việc tổ chức trưng cầu ý dân thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhưng chưa quy định cơ quan nào giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện chức năng này.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho đề nghị cần xem xét lại vấn đề này, phải chỉ rõ trong Luật, cơ quan nào có trách nhiệm triển khai thực hiện quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội; cách thức thực hiện như thế nào nhằm đảm bảo tính khả thi của điều luật, chứ không nên quy định như dự thảo Luật.
Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, nên quy định ngay trong Luật cơ quan giúp ủy ban thường vụ Quốc hội triển khai nhiệm vụ trưng cầu ý dân là Hội đồng bầu cử quốc gia. Lý do, thứ nhất, là vì hoạt động tổ chức bầu cử và hoạt động tổ chức trưng cầu ý dân có điểm tương đồng nhau về bản chất và cách thức thực hiện, đều là kiểm tra sự đồng thuận của người dân về một vấn đề cụ thể của quốc gia. Thứ hai, để tổ chức bầu cử thì Hội đồng bầu cử phải thống kê, cập nhật và quản lý danh sách cử tri nên sẽ thuận lợi cho việc tổ chức trưng cầu ý dân.
Hội đồng bầu cử cũng là cơ quan Hiến định độc lập nên sẽ thuận lợi hơn trong việc đem lại tính khách quan của việc trưng cầu ý dân.
“Nhân đây tôi cũng đề nghị Quốc hội gấp rút xây dựng Luật trưng cầu ý dân nhằm đảm bảo quy định rõ những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân, quy mô của các cuộc trưng cầu ý dân”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.
Ý kiến bạn đọc