Cải tạo chung cư cũ: Không chỉ là phá đi xây lại

06:36, 31/10/2014
|

(VnMedia) - Lâu nay, việc cải tạo chung cư cũ đang được hiểu theo nghĩa phá đi một tòa nhà đang ở mức độ nguy  hiểm để xây lên một tòa nhà khác trên chính mảnh đất đó. Tuy  nhiên, cách làm này không phải là một giải pháp hợp lý để tái thiết lại hàng ngàn nhà chung cư cũ của thành phố Hà Nội, nếu như không muốn nói là rào cản cho việc xây dựng lại các khu chung cư cũ trở thành một đô thị sống tốt.

>>Cải tạo chung cư cũ: doanh nghiệp không phải là "ông chủ"
>>Chung cư cũ sắp sập, vẫn loay hoay "lợi ích 3 bên"
>>Đô thị cũ, vùng "ổ chuột" kiểu mới
 
Cải tạo chung cư cũ không còn là chuyện có nên làm hay không, khi mà hàng ngàn tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc xây dựng lại các tòa nhà này dường như mới chỉ được quan tâm đến khía cạnh đền bù cho người dân như thế nào để “thỏa mãn” yêu cầu của họ, cũng như việc đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Giờ đây, sau những “thất bại” của cơ chế hiện hành thì nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc tái thiết chung cư cũ không thể chỉ làm riêng lẻ với từng tòa nhà, mà phải có cái nhìn tổng thể, liên quan đến việc tái thiết chung của toàn khu vực.
 
“Hiện tại, chỉ những chung cư thuộc diện nguy hiểm nhưng ở vị trí đất vàng thuận lợi kinh doanh mới được doanh nghiệp bất động sản đầu tư phá dỡ xây dựng lại”- TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị nhận xét.
 
Đây cũng chính là sự khẳng định của KTS. Trần Công Thanh, Chi hội Kiến trúc sư lão thành, Hội Kiến trúc sư Việt Nam. “Ví dụ như việc cải tạo khu Giảng Võ. Nếu cứ làm theo cách này thì doanh nghiệp chỉ chọn những nơi có vị trí đẹp như mặt đường Giảng Võ, họ làm rất nhanh. Còn những vị trí sâu bên trong thì chẳng ai muốn làm vì sợ lỗ” - KTS Trần Công Thanh nói.
 
Một hạn chế rất lớn của cách thức cải tạo nhà chung cư theo cách là làm từng tòa nhà, đó là sẽ không có ai quan tâm đến vấn đề không gian công cộng, một tiêu chí cực kỳ quan trọng trong một khu đô thị.
 
“Các khu chung cư cũ trước đây vào những năm 1960 được thiết kế và xây dựng với tỷ lệ không gian trống hợp lý, tuy rằng khi đó chưa có đủ điều kiện để kiến tạo những tiện ích cần thiết nên đã được trồng cây xanh là chủ yếu, nhưng khoảng 30 năm sau, không gian này đã dần bị biến dạng và bị gặm nhấm và dần biến mất khá nhiều.” - Th.S Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu KTXD và đô thị nhận xét, và điều này cho thấy, không gian công cộng là vấn đề phải được quan tâm đúng tâm trong công cuộc tái thiết chung cư cũ

Ảnh minh họa

Khi những nhà chung cư được phá đi để xây mới, người ta không chỉ cần những căn phòng rộng hơn mà cần có những không gian sống tốt - ảnh: Đức Huy


Theo KTS Đinh Đăng Hải, Cán bộ cao cấp của tổ chức HealthBridge Foundation of Canada, cách thiết kế, xây dựng lại từng khối nhà là nguyên nhân dẫn tới việc thiếu sự kết nối với các công trình chức năng khác trong khu vực như trường học, chợ, các không gian công cộng... Hơn nữa, các khu chung cư được tái thiết đa phần được xây dựng tăng cao số tầng, tăng cao mật độ vì mục đích lợi nhuận của chủ đầu tư, trong khi những hạ tầng dịch vụ xã hội xung quanh hầu như vẫn chưa được quan tâm.
 
“Hậu quả là hệ thống hạ tầng, dịch vụ và các công trình công cộng trong khu vực bị quá tải và không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Các chợ dân sinh cũ không đáp ứng đủ nhu cầu và kém vệ sinh dẫn tới việc người dân tại các khu đô thị mới tái thiết phải đi chợ hàng ngày xa hơn hoặc lựa chọn các siêu thị mới. Người dân, đặc biệt là người già và trẻ em thiếu chỗ nghỉ ngơi và vui chơi giải trí ngoài trời. Trường học quá tải là nguyên nhân nhiều cha mẹ lựa chọn cho con học trái tuyến xa hơn cho dù có tốn kém thêm chi phí và thời gian đưa đón con. Tất cả những điều này trực tiếp gia tăng việc di chuyển bằng các phương tiện cơ giới, giảm đáng kể giao thông chủ động có mục đích như đi bộ và xe đạp của người dân đô thị” - KTS Đinh Đăng Hải nói.

Hệ số đền bù cao hay nâng tầng không phải là cách tốt nhất để tái thiết chung cư cũ. Trong khi doanh nghiệp chỉ cần có lợi nhuận thì người dân lại không chỉ cần những căn phòng rộng. Một đô thị sống tốt là nơi mà người dân khỏe mạnh, hạnh phúc sống trong những khu dân cư lành mạnh. Đô thị sống tốt là nơi được quy hoạch, xây dựng cho người dân và tạo điều kiện cho người dân nâng cao sức khỏe, cả về mặt thể chất và tinh thần. Để đạt được những điệu kiện như vậy, cần phải quan tâm đến những vấn đề gì khi tái thiết lại các khu chung cư cũ?

Bài tiếp: Tái thiết chung cư cũ thành đô thị "sống tốt"


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc