Ý thức kém: Nguyên nhân chính gây mất an toàn lao động

18:05, 26/09/2014
|

Môi trường làm việc trong lĩnh vực xây dựng luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ). Tuy nhiên, tham gia vào lĩnh vực này phần đông là lao động phổ thông, thiếu cả kiến thức và ý thức bảo đảm an toàn trong lao động. Trong khi đó, các nhà thầu chưa quan tâm tới công tác an toàn vệ sinh lao động.

Chủ quan, dễ tai nạn

Hình ảnh thường thấy trên các công trường xây dựng, dù làm việc ở dưới mặt đất hay trên cao, công nhân xây dựng chủ yếu đội mũ mềm. Các loại mũ bảo hộ trong xây dựng dù có được cấp phát cũng không nhiều người sử dụng.

Anh Bùi Văn Chính, làm nghề phụ hồ cho biết, với những công trình xây dựng 2, 3 tầng, thợ xây chẳng mấy người đội mũ bảo hiểm vì khi làm việc, có muốn hút điếu thuốc cũng vướng víu, bất tiện. Còn giày bảo hộ lao động thì công nhân càng ít sử dụng vì không quen. Trong khi nhiều khu vực có môi trường làm việc thiếu an toàn, như không có hệ thống che chắn, sàn thao tác, lan can bảo vệ, thiếu hệ thống đèn tín hiệu, biển cấm nguy hiểm… Chính sự chủ quan bỏ qua các quy định về bảo đảm an toàn trong môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm là nguyên nhân dẫn tới những vụ tai nạn lao động thương tâm.

Theo thông tin từ Công đoàn ngành Xây dựng thành phố , do chủ trương giảm đầu tư công, giãn hoãn một số công trình xây dựng nên trong năm 2013 và 9/2014, toàn ngành không xảy ra vụ TNLĐ nghiêm trọng gây chết người nào. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ thực tế, trên địa bàn thành phố vẫn có TNLĐ chết người xảy ra trong lĩnh vực xây dựng. Điển hình như vụ sập dàn giáo trên công trường thi công bịt các lỗ thanh neo cầu Chanh bắc qua sông Luộc nối thị trấn Ninh Giang (Hải Dương) với xã Thắng Thủy (Vĩnh Bảo, Hải Phòng
) vào ngày 11/1/2013, khiến 3 người chết. Hay như vụ sập dàn giáo ngày 27/5/2014 khiến 3 công nhân bị thương phải nhập viện cấp cứu khi đang xây dựng công trình nhà văn hóa trong công viên Đầm Vuông, phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn. Gần đây nhất là vụ sập cần cẩu tại công trường xây dựng cầu vượt sông Lạch Tray hồi đầu tháng 7/2014 làm chết 2 công nhân, 4 công nhân khác bị thương nặng.

Số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, trong số hơn 3.400 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra trên cả nước 6 tháng năm 2014, có đến 30% số vụ gây chết người rơi vào lĩnh vực xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người trong lĩnh vực xây dựng (chiếm tới 54,1% số trường hợp) là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không bảo đảm an toàn lao động.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa 


Nâng cao ý thức đi đôi với xử lý nghiêm vi phạm

Trên thực tế, hơn 80% số công nhân trong ngành xây dựng là lao động thời vụ, lao động tự do, không được đào tạo nghề bài bản, làm việc chủ yếu dựa trên kinh nghiệm lại không có ý thức tuân thủ đúng quy trình trong thi công, sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết nên dễ để xảy ra hoặc gặp tai nạn trong quá trình lao động.

Phó Ban Chính sách và Pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng) Vũ Ngọc Thức cho biết, với các công trình xây dựng lớn, chủ đầu tư dự án thường thuê các nhà thầu đảm trách từng phần việc. Các nhà thầu lại thuê các nhóm thợ thi công. Vấn đề bảo đảm an toàn lao động được đẩy hết cho các cai thầu; đơn vị thuê lao động gần như không có trách nhiệm gì đối việc này. Vì thế, khi xảy ra TNLĐ, đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là người lao động. Về phía các nhà thầu xây dựng, do áp lực về tiến độ công trình cộng với khó khăn về tài chính nên việc đầu tư thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn lao động phần nhiều chưa được họ quan tâm đúng mức.

Để hạn chế tình trạng mất an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng, thời gian qua, các cấp công đoàn quan tâm duy trì, phát triển mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong các doanh nghiệp thuộc ngành, đồng thời tổ chức tuyên truyền phổ biến về an toàn vệ sinh lao động tới công nhân, trong đó có công nhân ngành Xây dựng. Tuy nhiên, ngoài giải pháp mang tính lâu dài, bền vững là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả chủ sử dụng lao động và người lao động, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị, công trường xây dựng. Với những đơn vị vi phạm, cần có biện pháp xử phạt nghiêm như đình chỉ thi công, phạt hành chính đối với nhà thầu, tạo tác dụng răn đe, ngăn ngừa vi phạm, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng được làm việc trong môi trường an toàn của người lao động.


Theo baohaiphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc