Vì sao Hà Nội đáng yêu?

19:40, 19/09/2014
|

(VnMedia) - Hà Nội đáng yêu vì có những không gian đô thị đặc trưng. Nhưng bản sắc đó là gì, và trong sự thay đổi đang diễn ra từng ngày, có thể làm những gì để giữ lại những bản sắc ấy? Đó chính là câu hỏi mà nhiều kiến trúc sư trăn trở đặt ra...
 
Ngày 18/9, tại Hội thảo “Đô thị Hà Nội, 60 năm xây dựng và phát triển” do báo Kinh tế đô thị và Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp tổ chức, nhiều đại biểu đã có những tham luận đầy tâm huyết với vấn đề quy hoạch Thủ đô. Đặc biệt đáng lưu ý, việc gìn giữ những nét đặc trưng của Hà Nội đã được các đại biểu phân tích hết sức sâu sắc.
 
Theo KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội, Hà Nội đáng yêu vì có những không gian đô thị đặc trưng.
 
“Là đô thị với cả ngàn năm tuổi, dưới những ô đất, biết bao ký ức về một quá khứ dựng nước và chống ngoại xâm. Nhiều di tích lịch sử văn hóa kiến trúc quý giá ẩn mình trong cảnh quan sông dài hồ rộng và cây xanh đầm ấm. Một khu Phố cổ, tới nay tuy đã khác nhiều với thế kỷ XVII, XVIII, vẫn có thể tìm gặp biết bao dáng dấp xưa cũ của Kẻ Chợ.” – KTS Lê Văn Lân nói về Hà Nội với một tình cảm hết sức nồng nàn.
 
“Có ai không lưu luyến về hình ảnh những làng quê, những không gian văn hóa đặc sắc lâu đời, nơi nuôi dưỡng tâm hồn người Việt mà giờ đây đang xây dựng nông thôn mới? Trong sự thay đổi to lớn ấy, có thể làm những gì để giữ lại những bản sắc? Rồi còn nhiều làng cổ, làng nghề..... Trải dài lên tất cả là những không gian cảnh quan văn hóa đặc thù: Hồng Hà, Hồ Tây, Hồ Gươm... cho đến Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích....” – KTS Lê Văn Lân tiếp tục dòng cảm xúc.

 Ảnh minh họa

 Hà Nội đáng yêu vì có những không gian đô thị đặc trưng - ảnh: Vũ Ngọc

 
Nhưng rồi, ông cũng thẳng thắn: “Đối xử như thế nào với những đặc thù đô thị vừa nêu là trách nhiệm của nhiều thế hệ. Mỗi giải pháp quy hoạch, từng bản thiết kế công trình, những hạng mục kỹ thuật đô thị... đều không được làm lu mờ, che khuất, hay biến dạng xáo trộn những không gian đặc thù đó.”

KTS Lê Văn Lân trăn trở với những “khấp khểnh của Kiến trúc” trên những tuyến phố mới mở chẳng tương xứng với cái giá làm đường; với hình ảnh nội thành cũ, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp một ngôi nhà mới, “một mình xông ra đường so với những ngôi nhà đã có” hay những ngôi nhà xây hết cả chỉ giới đỏ.

Tác giả Cung thiếu nhi Hà Nội cũng lo lắng khi Hà Nội, dù đã bỏ nhiều công sức, tiền của vào giữ gìn và tu tạo nhưng các di tích Kiến trúc cổ vẫn đang đứng trước nguy cơ bị làm mới một cách đáng lo sợ.

Ông cũng thẳng thắn: “Chúng ta đã quá coi nhẹ trang trí phố xá vào các dịp lễ hội. Bà con bảo, thứ thẩm mỹ gì mà quê quá. Nhưng thực ra ở quê, ở các thành phố dù là nhỏ khác, họ bày trí hay hơn “ta” nhiều.”

Lấy ví dụ về chiếc bảng đếm giờ gần Đền Bà Kiệu, ngay khu vực Hồ Hoàn Kiếm, KTS chia sẻ cảm xúc: “Xấu như thế, để lâu như thế, cũng đã là quá sức chịu đựng. Mỗi lần đi qua cứ phải xem trên đường Đinh Tiên Hoàng có người nước ngoài nào không. Không có họ, mới nhẹ cả người.”

 Ảnh minh họa

 Trên con đường phát triển, Thủ đô sẽ giữ lại gì cho bản sắc Hà Nội? - ảnh: Vũ Ngọc


Cũng đặc biệt quan tâm đến bản sắc của Hà Nội, PGS. TS Phạm Hùng Cường, Hiệu phó trường Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định, với 60 năm và bao đổi thay của cuộc sống, sức ép đô thị hóa, từ thành phố khoảng 0,5 triệu dân năm 1954 đến nay đã là thành phố có 6,8 triệu dân, giữ được Hà Nội như ngày hôm nay thật sự là điều đáng mừng mà không phải thành phố nào cũng có được. Tuy nhiên, PGS Phạm Hùng Cường cũng thừa nhận: “Với những người trong nghề nghiệp kiến trúc - xây dựng và chắc chắn là cả rất nhiều người yêu Hà Nội, vẫn có nhiều trăn trở”.
 
Theo PGS Phạm Hùng Cường, một Hà Nội đẹp nhưng cái đẹp dường như đã được giới hạn và chỉ còn bản sắc trong một phạm vi nhỏ, gói gọn trong phố cổ, phố Pháp (trong vành đai 2), Hồ Tây. Ra ngoài thêm chút nữa, những khu đô thị cũ như Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ hay mới gần đây như Trung Hòa Nhân Chính, Linh Đàm, Văn Phú, Mỹ Đình… cái đẹp của Hà Nội dường như không còn thấy bóng dáng.

 Ảnh minh họa

Hà Nội đổi mới từng ngày, nhưng ở nhiều nơi, cái đẹp của Hà Nội dường như không còn thấy bóng dáng - ảnh: Vũ Ngọc

 
“Cũng có cây xanh bóng mát, cũng con đường mới khang trang nhưng nhìn chung thiếu bản sắc, nhác giống như đâu đó, như những thành phố nào đó, khó mà rung cảm. Các làng xã ven đô lọt vào Hà Nội ngày càng nhiều, những tưởng với bản sắc của làng truyền thống với mái đình, ao làng sẽ tạo thêm bản sắc cho đô thị Hà Nội nhưng không, làng xã đô thị hóa biến đổi quá nhanh, hình ảnh chung của làng nội đô hiện nay là những con đường ngõ hẹp, xe cộ đông đúc chật chội, nhà cửa xây dựng lộn xộn, nhưng ngôi chùa, mái đình trở lên bị chật chội chèn ép trong cuộc sống đương đại.” – Hiệu phó trường Đại học Xây dựng xót xa, tiếc nuối.

“Thật đáng mơ ước, nếu chúng ta có thể giữ lại đâu đó trên Thành phố, những không gian nông thôn ít bị biến động; có thêm những cải thiện điều kiện hạ tầng, vệ sinh dịch vụ.... Cần phải có thêm nhiều những Đường Lâm, Cự Đà, Triều Khúc và cả những làng nghề như: Đa Sỹ,Kiêu Kỵ, Bát Tràng.... Những không gian văn hóa sẽ giữ lại cho chúng ta bản sắc, nền tảng của hoạch định chiến lược, tạo lập những không gian đô thị, mang dấu ấn riêng biệt,không để đô thị chỉ còn hấp dẫn bởi những đại lộ đầy nhà cao tầng chen nhau khô cứng.” - KTS Lê Văn Lân tâm huyết nói.


Tuệ Khanh - (ảnh: Vũ Ngọc)

Ý kiến bạn đọc