Tranh cãi xung quanh "đường bay vàng"

06:14, 05/09/2014
|

(VnMedia) - Trao đổi với VnMedia tối 4/9, Ts. Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - một trong hai người đề xuất đường bay vàng cho rằng, đường bay thẳng không thể chỉ rút ngắn 5 phút. Kết quả này không ai tin vì VNA đã từng tính toán tiết kiệm 111 km và thời gian là 9 phút.

>>Bay thẳng từ Hà Nội - TPHCM rút ngắn được 85km

>>Cách thử nghiệm đường bay vàng quá tốn kém!

>>“Đường bay vàng” Hà Nội-TP.HCM thực sự "vàng"?

Như VnMedia đã đưa tin, sau 2 ngày thử nghiệm đường bay vàng, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chênh lệch giữa hai phương án: bay theo đường hàng không thẳng giảm về cự ly là 85km, về thời gian là 5 phút và lượng nhiên liệu tiêu thụ là 190kg.

Kết quả thử nghiệm trên được Vietnam Airlines (VNA) và VietJet Air thử nghiệm qua hai đường bay thẳng với mực bay tối ưu (FL350), phương thức bay tối ưu (phương thức cất cánh, tiếp cận, hạ cánh): cất cánh tại sân bay Nội Bài đường CHC11, theo phương thức NOPBI 1A, tiến nhập đường hàng không giả định từ DVOR/DME NOB đến DVOR/DME TSN; đến D14 - R356 TSN vòng trái qua vòng cung D12 TSN tiến nhập vào tiếp cận chót theo phương thức tiếp cận ILSz đường CHC25R vào hạ cánh trong các điều kiện được xây dựng trên các giả định không có ảnh hưởng của: khu vực cấm Hà Nội, khu hoạt động quân sự tại sân bay Thọ Xuân, vùng trời khu vực sân bay Biên Hòa cũng như các hạn chế về hoạt động bay (độ cao bay, quĩ đạo bay, khung mực bay…) trong vùng trời các nước Lào, Campuchia...

Và phương án bay theo đường hàng không hiện đang thực hiện trên thực tế cho chặng Nội Bài - Tân Sơn Nhất (hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam): cất cánh tại sân bay Nội Bài đường CHC11, phương thức VITRA 2A, đường Hàng không W1 đến HAMIN, W10, W1, An Lộc và thực hiện phương thức ILSz đường CHC25R vào hạ cánh.

Tuy nhiên, trao đổi với VnMedia tối 4/9, sau khi Cục Hàng không Việt Nam công bố kết quả thử nghiệm đường bay thẳng từ Hà Nội - TPHCM chỉ rút ngắn được 5 phút, TS. Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - một trong hai người đề xuất đường bay vàng cho rằng, đường bay thẳng không thể chỉ tiết kiệm 5 phút.  "Không ai tin kết quả này vì VNA đã từng tính toán tiết kiệm 111 km và thời gian là 9 phút", ông Bá nói.

 Ảnh minh họa

VietJet Air và Vietnam Airlines, hai hãng hàng không vừa thực nghiệm đường bay vàng từ Hà Nội - TPHCM qua Lào và Campuchia.

Thông tin thêm với VnMedia về cuộc thử nghiệm đường bay vàng của Cục Hàng không Việt Nam, TS. Bá cho biết, vào lúc 20h24 phút ngày 3/9, ông nhận được điện thoại của ông Đinh Đức Tuấn, tự xưng là Chuyên viên Thanh tra bay Cục Hàng không Việt Nam, truyền đạt lời mời của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh mời ông tham gia thử nghiệm đường bay vàng trong hệ thống buồng lái giả định điện tử (SIM) để chứng kiến.

TS. Bá cho biết, ông đã vui vẻ nhận lời và mặc dù đang ở Đà Nẵng, ông vẫn bay về TPHCM ngay để tham gia cuộc thử nghiệm.

Ông TS. Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, trong cuộc điện thoại, ông có hỏi thành phần tham gia cuộc thử nghiêm cũng như Cục HKVN có cho phép báo chí đưa tin không? Trước câu hỏi này, vị chuyên viên cho biết: Thành phần gồm 5 người gồm TS. Trần Đình Bá, Thanh tra Hàng không Việt Nam, 2 phi công và 1 kiểm soát viên không lưu.

“Tôi hỏi lại có cho phép nhà báo đứng bên ngoài, xem qua kính? Vị chuyên viên trả lời phải xin phép Cục trưởng Lại Xuân Thanh và sẻ báo cáo lại”, ông Bá cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Bá, sau đó ông không nhận được thêm cuộc điện thoại hay câu trả lời nào khác.
“Tôi đã về rất nhanh ngay trong tối hôm đó nhưng chờ mãi không thấy có điện báo lại", ông Bá cho biết.

 Ảnh minh họa

 TS. Trần Đình Bá cho rằng, đường bay vàng Hà Nội - TPHCM không thể chỉ rút ngắn 5 phút bay. Ảnh nhân vật cung cấp.

Đề cập đến kết quả thử nghiệm bay mà Cục Hàng không đưa ra, ông Bá cho rằng, số liệu thử nghiệm mang tính chất pháp lý theo Pháp lệnh Kế toán thống kê. Có người ký tên chịu trách nhiệm vì nếu đưa ra một số liệu thiếu trung thực, minh bạch sẽ gây hậu quả lớn cho một nền kinh tế. Vì vậy, ông cho rằng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phải chịu trách nhiệm pháp lý thep Pháp lệnh Kế toán thống kê về kết quả đã đưa ra.

Theo vị TS. Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, để thuyết phục, các bước thử nghiệm phải công khai, có người giám sát không được làm lệch số liệu. Ông cũng cho rằng, SIM thử nghiệm phải là thiết bị đo lường phải được kiểm chứng, đăng kiểm, nếu làm sai lệch số liệu thì cơ quan đăng kiểm sẽ chịu trách nhiệm.

"Hôm qua (3/9) tôi chờ mãi nhưng không được chứng kiến thử nghiệm. Một cuộc thử nghiệm như thế thì khác gì một cuộc thử nghiệm khoa học theo kiểu "bí mật", "Cánh đồng Chum" (trong chum) tự biên tự diễn. Một cuộc thử nghiệm tầm quốc gia mà nhà báo không được tiếp cận, các nhà khoa học không được chứng kiến, các thiết bị thử nghiệm không có đăng kiểm là sẽ vi phạm Pháp lệnh Kế toán thống kê", Ts. Bá nói.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc