(VnMedia) - Tính mạng chị Phàn Thị Đánh đang như “trứng treo sợi tóc” bởi căn bệnh quái ác. Nếu có khoảng 100 triệu đồng để phẫu thuật thì mạng sống của chị sẽ được cứu, còn ngược lại, chị sẽ chỉ còn con đường chết. Nhưng nhà chị Đánh nghèo lắm…
Chị Đánh quê ở thôn Khuổi Lùng, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, Hà Giang. Đây là một bản miền núi nghèo, cách biệt với thế giới văn minh. Vốn mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại lấy chồng cũng là một người mồ côi cả mẹ lẫn cha, cuộc đời chị Đánh là những tháng ngày đói khổ dài dằng dặc. Vợ chồng chị Đánh cũng có 3 đứa con, nhưng càng không may, đứa con thứ 2 của chị lại mắc di tật bẩm sinh, không thể đi lại được. Đến nay, đứa con gái đáng thương đã 17 tuổi, nhưng hàng ngày, chị Đánh vẫn phải tận tay mang thức ăn, rồi vệ sinh cá nhân cho con.
Nhà chị Đánh nghèo lắm. Theo lời kể của chị Đánh thì chị gần như chẳng bao giờ đi chợ, vì làm gì có tiền. Thi thoảng thu hoạch được vài lạng chè, chị mang đổi lấy mì chính, muối về ăn. Đến cơm cũng chẳng được ăn no chứ đừng nói là thức ăn. Đó là thứ xa xỉ mà cả tháng may ra nhà chị mới được thưởng thức 1 lần. “Nhiều tháng thiếu ăn, nhà mình chỉ nấu cơm khi nào quá đói, còn thì cứ “ở không” thôi” - chị Đánh chia sẻ.
Thế rồi, bất hạnh tột cùng ập đến khi cách đây khoảng hơn 1 năm, chị Đánh thấy xương hàm của mình cứ ngày một sưng to lên. Rồi răng cũng rụng dần. Xuống Hà Nội khám, chị được biết mình mắc một thứ bệnh, tuy là lành tính nhưng nếu không chữa trị kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, vì không có tiền phẫu thuật nên chị đã quay về nhà, để mặc cho bệnh tiến triển.
Cách đây hơn 1 tuần, chị Đánh quay trở lại Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương Hà Nội trong tình trạng hàm đã rụng không còn chiếc răng nào, khối u ở hàm giờ đã bị nhiễm trùng, lan ra cả nửa khuôn mặt. Nguy hiểm hơn, khối u này đã sùi cả ra ngoài, trông rất khủng khiếp.
Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Văn, Phó Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình hàm mặt, chị Đánh mắc bệnh loạn sản xơ xương, một bệnh khởi căn là lành tính, do bị đột biến gen tổng hợp Protein G gây nên. Hiện nay bệnh của chị Đánh đã ở mức độ nguy hiểm vì đã bị xâm lấn và phá hủy phần mềm trên diện rộng. Nếu phẫu thuật, các bác sĩ sẽ phải cắt bỏ toàn bộ khối u trong xương hàm dưới và phần u thâm nhiễm ra phần mềm vùng cằm và môi dưới, sau đó tái tạo lại xương hàm dưới, da vùng cằm, môi dưới bằng kỹ thuật vi phẫu.
Điều đáng mừng là, tuy đã để khá muộn, nhưng nếu được phẫu thuật kịp thời, bệnh của chị Đánh vẫn có hy vọng được chữa khỏi gần như 100%, chỉ trừ trường hợp biến chứng sau mổ, mà điều này rất ít khi xảy ra.
Với hầu hết những người mắc bệnh nặng thì thông báo này của bác sĩ sẽ là một niềm an ủi lớn, vì dù có phải phẫu thuật, có phải tốn bao nhiêu tiền đi chăng nữa, nhưng việc giữ lại được mạng sống là điều trên hết. Tuy nhiên, đối với chị Đánh thông báo cần phải phẫu thuật, với chi phí từ khoảng 70-100 triệu đồng cũng giống như nhận một bản án tử hình: chị Đánh không có tiền!
Đúng là chị Đánh chẳng có bất cứ một khoản tiền nào để trang trải cho ca mổ nhằm cứu lấy mạng sống của mình.
Bệnh của chị Đánh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu có tiền, nhưng nhà chị Đánh nghèo lắm... |
Chị Đánh cho biết, lúc đi xuống Hà Nội, chị vay mượn tất cả bà con họ hàng làng bản mới được vài triệu. Các bác sĩ chưa thu đồng viện phí nào, nhưng tiền đường tiền xe, rồi tiền ăn những ngày qua đã khiến cho khoản tiền ít ỏi đó gần như chẳng còn gì. Ba hôm trước, chị đã đến xin bác sĩ cho về nhà chờ… chết và bắt đầu phải nhịn ăn để dành tiền đi xe trở về quê.
“Mình rất sợ chết, nhưng mình không có tiền để mổ nên đành xin về chứ biết làm sao” - chị Đánh nói một cách bất lực.
Nói về việc mình có thể chết vì không có tiền chữa bệnh, chị Đánh ngậm ngùi cho biết, chồng chị, mặc dù biết vợ đang bị bệnh hiểm nghèo nhưng không thể xuống thăm vợ vì không có tiền. “Có đồng nào vay được thì nó đưa hết cho mình mang theo rồi. Bây giờ nó phải ở nhà đi hái chè, đi làm ruộng nuôi con. Nó lo lắm. Nó bảo, nếu bệnh của vợ không chữa được thì nó sẽ chết trước vì sống thì khổ quá. Nhưng cả hai vợ chồng mà chết thì lo con sẽ không có cơm mà ăn” - Chị Đánh hoang mang khi nghĩ đến đứa con tật nguyền và đứa con nhỏ 13 tuổi, dù còn cả bố lẫn mẹ mà sáng sáng vẫn phải nhịn đói đi học.
“Trường hợp của chị Đánh đã ở mức độ rất nguy hiểm, nhưng nếu được phẫu thuật kịp thời thì khả năng chữa khỏi hoàn toàn là rất cao. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí hiện rất khó khăn. Từ khi bệnh nhân vào viện, chúng tôi chưa thu một đồng viện phí nào, nhưng kinh phí để mổ thì hiện nay Viện chưa thể lo được. Có thể sẽ phải huy động sự đóng góp tình nguyện của nhân viên trong viện, nhưng chắc là khó mà đủ được. Nếu bệnh nhân vô phương cứu chữa hay bỏ tiền ra chỉ để kéo dài thời gian sống thì chúng tôi không dám kêu gọi. Nhưng nhìn thấy bệnh nhân có khả năng cứu được mà lại bó tay vì không có tiền thì thật là không cam tâm. Vì vậy, chúng tôi rất mong cộng đồng cùng chung tay góp sức để giúp cho chị Đánh được phẫu thuật kịp thời, giữ được mạng sống.” - bác sĩ Văn tha thiết nói.
Theo bác sĩ Văn, bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương Hà Nội đang thuyết phục chị Đánh lưu lại viện để chờ đợi cơ hội được giúp đỡ.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi trực tiếp về: chị Phàn Thị Đánh, khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương Hà Nội. ĐT: 01629.470.138 |
Ý kiến bạn đọc