Sừng tê giác và câu chuyện bản lĩnh đàn ông

08:52, 23/09/2014
|

(VnMedia) - Thêm một cách tiếp cận mới để giải quyết thực trạng mua và sử dụng sừng tê giác bất hợp pháp vừa được triển khai, thông qua chiến dịch truyền thông mới đầy sáng tạo mang tên “Sức mạnh của Ý Chí”.

Vừa được phát động vào hôm qua, 22/9, chiến dịch “Sức mạnh của Ý Chí” được xây dựng trên khái niệm “Chí” trong văn hóa Việt Nam, thể hiện sức mạnh của nội lực bên trong. Chiến dịch “Chí” truyền tải ý tưởng rằng thành công, nam tính và may mắn, bắt nguồn từ nội lực, bản lĩnh của mỗi cá nhân chứ không tới từ một mảnh sừng.

Theo Tiến sĩ Naomi Doak, Trưởng đại diện TRAFFIC Đông Nam Á - Chương trình Tiểu vùng Me kông Mở rộng, chiến dịch Chí là một cách tiếp cận mới để giải quyết thực trạng mua và sử dụng sừng tê giác bất hợp pháp và củng cố vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong việc tích cực giảm thiểu mua bán và sử dụng sừng tê giác bất hợp pháp, cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài của động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES).

 Ảnh minh họa


Được phát triển bởi TRAFFIC và PSI - một tổ chức tiếp thị xã hội toàn cầu - Chiến dịch Chí sử dụng những kỹ thuật tốt nhất trong truyền thông thay đổi hành vi, bao gồm việc áp dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau để tác động tới  đối tượng mục tiêu của dự án: đàn ông thành thị trong độ tuổi 35-50 tại hai thành phố chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh .

"Dựa trên việc am hiểu thực tế, các giá trị và phương pháp tiếp cận sáng tạo, chiến dịch Chí đề cao vai trò của khái niệm Chí trong văn hóa Việt Nam và nhấn mạnh một thực tế rằng các cá nhân năng động và xuất sắc không cần một mảnh sừng để thể hiện sự giàu có, may mắn hay sức mạnh của họ," Bà Josselyn Neukom, Giám đốc Quốc gia của PSI cho biết.

Buôn bán động thực vật hoang dã bất hợp pháp vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học, và một số loài mang tính biểu trưng thế giới hiện đang phải đối mặt với các mối đe dọa chưa từng có từ săn bắn trộm đến buôn bán bất hợp pháp. Nạn săn bắn trộm tê giác tại Nam Phi đang ngày càng trở nên trầm trọng, từ việc chỉ có 13 cá thể tê giác bị giết trộm năm 2007 tới 1.004 cá thể vào năm 2013.

"Chiến dịch này sẽ khuyến khích các cá nhân trong nhóm đối tượng mục tiêu thể hiện cho bạn bè của họ rằng thành công của họ đến từ nội lực bên trong", ông Huỳnh Tiến Dũng, Quản lý Chương trình Bảo tồn của WWF Việt Nam cho biết. “Bằng các thông điệp trọng điểm nhắm tới những động cơ dẫn tới việc mua sừng tê giác, chúng tôi có thể làm giảm nhu cầu về sừng tê giác và giúp ngăn chặn việc giết hại vô nghĩa của loài tê giác trên toàn thế giới," ông Dũng cho hay.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc