(VnMedia) - Thu đã ly hôn và giờ đây nghĩ lại, cô thật sự sợ hãi quãng thời gian sống trong vai một người vợ. Nhiều lúc Thu tự hỏi, tại sao mình có thể chịu đựng ngần ấy thời gian trong cái “lồng hôn nhân” trước khi biết thế nào là một cuộc sống đúng nghĩa...
Thu lấy chồng ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Họ đều là người tỉnh lẻ, anh miền Trung còn Thu miền núi phía Bắc. Thu học chuyên ngành ngôn ngữ, còn chồng Thu là một kỹ sư công nghệ. Mọi người bảo, sự khác nhau sẽ tạo nên sự gắn kết bởi hai người họ sẽ bù trừ cho nhau. Thu cũng ngây thơ tin là vậy, và trước đó, những người cũng bay bổng lãng mạn như Thu đều bị tôi từ chối vì cô cho rằng, đàn ông thì phải khô một chút nó mới cứng cáp, mới là chỗ dựa cho người vợ được.
Nhưng rồi, khi đã lấy nhau, Thu đã thấy thật thất vọng khi thấy những gì diễn ra trong cuộc sống hôn nhân không có một chút nào như tôi từng mơ ước. Chồng Thu, một người con trai miền Trung gia trưởng đến mức khó tưởng tượng. Và Thu, khi chung sống lâu ngày với cái người đàn ông gia trưởng đó, đã tự biến mình thành nô lệ của chồng. Nô lệ từ hành động cho tới trong suy nghĩ.
Chồng Thu làm ở một công ty phần mềm. Lấy lý do phải tiếp khách, anh thường xuyên về muộn. Tối nào ở nhà Thu cũng vật vã trong trạng thái chờ đợi chồng về. Đi làm đã vất vả, về đến nhà Thu phải lao vào cơm nước, lau dọn nhà cửa… nhưng điều đáng nói là Thu làm tất cả những việc ấy một cách chu toàn nhất chỉ với mong muốn khi chồng trở về nhà sẽ tỏ thái độ hài lòng. Nhưng điều mà Thu nhận được chỉ là một sự bất công khiến cô cảm thấy cực kỳ đau khổ.
Thu vốn cho rằng, người đàn ông nào cũng muốn có một người vợ “cơm dẻo canh ngọt, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”, vì thế, cô đã cố gắng để trở thành người phụ nữ như “hoản hảo”. Sáng ra, khi cả chồng và con còn đang ngủ, Thu đã lặng lẽ dậy để nấu nấu nướng nướng. Chồng Thu mở mắt ra là đã có cốc cà phê thơm lựng, rồi thì bát mì nóng hổi hay chiếc bánh mì ròn tan đang đợi sẵn. Đáp lại, chồng Thu uể oải, gắt gỏng khi ngồi vào bàn, lúc thì anh ta chê cà phê quá ngọt, khi thì bảo bát mì quá chín.
Khi đi chợ, điều mà cô quan tâm nhất là mua món gì chồng thích. Thậm chí, sở thích của chồng được Thu đặt lên trên hết, không những trên sở thích của bản thân mình mà còn trên cả mong muốn của các con. Làm gì, Thu cũng sợ chồng không bằng lòng. Hôm nào chồng về sớm, Thu như người bắt được vàng. Cô đon đả cất cặp, hồ hởi bật nước nóng cho chồng tắm và rồi thì hồi hộp chờ đợi phản ứng của chồng khi ngồi vào mâm cơm. Nếu hôm nào anh rộng lượng gật đầu hài lòng một món gì đó, Thu cảm thấy cuộc đời mình như nở hoa. Ngược lại, nếu chồng cô ăn không ngon miệng, Thu lại tự trách mình đã nấu ăn không khéo.
Trong khi Thu sạch sẽ bao nhiêu thì chồng cô lại ở bẩn, luộm thuộm bấy nhiêu. Quần áo, tất tai cứ gọi là bạ đâu vứt đấy. Nhưng dù không bằng lòng, Thu chẳng mấy khi dám phàn nàn bởi chỉ cần cô lên tiếng, ngay lập tức anh ta sẽ trừng trừng nhìn vào mặt vợ mà quát là “đồ đàn bà hư dám lên mặt với chồng”.
Quan hệ giữa Thu với mẹ chồng cũng hết sức căng thẳng, mà nguyên nhân là do bà quá coi thường con dâu. Chồng Thu coi thường vợ một thì mẹ chồng cô còn khinh con dâu hơn. Dù ở quê, vài tháng mới ra Hà Nội với con cháu một lần, nhưng bà luôn tìm cách miệt thị, chứng minh rằng con trai mình có khả năng lấy được người vợ tốt hơn nhiều.
Nhưng tất cả những gì mà mẹ chồng đối xử không tốt với cô, Thu đều không dám hé răng kể lể với chồng. Kinh nghiệm xương máu đối với Thu là đừng bao giờ nói động đến mẹ anh ta, bởi có lần cô đã bị chồng đánh chảy máu đầu vì đã dám cãi lời bà.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, thế mà đã hơn 10 năm. Nhiều lúc Thu tự hỏi, không hiểu mình sai ở chỗ nào mà chồng mình lại đối xử tệ với mình như vậy? Nhưng dù khổ sở, dù không hạnh phúc, Thu cũng chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ chồng. Cô cứ nghĩ, phụ nữ đơn thân, nuôi con một mình thì thật là đáng thương, và chắc chắn mọi người sẽ đánh giá cô là một người phụ nữ thất bại. Vì thế, đối với bạn bè và người thân, Thu luôn chứng minh mình là người vợ may mắn và hạnh phúc.
Chỉ cho đến khi Thu phát hiện chồng có bồ, mọi thứ mới thực sự sụp đổ. Người tình của chồng Thu chính là cô người yêu cũ, cùng quê của anh ta. Đây cũng là người mà mẹ chồng Thu thường bóng gió tiếc rẻ khi hai đứa không nên vợ nên chồng.
Oái oăm thay, người muốn ly hôn lại chính là anh ta.
Thu chỉ biết thế nào là hạnh phúc sau khi bi... chồng bỏ - ảnh minh họa |
Lúc đầu, chồng Thu cũng sụt sùi xin lỗi, cũng hứa hẹn nọ kia. Nhưng rồi, anh ta vẫn chứng nào tật ấy và cuối cùng thi trơ tráo nói rằng, cái cô người yêu cũ kia mới là người chia sẻ được mọi niềm vui nỗi buồn với anh ta. Và, anh ta muốn được chung sống với người phụ nữ kia cho đến hết cuộc đời.
Thế là họ chia tay. Anh ta ra đi sau khi đòi phần hơn trong tất cả mọi thứ, kể cả mảnh đất mà mẹ của Thu di chúc cho 2 vợ chồng cô trước khi bà mất, chỉ cách khi Thu phát hiện ra chồng cặp bồ… 1 tháng.
Những ngày đầu, Thu có cảm giác thật chống chếnh khi không có người đàn ông bên cạnh. Cô tự trách mình đã không biết cách giữ chồng, trách mình không đủ sâu sắc để hiểu chồng, chia sẻ với chồng niềm vui nỗi buồn như cô bồ của anh ta. Có lúc Thu nghĩ: Biết thế, mình cứ lờ cái chuyện anh ta có bồ đi để gia đình, dù không hạnh phúc nhưng vẫn tồn tại như trước.
Thu cứ tưởng cô sẽ sống trong buồn tủi, cô đơn và nuối tiếc như thế mãi. Thế nhưng, thời kỳ “quá độ” đó qua đi khá nhanh.
Thu bất ngờ nhận ra cô thật hạnh phúc khi được làm những gì mình muốn nhưng không thể, hay nói đúng hơn là không dám trong suốt 10 năm qua. Cô bắt đầu tận hưởng cuộc sống mà không phải nơm nớp lo người đàn ông của cô có bằng lòng hay không. Thu kết nối, gặp lại những người bạn cũ. Rồi cô tham gia một tổ chức thiện nguyện giúp đỡ trẻ em nghèo miền núi, điều mà trước đây chồng cô (giờ là chồng cũ) thường mỉa mai và cấm đoán. Ngược lại, cô cũng nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ của nhiều người bạn mới.
Cũng có người đàn ông khác đến với Thu, ân cần quan tâm, chăm sóc cho cô. Đã lâu lắm Thu mới có cảm giác được người khác quan tâm, chăm sóc như vậy. Thế nhưng, Thu chưa vội. Cảm giác tự do vẫn là thứ mà cô thấy thật đáng quý trong lúc này.
"Hóa ra, bị chồng bỏ chưa hẳn đã là không may" - Thu mỉm cười tự nghĩ khi thấy ngay cả đứa con gái của cô cũng trở nên vui vẻ hơn khi không còn phải chứng kiến mẹ ngày ngày đau khổ, lầm lũi như cái bóng trước mặt chồng hay những trận cha chửi mắng mẹ thậm tệ.
Ý kiến bạn đọc