(VnMedia) - Cuộc đời mỗi con người ai cũng có những kỷ niệm khó quên. Và kỷ niệm về ngày ra đi của Bác Hồ sẽ còn mãi trong trái tim mỗi người con đất Việt. Với tôi, khi ấy, dù còn thơ bé chưa hiểu được gì nhiều, nhưng cũng đã cảm nhận được tình thương vô bờ mà Bác đã giành cho mỗi con người Việt Nam, trong đó có tôi.
Tôi còn nhớ như in về một ngày tháng 9 năm 1969, ngày mà Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo cho cả nước biết tin Bác Hồ mất.
Lúc đó tôi mới học lớp 1, như mọi trẻ em bình thường khác, tôi không phải là người dậy sớm nhất nhà, vì vậy tôi không được nghe tin báo từ Đài phát thanh. Vừa ngủ dậy, thấy mẹ tôi nói trong nước mắt: “Bác Hồ mất rồi con ạ”. Tôi bàng hoàng và ngạc nhiên: “Bác Hồ sao mà mất được?” Đối với trẻ con chúng tôi khi đó, Bác Hồ không thể như người thường, Bác vĩ đại lắm, làm sao lại chết được? Nhưng khi nghe mẹ tôi giải thích, hiểu là Bác mất thật rồi thì tôi ngồi lặng đi. Tôi vẫn thường tin rằng mình sẽ được gặp Bác Hồ, và vẫn luôn cố gắng học hành và ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ và thầy cô, để được gặp Bác Hồ như người lớn thường nói.
Thế hệ chúng tôi, may mắn từng được nghe Bác đọc thơ chúc Tết trên đài, được sinh ra khi Bác còn sống thì không ai không ước mơ và hy vọng một ngày mình sẽ được gặp Bác. Thế mà nay tôi sẽ không bao giờ có thể gặp Bác Hồ được nữa rồi. Sự thật này khó chấp nhận nổi đối với một đứa trẻ như tôi.
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng tại phố Hàng Than |
Bà tôi ngồi lau nước mắt, hỏi mẹ tôi: “Thế thì liệu ta có thắng được giặc không? Còn chưa giải phóng mà”. Mẹ tôi bảo: “Bác giỏi thế, Bác ra đi sẽ để lại những người khác cũng sẽ giỏi vì học được Bác nhiều. Bác cũng đã bảo là ta sẽ thắng Mỹ”. Mẹ tôi lấy một mảnh vải đen khâu vào miệng túi áo cho mọi người trong nhà, và nói: “Để để tang Bác Hồ”.
Tôi đi ra đường, cả làng tôi mọi người đều đã biết chuyện, gặp nhau ai cũng buồn như chính cha ông mình mất vậy. Người ta nói rằng, thằng T. (bạn học cùng lớp với tôi, có thói quen dậy sớm nghe đài) là người đầu tiên trong làng biết tin Bác Hồ mất, đã khóc ầm nhà gọi bố mẹ và mọi người dậy.Chỉ riêng chuyện thằng T. biết chuyện đầu tiên cũng khiến cả lớp bọn tôi nhìn nó như một vị anh hùng. Người lớn thì không thấy làm gì cả, chỉ túm tụm bên nhau mà nói chuyện về Bác Hồ, người già thì càng khóc nhiều hơn. Mẹ tôi bảo chính quyền xã đang tổ chức cho toàn dân tập trung ra sân kho để nghe truy điệu Bác Hồ (qua Đài). Tất cả mọi người, từ già đển trẻ, đều chung một vẻ mặt buồn không lời gì có thể tả nổi.
Những ngày sau, người ta chen chúc để được đọc báo Nhân dân. Cũng như mọi người, tôi còn nhớ mãi tấm hình in trên báo có chiếc quan tài kính, Bác Hồ nằm trong như đang ngủ, đứng xung quanh là các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước (tôi nhớ có hình các ông Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp – Ông Võ Nguyên Giáp đội mũ), bên trên đầu trang nhất là dòng chữ “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến”. Đó là những hình ảnh in sâu vào tâm khảm của tôi từ nhỏ đến giờ, đã 45 năm, và chắc chắn sẽ mãi mãi không bao giờ phai mờ.
Có những nỗi đau thương vô hạn nhưng đã làm tăng sức mạnh đoàn kết của cả một dân tộc. Khi nghe qua Đài tiếng nói Việt Nam, tiếng ông Tổng Bí thư Lê Duẩn nức nở, nghẹ ngào, mà khí phách quật cường vẫn bừng bừng như lửa cháy: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược..., để thoả lòng mong ước của Người” thì tất cả chúng tôi khi đó đều đã tin rằng, nhất định ngày mai chúng ta sẽ chiến thắng.
Cuộc đời mỗi con người ai cũng có những kỷ niệm khó quên. Và kỷ niệm về ngày ra đi của Bác Hồ sẽ còn mãi trong trái tim mỗi người con đất Việt. Với tôi, khi ấy, dù còn thơ bé chưa hiểu được gì nhiều, nhưng cũng đã cảm nhận được tình thương vô bờ mà Bác đã giành cho mỗi con người Việt Nam, trong đó có tôi. Tôi đã lớn lên, trưởng thành và mang theo suốt đời mình kỷ niệm sâu sắc nhất về Người như vậy, và mỗi lần nhớ lại, tự nhiên lại thấy trong mình như có thêm một sức mạnh lớn lao.
Ý kiến bạn đọc