Hà Nội quản lý cây xanh: Thừa cảm xúc, thiếu chuyên nghiệp!

06:25, 27/09/2014
|

(VnMedia) - Trao đổi với VnMedia, KTS Trần Huy Ánh, hội KTS Việt Nam đã đánh giá, so với cách đây cả trăm năm thì việc quản lý, quy hoạch cây xanh Hà Nội hiện nay đang “thừa cảm xúc mà thiếu chuyên nghiệp”…


>>Xót xa Hà Nội đang mất dần màu xanh
 

- Thưa KTS, cảm xúc của ông như thế nào khi thấy nhiều cây xanh cổ thụ ở Hà Nội liên tục bị chặt hạ?

 

Gần đây, những người yêu mến Hà Nội liên tục chứng kiến cảnh cây xanh trong thành phố bị chặt hạ để phục vụ các mục tiêu phát triển. Đó là việc không ít cây xanh trên đường Láng và tới đây sẽ là cây xanh trên đường Kim Mã, ngay cạnh công viên Thủ Lệ bị chặt hạ phục vụ cho thi công các tuyến đường sắt trên cao.

 

Nhiều người quan tâm tới Hà Nội tự hỏi, vì sao làm cái nọ phải phá cái kia? Có nhiều cách lí giải khác nhau. Người thì bảo phải hi sinh vì tương lai, người lại bảo đây là kế hoạch đã định trước… Tất cả đều rất ồn ào và lại rơi vào quên lãng, để chờ tới một hôm nào cây xanh lại bị chặt phá và dư luận lại tiếp tục xôn xao.


 Ảnh minh họa
 
 
 

 Những cây cổ thụ bị chặt hạ trên đường Láng khiến người dân xót xa

 

Cũng chung cảm xúc của những người yêu Hà Nội, nhưng với vai trò của một Kiến trúc sư (KTS), thì theo tôi, những chuyện bàn thảo về Thành phố vẫn là điều đáng quý. Cho dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, từ nhỏ đến lớn, thì cư dân sinh sống trong thành phố này đều rất có trách nhiệm để lên tiếng, dù đó chỉ là chuyện hàng cây bị mất, hay một ngôi nhà méo mó, xấu xí.

 

Ở khía cạnh trách nhiệm công dân với Thành phố, cuộc đối thoại ấy xảy ra liên tục, tạo sự quan tâm của dư luận là việc vô cùng cần thiết. Tất cả tạo nên một Hà Nội rất đáng yêu: Chúng ta ồn ào vì chuyện đúng chuyện sai, cây ở chỗ nọ bị chặt, hồ ao nơi kia bị lấp, chỗ khác là phát triển đường sá… Nhưng tiếc là cái mà dư luận nhận được sau mỗi đợt phản ứng dường như chỉ là sự im lặng, không có sự giải thích thích đáng, rõ ràng từ phía các cơ quan quản lý chức năng.

 

Thái độ vô cảm này mới là đáng lo lắng, một cách hành xử thiếu tính hợp tác. Và những người có trách nhiệm mà không có sự trả lời một cách tường minh thì trách nhiệm công vụ của họ chưa hoàn thành. Một thành phố không thể cứ ồn àonhững câu hỏi nhưng nhận được trả lời là sự im lặng. Phải có sự đối thoại một cách sòng phẳng. Quá trình ấy càng nhanh, càng sáng tỏ sẽ là động lực phát triển cho thành phố.

 

Lùi xa khỏi những ồn ào, có thể thấy, thành phố này đang thừa cảm xúc và thiếu chuyên nghiệp. Thiếu chuyên nghiệp ngay từ cách đối thoại với nhau để giải thích mọi chuyện một cách dễ dàng. Trước những sự kiện liên quan, xã hội mong đợi từ KTS là các sáng kiến, những gợi ý để những dự án đáp ứng được nhu cầu của tương lai hay thực tại nhưng vẫn duy trì được tình cảm, hình bóng con người đối thoại trong Thành phố. Vai trò của KTS là làm cho quá trình đối thoại ấy trở nên trong sáng và dễ dàng hơn, với các giải pháp để từng vật thể, những không gian quanh nó tích cực hơn. Nhưng đây là điều mà giới KTS chưa làm được.

 

Paris đã có một cuộc canh tân vĩ đại cuối TK 19, mà trong cuộc đổi thay ấy không có hình bóng của KTS. Người thiết kế cho cuộc thay đổi vĩ đại ấy là Haumann, một nhà quản lý. Nhưng xung quanh ông có các trợ thủ đắc lực: thứ nhất là các chuyên gia luật pháp lo phần đối thoại với các bên, dàn xếp lợi ích, giúp các cuộc đối thoại trở nên nghiêm túc và có hiệu lực; Thứ hai là các chuyên gia tài chính, dàn xếp chuyện tiền bạc cho dự án trôi chảy, có thể mua đi bán lại, phát hành trái phiếu, dàn xếp các khoản vay có điều kiện; Thứ ba là kỹ sư công chính về thoát nước, đường sá mà một thành phố văn minh không thể thiếu. Và thứ tư là người làm vườn. Không thấy bóng dáng của KTS. Họ có lẽ xuất hiện đâu đấy trong các giải pháp làm đẹp sau đó, rất quan trọng nhưng không phải là quyết định. Và dễ nhận thấy cây xanh của Paris đã đóng góp đáng kể và bộ mặt Thành phố hoa lệ này.

 

Từ câu chuyện trên nhìn lại, khi một thành phố có quá nhiều cảm xúc, không dựa trên những nền tảng cơ bản về luật pháp, tài chính, kỹ thuật, thì sự thiếu chuyên nghiệp được phản ánh rất rõ ràng.

 

- Vậy theo ông, mật độ cây xanh ở Hà Nội hiện nay so với cách đây nhiều năm thì như thế nào?

 

Về lý thuyết thì đương nhiên, theo thời gian, số cây xanh tại Hà Nội lại tăng theo thời gian. Lý do là bởi hàng năm ngân sách Thành phố chi cho việc trồng cây được giải ngân, các cơ quan chuyên quản - có trách nhiệm thực hiện hoàn thành kế hoạch trồng cây mới... nên về số lượng cây, diện tích tán cây sẽ tăng lên.

 

Còn mật độ cây xanh có tăng nhiều ít thì các cơ quan thực hiện và thống kê sẽ có câu trả lời. Nhưng bằng mắt thường quan sát thì có thể thấy tỷ lệ cây xấu nhiều hơn và cây trồng nhưng không phát triển tăng nhanh hơn cây xanh tốt.

 

Nhìn tổng thể trong 10-20 qua dễ nhận thấy, diện tích mặt nước thảm xanh giảm do đô thị hóa, san nền rộng/hồ ao làm đường xá nhà cửa tăng đột biến nhưng cây trồng bù lại không tăng tương ứng, các dự án bất động sản bỏ hoang thì lấy đâu ra chi phí trồng cây và duy tu?

 

Còn trong nội đô thì hầu hết các công trình mới xây đều tìm nhiều cách để chặt hạ cây, tăng diện tiếp xúc mặt đường, cây trồng lại thì nhỏ và bị chết nhiều; cây xấu phổ biến… Chúng ta chưa từng thấy ngành quản lý cây xanh công bố dự án trồng cây trong phố nào thành công về mặt thẩm mỹ, sinh thái.

 

Trước cửa nhà tôi có cái cây trồng đến 5 lần vẫn gẫy, thế là tôi lên chợ Bưởi mua cây bàng về trồng. Cây sống cao, bóng mát tỏa rộng, sống khỏe suốt 15 năm. Đến năm 2013, có cây xà cừ từ đầu phố bị mưa bão bật gốc đổ vào gẫy luôn, giờ trồng lại không được vì nhà hàng xóm đã kịp thời trồng thế vào đó cột đèn đường sắt (thay cho cột đèn cũ chắn lối vào nhà cao tầng mới xây).

 

Tôi thấy trong ảnh Hà Nội cũ trồng cây trên phố Ngô Quyền cách đây 100 năm, họ chở bằng xe bò kéo từ vườn ươm cây của Thành phố những cây dài 6-7m, đường kính lớn để trồng hai bên đường, đường làm xong thì cây cũng đã ngay ngắn, khỏe mạnh đẹp đẽ. Trong khi đó, hàng cây sao trên phố Lò Đúc được mọi người khen nức nở nhưng khi nó già và chết, ngành cây xanh chặt đi và không công bố sẽ thay nó bằng cây gì, mà nếu có thay thì thay cây chỉ cao chừng 2-3 m bằng cổ tay, thay cho cây đã gãy vốn rất to, hai người ôm mới đủ.


 Ảnh minh họa

  Trồng cây trên phố Ngô Quyền cách đây hơn 100 năm, những cây mới được đem trồng phải là những cây đã khá cao lớn

 Ảnh minh họa

Nên sau khi đường làm xong, cây đã sống khỏe mạnh, vươn cao

 

- KTS nhận xét gì về cách mà các cơ quan quản lý của Hà Nội đang ứng xử với cây xanh?

 

Thừa cảm xúc mà thiếu chuyên nghiệp, đó là điều mà tôi có thể khẳng định. Tôi đã đi vài hội thảo do ngành cây xanh tổ chức, phần lớn là những nội dung đâu đâu mà thiếu sự chuyển biến về kỹ thuật quản lý tiên tiến hay những nghiên cứu phát triển về kỹ thuật, nghệ thuật cây xanh đô thị có tính đột phá.

 

Hà Nội là Thành phố xanh - nhiều người nói như vậy, nhưng ít ai cho hay 100 năm trước đây Hà Nội bắt đầu được trồng cây xanh trong Thành phố như thế nào. Vườn cây trồng có quy hoạch đầu tiên có lẽ là Vườn Bách Thảo – một vườn cây xuất hiện sớm hơn đường phố cả chục năm, từ cuối Thế kỷ 19. Chính phủ Đông Dương đã giao Brousmiche, một dược sĩ hải quân biệt phái về Sở Nông Lâm nghiên cứu và làm tờ trình xây dựng, khởi công năm 1890, hoàn thành năm 1902 và liên tục sửa sang mở rộng.

 

Tại đây, có tới 3000 loại thảo mộc, đa số là loại cây nhập khẩu từ nước ngoài: cây công nghiệp, nông nghiệp, cây cảnh, cỏ nuôi gia súc, cây có tầm vóc lớn và nhỏ, các loại hoa đẹp… Thời gian đầu định mở tại đây một trường đào tạo công nhân và đốc công cho các nhà trồng trọt đồn điền Pháp, sau đó chỉ còn là vườn thí nghiệm cây nước ngoài di thực.

 

Năm 1896, Vườn Bách Thảo có đợt mở rộng lớn và tổ chức một cuộc đấu xảo nông nghiệp. Những làng chung quanh Vườn Bách Thảo (Ngọc Hà, Hữu Tiệp) cũng nhờ tiếp nhận cây giống, kỹ thuật mới mà hình thành pháttriển nghề trồng hoa bán trong phố.

Hội chợ triển lãm 1902 được xây dựng trên nền hồ ao ruộng trũng trước cửa Ga Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Hữu Nghị). Ngay từ ý tưởng thiết kế đã chủ định trang trí bằng cây cối. Trưởng ban tổ chức là Kỹ sư Lâm nghiệp Paul Thomé, Giám đốc Nha Nông lâm Đông Dương, cộng sự của ông là Giám đốc Nông nghiệp Bắc Kỳ Jacquet, đã liên hệ với nhiều quốc gia để đem về đây nhiều giống cây. Vì thế, Java gửi cho bộ sưu tập hiếm hoi những giống cây cho nhựa và cao su; Madagasca cung cấp loại phong lan lạ, và Bách thảo cũng đem đến các giống cây công nghiệp… Sự thành công thiết kế cây xanh Nhà đấu xảo, vườn Bách Thảo tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa trên khắp thành phố và Hà Nội – thành phố cây xanh đã được hình thành.

 

- Trước thực trạng Hà Nội đang chặt đi rất nhiều cây để mở đường hay xây dựng những khu đô thị mới, theo ông Hà Nội nên rút ra kinh nghiệm gì và nên làm như thế nào để không ảnh hưởng đến vốn quý đã có cả trăm năm của Thủ đô?

 

Theo tôi, nên công khai minh bạch các kế hoạch, quy hoạch trồng mới hay chặt bỏ, thay thế cây xanh..., ngoài ra, cũng nên đấu thầu rộng rãi để các thành phần kinh tế cùng tham gia thiết kế/duy tu/bảo dưỡng/đầu tư cây xanh đô thị. Còn như hiện tại thì chất lượng cây xanh đô thị rất khó có hy vọng sẽ được cải thiện.

 

Hà Nội hôm nay mở rộng hơn xưa nhưng vẫn thiếu vắng những đường phố có thiết kế cây xanh bài bản, được nghiên cứu, thực nghiệm nghiêm túc bởi những chuyên gia. Cây đã có và đang trồng thì thiếu những công cụ cần thiết để quản lý/giám sát/đánh giá hiệu quả. Tôi cũng chưa từng thấy Thành phố công bố Bản đồ quản lý cây xanh Hà Nội, và như vậy, vẫn ở tình trạng thiếu chuyên nghiệp.

 

Để cây xanh Hà Nội được bảo vệ, phát triển một cách hữu hiệu thì rõ ràng cảm xúc chưa đủ mà cần thiết có một định chế quản lý tài sản công cộng, với sự tham gia giám sát của xã hội và Kiến trúc sư hay chuyên gia cây xanh đều có cơ hội đóng góp một cách tích cực nhất.

 

- Xin cảm ơn ông!


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc