Hà Nội: Bùng nhùng bồi thường nhà nguy hiểm

06:24, 05/09/2014
|

(VnMedia) - Sau 6 năm người dân di dời khỏi nhà nguy hiểm C1 Thành Công, phương án bồi thường vẫn chưa hoàn toàn tìm được sự đồng thuận của các hộ dân. Trong khi đó, Chủ đầu tư mong muốn được tái khởi động dự án vào cuối năm nay.
 
Đầu tháng 11/2008, sau trận lụt lịch sử của Hà Nội, nhà chung cư cũ C1 Thành Công đã rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm, có thể sập bất cứ lúc nào sau hơn 30 năm sử dụng. Trước tình trạng đó, Thành phố đã yêu cầu phải khẩn trương di dời người dân đến nơi ở tạm để xây dựng lại.
 
UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản giao Tổng Công ty Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) đầu tư dự án nhà ở kết hợp văn phòng cho thuê cao 17 tầng để tái định cư tại chỗ cho người dân.
 
Tuy nhiên, đến nay sau 6 năm, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư vẫn chưa hoàn toàn tìm được sự đồng thuận của các hộ dân tại chung cư nguy hiểm này và việc xây dựng lại tòa chung cư này hiện vẫn đang dậm chân tại chỗ.
 
Theo Chủ đầu tư thì Hà Nội khi quyết định giao dự án cho Cienco 1 đã yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành dự án trong vòng 2 năm để ổn định tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, đang trong quá trình triển khai các bước để xin giấy phép thì Chính phủ có quyết định dừng thi công các dự án cao tầng tại 4 quận nội đô nên việc xin giấy phép cho dự án buộc phải dừng lại. Sau đó, để công trình sớm hoàn thiện và bàn giao tái định cư, Sở Xây dựng đã ký quyết định cho phép Cienco 1 được thi công phần cọc nhồi trước.
 
Cách đây vài ngày, ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Cienco 1 (đại diện cho 4 nhà đầu tư là chủ đầu tư thực hiện dự án phá dỡ, xây mới nhà chung cư nguy hiểm C1 Thành Công) đã có báo gửi lên UBND quận Ba Đình về tình hình triển khai dự án này. Theo đó, hiện nay có 75 trên tổng số 110 hộ gia đình đã đồng ý theo phương án đã được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Ba Đình phê duyệt (chiếm tỷ lệ trên 2/3).
 
Trong số còn lại, có 26 hộ gia đình vẫn tiếp tục không đồng ý với phương án đã được Hội đồng phê duyệt, chiếm tỷ lệ 23,6%. Theo nhận định của Tổng Công ty, các hộ này phần lớn ở tầng 1 và một số hộ ở tầng 2 sau khi tầng 1 bị lún đã tràn xuống chiếm đất lưu không, có diện tích hợp pháp nhỏ hơn hoặc bằng 10m2.
 
“Những hộ này do chia tách thành 2 hoặc 3 ki ốt để kinh doanh nên khi Thành phố tổ chức di dời đã dược bố trí tạm cư ở những căn hộ lớn có diện tích từ 60-80m2, hiện đang coh thuê với giá cao nên muốn kéo dài thời gian để hưởng lợi riêng, không vì mục tiêu chung của cộng đồng dân cư và quyết định của Thành phố.” – báo cáo của Tổng Công ty Công trình Giao thông 1 do ông Trần Đức Thắng ký nhận định.
 
Ngoài ra, ông Thắng cũng cho biết, hiện còn 9 hộ gia đình không nhận phương án.

Ảnh minh họa

Do không đồng thuận về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư nên nhiều hộ dân vẫn "cố thủ" trong những khu nhà nguy hiểm như thế này nên việc cải tạo, xây lại là vô cùng khó khăn


“Căn cứ vào hồ sơ pháp lý đầy đủ và nguyên tắc dân chủ, đồng thuận của dự án khi đại đa số các hộ dân trực tiếp nhất trí phương án đã phê duyệt có nguyện vọng sớm được trở lại tái định cư và văn bản kiến nghị của các tổ chức, đoàn thể nhà C1 Thành Công hiện đang tạm cư tại nhà N06 Dịch Vọng, Tổng Công ty Công trình Giao thông 1 đề nghị UBND quận Ba Đình và Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Ba Đình ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ gia đình nhà C1 Thành Công.” – ông Trần Đức Thắng kiến nghị.
 
Chủ đầu tư dự án cải tạo, xây mới nhà C1 Thành Công cũng đồng thời đề nghị UBND quận Ba Đình và Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Ba Đình có giải pháp quyết liệt đảm bảo điều kiện an toàn cho Chủ đầu tư tái khởi động thi công dự án vào đầu Quý IV/2014 và hoàn thành tái định cư vào Quý IV/2016.
 
Vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư để xây dựng lại những tòa nhà chung cư cũ hiện vẫn đang là vấn đề phức tạp, là trở ngại lớn trong việc xây dựng lại những tòa chung cư cũ của Hà Nội, mà ngoài nhà C1 Thành Công thì khu tập thể Nguyễn Công Trứ hay nhà C8 Giảng Võ là những ví dụ cụ thể, rõ ràng nhất.
 
Liên quan đến vấn đề này, lợi ích 3 bên (Nhà nước - nhân dân - doanh nghiệp) khó cân đối, trong khi trách nhiệm lại không quy rõ ràng, chưa kể chính sách thiếu thống nhất dẫn đến tiến độ các dự án cải tạo chung cư cũ không có bước tiến đáng kể cũng chính là thông tin được đưa ra trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng với UBND TP Hà Nội chiều 12/8 vừa qua.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật quy định về chất lượng, an toàn công trình; xây dựng cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực cải tạo các nhà chung cư cũ. Bộ và Thành phố sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ xem xét lại quy định về tầng cao công trình; ưu tiên tái định cư tại chỗ cho nội đô và lựa chọn các doanh nghiệp có kinh nghiệm và tài chính để tham gia xây dựng.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc