Đèo Cả "minh oan" cho nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng

14:05, 25/09/2014
|

(VnMedia) - Trước dư luận trái chiều về việc nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng có "chân" trong HĐQT Công ty CP đầu tư Đèo Cả là không phù hợp với quy định của Chính Phủ, Công ty CP đầu tư Đèo Cả đã chính thức lên tiếng "thanh minh" cho ông Hồ Nghĩa Dũng.

Theo thông cáo báo chí do Công ty CP đầu tư Đèo Cả phát đi vào cuối giờ chiều qua (24/9), gần đây, một số cơ quan báo chí đăng bài viết về việc nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng tham gia HĐQT Công ty CP đầu tư Đèo Cả là không phù hợp với Nghị định 102/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

"Sau khi có thông tin phản ánh, HĐQT Công ty CP đầu tư Đèo Cả đã họp và thống nhất để ông Hồ Nghĩa Dũng thôi làm thành viên HĐQT độc lập. Lãnh đạo Công ty CP đầu tư Đèo Cả nhận thức sâu sắc đã không xem xét kỹ các khía cạnh của pháp luật khi mời ông Hồ Nghĩa Dũng tham gia vào HĐQT, khiến dư luận đánh giá không tốt, dễ suy diễn theo hướng tiêu cực về quá trình công ty triển khai dự án. Chúng tôi thành thật nhận khuyết điểm và xin lỗi người dân", thông cáo báo chí viết.

Theo Công ty CP đầu tư Đèo Cả, dự án Đèo Cả được Bộ GTVT đồng ý cho phép lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 3/2001. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp về quy mô và kỹ thuật, và lại có nguồn vốn đầu tư quá lớn nên không có khả năng thực hiện.

Sau khi các nhà đầu tư trước đây lần lượt rút lui, đến năm 2010 liên doanh các nhà đầu tư mới đã đề xuất thực hiện dự án này và được Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng phê duyệt tại Quyết định số 2860/QĐ-BGTVT ngày 5/10/2010, trên cơ sở hồ sơ dự án do Tư vấn Egis Bceom International (Pháp) lập vào tháng 10/2011.

Sau đó, dự án được Bộ trưởng Đinh La Thăng ký Quyết định số 47/QĐ-BGTVT  ngày 6/1/2012 phê duyệt dự án Đèo Cả theo hình thức BOT và BT (chứ không phải là Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng phê duyệt như một số tờ báo thông tin).

 Ảnh minh họa

 Hầm đường bộ Đèo Cả đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Internet

Theo Công ty CP đầu tư Đèo Cả, quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn do khả năng thu xếp vốn của ngân hàng Pháp, các yêu cầu bảo lãnh vay vốn từ Chính phủ, lựa chọn nhà thầu Pháp thực hiện hình thức EPC (chìa khóa trao tay)… kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ, giá thành của dự án… nên Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo tiến hành thu xếp vốn trong nước và sử dụng nhà thầu có năng lực của Việt Nam, không thực hiện hình thức hợp đồng EPC với nhà thầu nước ngoài nữa. Do vậy, toàn bộ hồ sơ dự án, phương án tài chính đã phải làm lại. Bởi vậy, việc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý sau này không liên quan đến nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng.

“Để triển khai dự án này một cách an toàn và hiệu quả nhất, chúng tôi không chỉ mời nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tham gia dự án với vai trò thành viên HĐQT độc lập (không hề góp vốn), cố vấn dự án mà còn mời nhiều chuyên gia khác như: PGS.TS Trần Chủng, TS Nguyễn Thế Phùng, TS Hoàng Tùng… Bản thân ông Hồ Nghĩa Dũng nhận lời tham gia với vai trò cố vấn, thành viên HĐQT độc lập cùng với các chuyên gia khác là do tâm huyết, muốn góp trí tuệ, kinh nghiệm cùng Cty Đèo Cả thực hiện một mô hình mới, có sự hợp tác công - tư để xây dựng một công trình lớn, có lợi cho đất nước, chứ không hề vì mục đích kinh tế”, thông cáo báo chí của Công ty CP đầu tư Đèo Cả nêu rõ.

Theo thông tin từ đơn vị này, đến nay, sau hơn một năm triển khai, dự án được Bộ trưởng Đinh La Thăng trong lần kiểm tra hồi tháng 8/2014 đánh giá tốt cả về tiến độ và chất lượng thi công. Hiện toàn bộ việc triển khai dự án do các nhà thầu trong nước thực hiện.

Theo Công ty CP đầu tư Đèo Cả, nhờ vào việc thiết kế lại hướng tuyến, áp dụng biện pháp thi công mới đã tiết giảm được hơn 3.000 tỷ đồng. Do vậy, công ty đã được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tín nhiệm, đề nghị Chính phủ đồng ý cho công ty dùng số tiền tiết giảm tại dự án này để đầu tư tiếp dự án hầm Cù Mông (Bình Định-Phú Yên).

“Việc Công ty CP đầu tư Đèo Cả tham gia đầu tư dự án theo hình thức BOT là thực hiện lời kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa của Đảng, Chính phủ, nhằm thực hiện thành công ba đột phá chiến lược (trong đó có đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông) mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đặt ra. Qua sự việc này, chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc và xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, góp ý của cơ quan báo chí. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan báo chí để dự án được triển khai chất lượng, đúng tiến độ”, thông cáo báo chí nhấn mạnh.

Dự án trọng điểm quốc gia hầm đường bộ qua Đèo Cả do Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (Cty Đèo Cả) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 15.603 tỷ đồng. Dự án có chiều dài hơn 13,4 km qua Đèo Cả và Đèo Cổ Mã, thuộc địa phận 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.

Dự án được khởi công vào cuối năm 2012, đến nay đang triển khai thuận lợi, tiến độ được đảm bảo, thậm chí có hạng mục còn rút ngắn thời gian thi công đến 6 tháng như: hầm Cổ Mã sẽ thông vào tháng 10 năm nay, được lãnh đạo Bộ GTVT biểu dương. Dự kiến đến năm 2017 toàn bộ dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc