(VnMedia) - Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, đang tổ chức xây dựng đề thi quốc gia với định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014 theo hướng đánh giá năng lực người học ở cả 4 mức độ...
Xung quanh những thắc mắc của phụ huynh, học sinh về cách thức tổ chức kỳ thi quốc gia THPT, đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, quá trình xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, cùng với khảo sát đánh giá đúng hiện trạng thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ ở nước ta thời gian qua; Bộ GDĐT đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này từ mô hình tổ chức thi, quy trình thực hiện, cách thức sử dụng kết quả (Một số nước điển hình như: Hoa Kỳ, LB Nga, Phần Lan, Pháp, Áo, Ai len, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc...).
Dự thảo phương án tổ chức Kỳ thi quốc gia cũng đã được tham khảo ý kiến của các lãnh đạo sở GD&ĐT, các trường ĐH, các chuyên gia, các phóng viên báo chí trước khi hoàn thiện dự thảo và công bố để xin ý kiến rộng rãi.
Sau khi công bố dự thảo phương án, Bộ GD&ĐT tiếp tục tham khảo ý kiến trên diện rộng với các nhóm đối tượng chính gồm: Giám đốc các sở GD&ĐT, Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ; Cán bộ chuyên trách Phòng Khảo thí và lãnh đạo các Sở GD&ĐT; Các trường ĐH, CĐ; Giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh các trường THPT trong cả nước thuộc 63 Sở GD&ĐT và Cục Nhà trường và một số chuyên gia...
”Kết quả thăm dò đã được tổng hợp và phân tích khách quan, là một căn cứ quan trọng để Bộ GD&ĐT quyết định phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015”, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định.
Theo đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua, nhất là năm 2014 đã được dư luận xã hội đánh giá cao. Để đảm bảo không gây “sốc” cho thí sinh, giáo viên, phụ huynh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo không yêu cầu giáo viên và học sinh phải thay đổi quá nhiều về dạy và học.
Tuy nhiên, với cách tiếp cận mới nên kỳ thi sẽ có những đổi mới căn bản về mục đích và tác động tích cực đối với dạy học ở các trường phổ thông. Cụ thể là, tổ chức một Kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây.
Theo đó, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy học, được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT sẽ được xem xét miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp.
Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn còn lại phù hợp với phương án của các trường ĐH, CĐ để có thêm cơ hội vào học ở các trường; thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ cần đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.
Theo đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, hiện nay Bộ GD&ĐT đang tổ chức xây dựng đề thi kỳ thi quốc gia với định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng đánh giá năng lực người học ở cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.
|
Học sinh THPT thi tốt nghiệp. Ảnh: Internet |
Việc tự chọn môn thi là phù hợp với chương trình thực tế
Trước lo ngại về việc, ngoài 3 môn thi bắt buộc, thí sinh được chọn một môn thi khác trong số các môn tự chọn sẽ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành đã thực hiện phân ban kết hợp với tự chọn, nên việc cho học sinh tự chọn môn thi là phù hợp với chương trình và tình hình thực tế.
Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, việc kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn thi tối thiểu với điểm học tập trung bình lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp, đảm bảo học sinh “học gì, được đánh giá nấy”, khuyến khích học sinh phải học đều để đạt yêu cầu đối với tất cả các môn, nhất là ở lớp 12 để tốt nghiệp THPT và có hồ sơ dự tuyển đại học tốt.
Từ đó, trên cơ sở đạt yêu cầu đối với tất cả các môn, học sinh chú trọng hơn vào các môn theo năng lực, sở trường của mình, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học có thêm căn cứ để tuyển thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo và yêu cầu chất lượng của trường;
"Việc đưa vào các môn tự chọn là giảm áp lực cho các thí sinh, đồng thời phù hợp với thực tế học tập ở bậc THPT, là giải pháp phù hợp chủ trương định hướng nghề nghiệp bước chuẩn bị cho việc sẵn sàng tham gia thị trường lao động hoặc học tập của các em ở các bậc học sau", Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định.
Trước quy định, những học sinh, học viên không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Vậy như thế nào là điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học? Việc này sẽ được thực hiện như thế nào? Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nhật. Những học sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, thí sinh được chọn môn thi thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Điều kiện dạy học không đảm bảo thể hiện ở các khía cạnh chính như sau: Giáo viên dạy môn Ngoại ngữ thiếu hoặc chưa đạt chuẩn, năng lực ngoại ngữ và phương pháp dạy học; việc thực hiện chương trình không liên tục; do học sinh chuyển trường nên phải học đổi môn Ngoại ngữ; nhà trường ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trang thiết bị dạy học, thực hành tiếng chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học...
Những thí sinh học Ngoại ngữ trong điều kiện như trên sẽ được tự chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ. Những nhà trường chưa đủ điều kiện cần tập trung cố gắng để nhanh chóng đáp ứng điều kiện tối thiểu dạy học ngoại ngữ để học sinh được dự thi ngoại ngữ trong các năm sau.
”Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong quy chế thi và các văn bản hướng dẫn tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. Giám đốc sở GD&ĐT báo cáo Bộ GD&ĐT để quyết định việc không bắt buộc thi môn Ngoại ngữ đối với thí sinh của các trường thuộc phạm vi quản lý”, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Ý kiến bạn đọc