(VnMedia) - Những cơn bão mạnh luôn là nỗi lo lắng của hàng vạn người, nhất là những người ở các tỉnh ven biển. Tuy nhiên, những thiệt hại do hoàn lưu bão gây mưa và sạt lở đất và lũ quét mới thực sự là mối nguy hiểm khôn lường.
Đơn cử như cơn bão số 3, được dự báo là có cường độ rất mạnh sẽ đổ vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Trước dự báo đó, công tác phòng chống bão đã được chuẩn bị khẩn trương và chu đáo. Do vậy, dù bão mạnh nhưng thiệt hại trong bão không lớn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có mưa to, gió lớn gây sạt lở tại nhiều khu vực và đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người.
Vào hồi 1 giờ15 phút ngày 17/9, tại khu Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng do sạt lở đất đã vùi lấp một nhà trọ có 11 người đang ngủ là lao động bốc vác hàng hóa tại khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị.
Ngay sau khi xảy ra sự việc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hữu Nghị, Công an huyện Cao Lộc, Công an đồn Đồng Đăng, UBND thị trấn Đồng Đăng đã huy động 60 chiến sĩ, dân quân khẩn trương tìm kiếm đưa các nạn nhân đi cấp cứu tại Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Đăng. Do bị bùn đất vùi lấp nên đã có 6 người chết và 5 người bị thương.
Cũng do ảnh hưởng của bão số 3, lúc 4 giờ ngày 17/9, tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, một nhà đã bị sập đổ làm cháu Hà Thị Tâm, sinh năm 2009 thiệt mạng và mẹ là Lâm Thị Ngọc, 30 tuổi bị thương nặng, hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
Cũng trong ngày hôm qua, tại huyện Bình Gia, cháu Nông Thị Bảo Xuyến, sinh năm 2005 trú tại thôn Nà Dài, xã Tân Văn, học sinh lớp 3 bị nước lũ cuốn trôi; nâng tổng số người chết trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 8 người và bị thương 6 người.
Mưa lũ và sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng sau bão |
Cứ đến mùa mưa bão là người dân cả nước lại phấp phỏng trước sự đe dọa của những cơn bão lớn. Tuy nhiên, trên thực tế thì thiệt hại do mưa lũ và sạt lở đất sau bão còn nguy hại hơn nhiều, trong đó đặc biệt là các sự cố sạt lở đất đang ngày càng phổ biến
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, từ năm 2000 – 2014 đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 646 người, bị thương gần 351 người; ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, tổng thiệt hại ước tính 3.300 tỉ đồng.
Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, ngoài thiệt hại do bão số 3 vừa qua thì hoàn lưu bão số 2 và mưa lớn cũng đã gây ra các trận lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn các tỉnh miền núi (Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La...) làm chết và mất tích 32 người trong đó có 2 gia đình ở thị trấn Tam Đường và huyện Hoàng Su Phì bị thiệt mạng tới 5 người trong nhà.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng cho biết, thông thường, mưa lũ sau bão gây thiệt hại nặng nề nhất chứ không phải là bão. Trong khi đó, lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xảy ra ở các địa phương miền núi ở Việt Nam và khó dự báo chính xác. Vì vậy, công tác phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất phải tập trung theo hướng phòng là chính. Tuy nhiên, phần lớn người dân còn tâm lý chủ quan, làm nhà ở ven các sông, suối, gây ách tắc dòng chảy, tranh thủ vớt củi trong lũ… nên số người chết do lũ cao.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất năm 2014, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc cho biết, Bộ TN&MT đã có kết quả điều tra, đánh giá và phân vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở một số tỉnh: Bắc Kạn, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ. Theo báo cáo, có tới 10.266 điểm có nguy cơ sạt lở đất và 2.110 điểm có nguy cơ có khối lượng trượt lớn, rất lớn tại 10 tỉnh nói trên.
Ý kiến bạn đọc