Ca sĩ Hồng Nhung sốc trước hiện trường tội ác

07:03, 16/09/2014
|

(VnMedia) - Chỉ sau 15 phút di chuyển bằng máy bay trực thăng vào sâu bên trong Vườn quốc gia Kruger, Nam Phi, Hồng Nhung đã tận mắt chứng kiến thực tế nghiệt ngã của nạn buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp.

 

Điều mà cô nhìn thấy là xác một cá thể tê giác đã bị những kẻ săn trộm bắn chết, chặt mất sừng và bỏ lại trong bụi rậm. Một cán bộ kiểm lâm của đội chống săn trộm ưu tú chỉ rõ cách mà bọn săn trộm chặt sừng tê giác tàn nhẫn như thế nào, chúng chặt sừng ngay cả khi tê giác vẫn còn sống.


Ảnh minh họa

Máy bay đưa Hồng Nhung đến hiện trường tê giác vừa bị sát hại

Ảnh minh họa

Cô là người đầu tiên tiếp cận hiện trường


 

Hồng Nhung có mặt tại Nam Phi với tư cách là một đại biểu của đoàn Việt Nam sang Nam Phi tìm hiểu nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi và những hậu quả của nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam .

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

Hồng Nhung chết lặng bên xác tê giác vừa bị chặt sừng. Cô không nén nổi cảm xúc trước cảnh tượng đau lòng


“Tôi cảm thấy cực kì sốc trước cảnh tê giác bị sát hại dã man và bị chặt mất sừng, những dòng máu đỏ tươi vẫn còn chảy, thấm đẫm vào cát trắng. Đây là một hiện trường tội ác ghê ghớm nhất mà tôi từng chứng kiến trong cuộc sống. Trước khi nhìn thấy cảnh tượng đau buồn này, tôi đã có cơ hội được nhìn ngắm tê giác trong tự nhiên, uống nước bên bờ suối, có cả tê giác bố mẹ và tê giác con.

 

“Có lẽ chỉ hai ngày trước đây thôi thì cá thể tê giác xấu số này vẫn sống bình thường còn… đến bây giờ thì hoàn toàn là một xác chết. Bản thân tôi được chứng kiến những cảnh tượng đau lòng đó, nhưng có rất nhiều người Việt Nam không hề biết tới hậu quả của việc mua bán, tiêu thụ sừng tê giác.

 

“Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm cần phải truyền tải những thông tin chân thực nhất tới công chúng Việt Nam để mọi người có thể hiểu và cảm nhận được sự khốc liệt của nạn thảm sát tê giác này”, Hồng Nhung bày tỏ quan điểm, khi cô nhìn xuống con vật không còn sự sống.”


Ảnh minh họa

Hồng Nhung tận mắt nhìn xác cá thể tê giác xấu số

 

Xác cá thể tê giác được các cơ quan chức năng của Vườn quốc gia Kruger phát hiện là cá thể tê giác thứ 758 bị giết hại trong năm nay tại Nam Phi.


Ảnh minh họa

Hồng Nhung vẫn không thể rời mắt khỏi xác cá thể tê giác xấu số khi rời khỏi hiện trường

 

Khi phái đoàn rời khỏi hiện trường nơi tê giác bị sát hại, Hồng Nhung nhìn về phía xác cá thể tê giác từ buồng lái của máy bay trực thăng. Những luồng gió mạnh từ cánh quạt máy bay thổi tung bụi mù làm mờ đi hình ảnh tê giác bị giết hại, nhưng có lẽ những hình ảnh đau lòng đó sẽ khó phai mờ trong tâm trí của Hồng Nhung. Chị chia sẻ: “làm thế nào tôi có thể xóa mờ những kí ức!? Những gì đang xảy ra với loài vật này thật sự là một thảm kịch. Cần phải chấm dứt nạn thảm sát này. Chúng ta cần thực hiện trách nhiệm của mình ở Việt Nam , đó là hãy xóa bỏ nhu cầu tiêu thu sừng tê giác ở Việt Nam để không còn cá thể tê giác nào bị giết hại nữa”.

 

Đây là ngày thứ năm trong chuyến làm việc mười ngày của đoàn Việt Nam tại Nam Phi, do Rhinose Foundation, Humane Society International Australia và ENV phối hợp tổ chức. Tham gia chuyến thăm và làm việc còn có đại diện đài truyền hình, nhà báo, cán bộ cấp cao của Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan Việt Nam , và các chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã của ENV.

- GS Nguyễn Lân Dũng: “Sừng tê giác không có tác dụng cương dương mà nó có tác dụng ngược lại là liệt dương nếu uống nhiều. Bên cạnh đó, sừng tê giác có thể bị nhiễm độc nên có thể gây ra nhiễm độc gan. Sừng tê giác không có khả năng chữa được bệnh ung thư như người dân đồn đại. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học về sừng tê giác nhưng chẳng ai tìm ra được tác dụng chữa hay phòng ngừa ung thư của nó. Trong khi đó, đã có rất nhiều trường hợp sử dụng sừng tê giác để chữa ung thư những vẫn tử vong nhanh chóng”.

- Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, sừng tê giác do chất keratin (chất sừng) tạo ra, tương tự như thành phần cấu tạo của móng tay. Hơn thế nữa, theo các bác sĩ đông y, hầu hết sản phẩm được cho là sừng tê giác đang có mặt trên thị trường đều là hàng giả. Tổ chức Bảo vệ các loài hoang dã quốc tế cũng khuyến cáo, sừng tê giác chủ yếu được cấu tạo bởi chất sừng, cũng như thành phần của tóc và móng tay con người.

 

- Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc cơ quan Quản lý Cites Việt Nam : “Việt Nam đã mang tiếng là quốc gia sử dụng sừng tê giác nhiều nhất thế giới”

- Ở Nam Phi, các nhà bảo tồn đã đưa ra những sáng kiến mới và sáng tạo hơn để ngăn chặn những tên giết trộm tê giác lấy sừng trái phép. Theo đó, thuốc độc sẽ được tiêm vào sừng của những con vật đang có nguy cơ tuyệt chủng này.


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc