(VnMedia) - Sau khi bay thử nghiệm đường bay vàng, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đường bay thẳng qua Lào và Campuchia giảm về cự ly là 85km, về thời gian là 5 phút và lượng nhiên liệu tiêu thụ là 190kg....
>>>>Cách thử nghiệm đường bay vàng quá tốn kém!
Ngày 4/9, Cục Hàng không Việt Nam đã phát đi thông cáo báo chí vềi kết quả bay thử phương án đường hàng không thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất qua không phận 2 nước Lào và Campuchia.
Tại thông cáo gửi các cơ quan báo chí, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai thực hiện đường bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất sử dụng vùng trời Lào và Campuchia nhằm giảm thời gian bay và tiết kiệm chi phí cho các hãng hàng không. Cục HKVN đã phối hợp với Cục Hàng không dân dụng Lào và Uỷ ban Nhà nước về Hàng không dân dụng Campuchia, các cơ quan thực hiện các nội dung công việc cần thiết trong việc tối ưu hóa phương án đường hàng không thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất sử dụng vùng trời Lào và Campuchia.
Ngày 26/8, Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu thiết lập đường hàng không thẳng phục vụ tuyến Hà Nội - TPHCM qua vùng trời Lào và Campuchia. Thành phần Tổ công tác gồm đại diện các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp liên quan trực thuộc Bộ Quốc phòng (Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân) và Bộ Giao thông vận tải (Vụ Vận tải, Vụ An toàn, Cục Hàng không Việt Nam, các Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam, Công ty Hàng không cổ phần Vietjet).
|
Sơ đồ đường bay vàng mà VNA và VietJet Air đã thực nghiệm. |
Vào đêm ngày 3/9 và sáng ngày 4/9, đại diện Tổ công tác cùng với 1 tổ bay của Vietnam Airlines (VNA) và các Thanh tra bay Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện các các nội dung bay kiểm chứng bằng buồng lái giải định (SIM) theo yêu cầu của Tổ công tác.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, các phương án đường hàng không được bay kiểm chứng gồm: Đường hàng không thẳng với mực bay tối ưu (FL350), phương thức bay tối ưu (phương thức cất cánh, tiếp cận, hạ cánh): cất cánh tại sân bay Nội Bài đường CHC11, theo phương thức NOPBI 1A, tiến nhập đường hàng không giả định từ DVOR/DME NOB đến DVOR/DME TSN; đến D14 - R356 TSN vòng trái qua vòng cung D12 TSN tiến nhập vào tiếp cận chót theo phương thức tiếp cận ILSz đường CHC25R vào hạ cánh trong các điều kiện được xây dựng trên các giả định không có ảnh hưởng của: khu vực cấm Hà Nội, khu hoạt động quân sự tại sân bay Thọ Xuân, vùng trời khu vực sân bay Biên Hòa cũng như các hạn chế về hoạt động bay (độ cao bay, quĩ đạo bay, khung mực bay…) trong vùng trời các nước Lào, Campuchia...
Và phương án bay theo đường hàng không hiện đang thực hiện trên thực tế cho chặng Nội Bài - Tân Sơn Nhất (hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam): cất cánh tại sân bay Nội Bài đường CHC11, phương thức VITRA 2A, đường Hàng không W1 đến HAMIN, W10, W1, An Lộc và thực hiện phương thức ILSz đường CHC25R vào hạ cánh.
"Kết quả bay kiểm chứng SIM theo phương án đường hàng không thẳng: tổng quãng đường bay là 643NM (1.191km), thời gian bay là 103 phút (1giờ 43phút), lượng nhiên liệu tiêu thụ là 4.140kg. Kết quả bay kiểm chứng SIM theo phương án đường hàng không hiện tại: tổng quãng đường bay là 689NM (1.276km), thời gian bay là 108 phút (1 giờ 48phút), lượng nhiên liệu tiêu thụ là 4.330kg", Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Phân tích từ hai kết quả trên, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chênh lệch giữa hai phương án: bay theo đường hàng không thẳng giảm về cự ly là 85km, về thời gian là 5 phút và lượng nhiên liệu tiêu thụ là 190kg.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, trao đổi với VnMedia, TS.Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - một trong hai người đề xuất đường bay vàng cho rằng, cách thử nghiệm đường bay vàng từ Hà Nội bay thẳng qua Campuchia đến TPHCM hiện nay quá tốn kém, tiêu tốn 360 triệu đồng. Trong khi đó, nếu thực nghiệm trên sa bàn sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Theo ông Bá, nước ta có nhiều sân bay với nhiều diện tích đang bỏ trống như Bạch Mai, Nước Trong, Lộc Ninh …. Đây là những địa điểm bằng phẳng, được trải thảm bê tông nên có thể làm sa bàn thử nghiệm cho “Chiến dịch đổi mới đường bay” rất tốt .
Ông Bá cho rằng, chỉ cần dùng cọc tiêu đánh dấu vị trí các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Phú Quốc, Cần Thơ …với khoảng cách thu nhỏ tỉ lệ 1/1000 tức (1 mét trên thực địa bằng 1 km thực tế ). Các đường bay vòng hiện tại được sơn vạch đúng theo quỹ đạo hiện tại. Như vậy tất cả các sân bay trên đều đáp ứng diện tích cho một sa bàn lý tưởng mang lại độ chính xác 98% - 99% mà không kém gì SIM .
Ý kiến bạn đọc