Xây cầu vượt sông mới cách cầu Long Biên 75m

08:17, 16/08/2014
|

(VnMedia) - Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất đề xuất xây cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét về phía thượng lưu. Tuy nhiên, Thành phố Hà Nội cần thống nhất phương án trên với các bộ, ngành liên quan để trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Thành ủy Hà Nội vừa thông báo kết luận về việc chọn phương án xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng, thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

Tại thông báo trên, Thành ủy Hà Nội nêu rõ, tuyến đường sắt đô thị số 1 nằm trong Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030. Vì vậy, cầu đường sắt vượt sông Hồng được đặt trong mối quan hệ với cây cầu Long Biên lịch sử, cũng như yêu cầu bảo tồn không gian khu phố cổ, phố cũ và có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong thời gian tới.

Do vậy, Thành ủy Hà Nội cơ bản thống nhất đề xuất vị trí xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét về phía thượng lưu. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cần thống nhất với các bộ, ngành liên quan để trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với việc đồng ý với phương án trên, Thành ủy cũng lưu ý Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội cần trình bày sâu hơn mối quan hệ giữa phương án xây cầu mới với việc bảo tồn cầu Long Biên, xem xét toàn diện các yếu tố như: yêu cầu bảo tồn khu phố cổ, phố cũ, giải pháp khắc phục hạn chế chiều cao thông thủy, bảo đảm thuận lợi giao thông thủy, an toàn đê điều, thoát lũ và sự an toàn của cầu Long Biên.

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội yêu cầu, cây cầu mới phải bảo đảm thẩm mỹ, hài hòa với cầu Long Biên và cảnh quan khu vực. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, triển khai hạng mục công trình cầu mới và chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận cầu Long Biên là di tích quốc gia.

 Ảnh minh họa

 Đồ họa cầu Long Biên mới cách cầu cũ 75 mét.

Cầu lịch sử cũng "suýt" bị xóa sổ

Trở lại số phận của cây cầu lịch sử này cách đây vài tháng. Trung tuần tháng 2 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra 3 phương án xây mới và sửa cầu Long Biên. Phương án 1 là: xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại, di dời chín nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn. Phương án 2 là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp giàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn....

Sau khi được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận của các chuyên gia và người dân về việc đòi phá bỏ cây cầu lịch sử của Hà Nội này. Trao đổi với VnMedia, GS Nguyễn Lân Dũng, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cầu Long Biên cũng như Hồ Gươm gắn liền với tâm tưởng của mọi người về Hà Nội. Do đó, khó có thể nghĩ đến một Hà Nội thiếu Hồ Gươm và cầu Long Biên.
 
"Cây cầu hơn 110 năm tuổi này gắn liền với biết bao kỷ niệm. Từ cuộc rút ra khỏi Hà Nội để bắt đầu cuộc kháng chiến 9 năm, rồi đến những ụ súng dựng ngay trên cầu để bắn thẳng vào phi cơ Mỹ, và hàng chục triệu người đi lại xuôi ngược thường xuyên qua cầu trong trên một thế kỷ. Thế không phải là một di sản quan trọng hay không?. Đụng chạm đến di sản, lại là một di sản thiêng liêng như vậy nhẽ nào không quan tâm đến Luật Di sản?", GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Còn PGS, TS, KST Trần Trọng Hanh, Ủy viên thường vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, Hội KTS Việt Nam cho rằng: "Cầu Long Biên, mặc dù chưa được cấp nào công nhận nhưng đã trở thành di sản trong lòng người Hà Nội. Do đó, giá trị văn hóa tinh thần phải được đặt lên trên công năng giao thông".

Sau hơn 1 tuần đưa ra lấy ý kiến, vấp phải nhiều quan điểm không đồng thuận về 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản kiến nghị UBND Hà Nội giữ lại nguyên trạng cây cầu gắn bó với lịch sử Thủ đô này và xây mới một cầu đường sắt cho tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi cách cầu cũ 30 mét.

Tuy nhiên, sau văn bản trên của Bộ Giao thông vận tải, ngày 26/2 vừa qua, người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội đã chính thức thông báo quan điểm của thành phố liên quan đến việc tôn tạo, sửa chữa cầu Long Biên, theo đó “phải giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”.

“Các phương án cụ thể do cơ quan tư vấn đề xuất vừa qua sẽ còn được bàn bạc và thảo luận. Thành phố Hà Nội luôn có quan điểm nhất quán về việc phải giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”, Người phát ngôn của UBND Thành phố cho biết.

Sau đó, sáng 28/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ. Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đã dành thời gian nghe Bộ Giao thông Vận tải báo cáo về dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi.

Sau phần báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, phát biểu kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các Bộ, Ngành, thành phố Hà Nội sớm thống nhất được quan điểm đối với dự án.

“Tôi thấy bàn về bảo tồn gì mà dỡ đi chỗ khác thì còn gì là bảo tồn nữa. Tổng thống, Thủ tướng Pháp khi sang đây họ cũng mong muốn mình giữ nguyên cầu Long Biên giữ nguyên rồi có gì họ sẽ tài trợ. Chúng ta chỗ nào tốt nhất, hay nhất thì làm thôi, giờ đừng bàn dỡ cầu Long Biên nữa”, Thủ tướng kết luận.

Sau kết luận của Thủ tướng, số phận long đong của cầu Long Biên mới được định đoạt. Mới đây, để bảo tồn cây cầu này, Bộ Giao thông Vận tải đã gửi công văn tới UBND thành phố Hà Nội, thống nhất với đề nghị của UBND thành phố về việc xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật cấp Quốc gia đối với cầu Long Biên trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc