(VnMedia) - Là những người nông dân mỗi tháng được hưởng 400 nghìn tiền “lương hưu”, lẽ ra những người nông dân ở xã Thanh Vân, huyện Thanh Oai phải cảm thấy bằng lòng với hoàn cảnh “hơn người”. Tuy nhiên, vẫn còn đó quá nhiều bức xúc...
>> Hà Nội: Vi phạm hình sự ở xã... nổi tiếng
Như VnMedia đã đưa tin, xã Thanh Vân, huyện Thanh Oai từng được dư luận coi như một xã điểm về mô hình nông thôn mới, với những biểu hiện dân chủ, công bằng. Đặc biệt, lãnh đạo xã còn được ca ngợi như những nhân vật điển hình làm việc vì dân. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi mới đây, kết luận của đoàn giám sát Thành ủy Hà Nội đã đưa ra 3 sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai, lập quỹ và sử dụng tiền bán đất trái phép sai quy định, gây thất thoát, trong đó có cả những vi phạm Bộ Luật Hình sự.
Ngày 27/8, chúng tôi đã tìm về xã này và thật bất ngờ, đằng sau câu chuyện long lanh mà mọi người vẫn được nghe về một thế hệ lãnh đạo “vì dân” lại là những chồng đơn kiện mà người dân ở đây đã gửi đi các cấp suốt nhiều năm qua, về chính những điều mà họ cho là không công khai, minh bạch.
Phấn khởi vì có “lương hưu”
Gặp chúng tôi ngay từ đầu làng, bà Hoàng Thị Yên cười tươi cho biết, hiện bà là người đang được hưởng “lương hưu”, mà bà gọi là “lãi” từ quỹ phúc lợi. Bà Yên cho biết, cách đây khoảng hơn 2 năm, bà được thôn mời đóng tiền vào quỹ phúc lợi để hưởng lương hưu. Lúc đó, bà đóng 4 triệu đồng và được lĩnh mỗi tháng 100.000, gọi là tiền lãi. Số tiền được lĩnh sau đó tăng dần và vài tháng gần đây đã lên đến 400.000đ/tháng (tương đương lãi suất 10%/tháng - PV).
Khi được hỏi có biết nguồn tiền của quỹ này có được phần lớn là do thôn bán đất sai quy định hay không, bà Yên nói ngay “không biết”. Theo bà thì khi cán bộ tới mời tham gia quỹ chỉ nói là nếu đóng tiền vào thì sẽ được hưởng trong khoảng 10 hay 20 năm gì đó. Thấy số tiền đóng cũng không nhiều mà tiền “lãi” khá cao nhưng bà cũng không thắc mắc gì.
Bà Hoàng Thị Yên: "Người ta bảo là của mình lãi được bao nhiêu đấy thì người ta cho mình, người tra trả mình, chứ tôi cũng chẳng biết thế nào" |
“Người ta bảo là của mình lãi được bao nhiêu đấy thì người ta cho mình, người tra trả mình, chứ tôi cũng chẳng biết thế nào. Đầu tiên bảo đóng thì được hưởng 10 năm, song những ai đóng đủ 4 triệu được hưởng 20 năm. Có bà chết rồi người ta cho cỗ áo quan, còn trả đủ tiền mình bỏ ra, đủ tiền vốn, lãi lương mình ăn rồi vẫn bỏ ra tiền vốn. Tôi cũng thấy phấn khởi” – bà Yên nói.
Cũng như bà Yên, nhiều người sinh sống tại thôn Tam Đa cho biết, họ có tham gia quỹ phúc lợi và hiện cũng đang được hưởng lương. Thực tế, toàn xã Thanh Văn hiện đã có 1.423 người tham gia vào Quỹ với mức đóng từ 4 triệu đến 6 triệu đồng và đến nay có trên 670 người tuổi từ 60 trở lên đã được quỹ trả “lương hưu” 400 nghìn đồng mỗi tháng. Người dân ở xã Thanh Vân cho rằng khoản tiền này giúp họ đảm bảo cuộc sống tuổi già, khi biết rằng việc lập quỹ bằng tiền bán, chuyển nhượng đất trái phép là sai phạm, người dân vẫn mong quỹ được duy trì hơn là việc trả lại họ khoản tiền đã đóng.
“Tôi đóng 4,8 triệu và được hưởng mỗi tháng 400 nghìn đồng. Số tiền này không nhiều, nhưng tôi mong rằng nếu được như thế mãi thì chúng tôi già rồi, chúng tôi chẳng làm gì được thì chúng tôi mong được hưởng như thế.” - bà Vũ Thị Phương, 65 tuổi nói.
Hầu hết những người hưởng "lương hưu" khi được hỏi đều cho biết, họ mong muốn các cấp chính quyền và Thành phố tiếp tục tìm biện pháp tháo gỡ để quỹ phúc lợi vẫn tiếp tục được hoạt động nhưng đúng quy định của pháp luật.
Vẫn bức xúc vì nhiều điều không minh bạch
Được hưởng “lương hưu” là một điều mà hầu như người nông dân nào cũng mong muốn, nhất là khi số tiền phải đóng ban đầu không quá lớn. Chính vì vậy, niềm vui hàng tháng có một khoản thu nhập dù chưa nhiều nhưng ổn định cho người già ở xã Thanh Vân tưởng như đã làm họ thỏa mãn, nhưng những gì mà chúng tôi nghe được nhiều nhất là là những bức xúc.
Ngay khi nhóm phóng viên có mặt tại Nhà văn hóa thôn Tam Đa, hàng chục người dân đã có mặt, mang theo cả một chồng đơn mà họ cho biết đã gửi đi nhiều cấp nhưng chưa được giải quyết triệt để. Khi được hỏi về lý do khiến người dân kiện cáo, nhiều người cho biết, do có rất nhiều điều không minh bạch trong quá trình bán, chuyển nhượng đất cũng như việc đổi đất lấy hạ tầng hay đóng góp vào quỹ phúc lợi.
Điều đầu tiên mà người dân chia sẻ, đó là họ chỉ biết rằng có chuyện xã bán đất để góp vào quỹ phúc lợi, nhưng bán bao nhiêu đất, giá bán như thế nào và được chi dùng ra sao thì lại không được công khai, không qua đấu thầu.
Ông Nguyễn Văn Sánh, nguyên chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi xã Thanh Vân và cũng là người đứng đơn kiện cho biết, về nguồn thu thì có được xã, thôn thông qua tới người dân là từ bán, chuyển nhượng đất, nhưng người dân không được bàn.
“Người lãnh đạo cao nhất của xã mà lo cho dân được thì chúng tôi hoan nghênh, nhưng phải làm thế nào cho công bằng xã hội, công khai minh bạch. Về nguồn thu, dân chúng tôi có biết nhưng không được bàn. Việc bán đất với giá áp đặt là 3,5 triệu đồng/mét vuông, trong khi trên thị trường người ta trả 5 triệu. Ngoài ra, tôi mới được biết bán đất thu 90 tỷ nhưng chỉ đóng vào đây (quỹ) trên 30 tỷ. Vậy thì số tiền còn lại đó đi đâu? Đề nghị thành phố điều tra lại” – ông Sánh nói.
Ông Nguyễn Văn Sánh, nguyên chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi xã Thanh Vân: Người ta bán rất nhiều đất nhưng chúng tôi không biết là bán bao nhiêu. |
Cũng liên quan đến việc bán đất, khi thấy nhóm phóng viên, người dân thôn Tam Đa ùn ùn kéo đến để chỉ ra rằng, Nhà văn hóa thôn, có được từ việc đổi đất, ngay khi chưa làm xong đã bị nứt dột, bể nước cũng không thể sử dụng do bị “róc nước”. Nhiều người cho biết, dù tổng trị giá công trình nhà văn hóa lên đến 2 tỷ đồng nhưng không qua đấu thầu mà chỉ định thầu, không có sự giám sát của người dân về vật liệu, giá cả cũng như thi công nên chất lượng rất kém.
Công trình nhà văn hóa được "đổi" từ đất có giá 2 tỷ đồng, nhưng ngay khi vừa khánh thành đã bị dột, bể nước cũng không chứa được nước |
Lâu nay, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đưa mô hình xã Thanh Vân như một điểm sáng về sự dân chủ, nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất lại chính là những lời phàn nàn của người dân về dân chủ. “Họ bán nhiều đất lắm, nhưng tổng hợp lại, chúng tôi không biết họ đã bán bao nhiêu đất, và số tiền thu được thực sự là bao nhiêu, chi vào những khoản gì” – đó câu được nhiều người dân nói nhất. Đặc biệt, người dân còn đưa phóng viên ra tận những khu vực mà họ cho rằng đó là đất công ích đã được bán, đổi với giá rẻ cho những người có chức có quyền hoặc người thân của họ. Những khu đất 5% đó giờ đã được san lấp, thậm chí xây dựng công trình kiên cố.
Người dân tập trung rất đông, cung cấp cho phóng viên cả chồng đơn thư khiếu nại mà họ đã gửi đi khắp nơi nhưng chưa được giải quyết triệt để |
Ý kiến bạn đọc