Phó Giám đốc Sở “than” khó xử lý nhà siêu mỏng

10:16, 13/08/2014
|

(VnMedia) - Theo ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay thành phố còn 192 trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo; trong đó có 132 trường hợp nằm ở 8 tuyến phố. Đây đều là những trường hợp khó giải quyết.

>>Hà Nội “bất lực” trước nhà siêu mỏng, siêu méo?!

>> Hà Nội nhà siêu mỏng siêu méo vẫn mọc như nấm sau mưa

>> Gần 200 nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ bị thu hồi

>>Quý 3/2013, Hà Nội “trảm” xong nhà siêu mỏng siêu méo

Trao đổi với báo chí chiều 12/8, ông Phan Văn Bảo, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho biết,  từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý trên 1.100 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; trong đó có 642 trường hợp xây dựng không phép, 174 trường hợp xây dựng sai phép, vi phạm khác 341 trường hợp. Sở Xây dựng đã đình chỉ 814 trường hợp, xử lý vi phạm hành chính 213 trường hợp, cưỡng chế phá vỡ 194 trường hợp…

Theo ông Bảo, qua kiểm tra trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô cho thấy, còn nhiều trường hợp công trình xây dựng không có giấy phép, chủ yếu tập trung tại các huyện ngoại thành như: Chương Mỹ, Gia Lâm, Mê Linh, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thanh Trì…

Nguyên nhân do hầu hết các địa bàn này chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết, người dân vẫn giữ thói quen xây dựng tự phát, trong khi UBND huyện chưa có quy định về quản lí cấp phép xây dựng trên địa bàn dân cư nên việc cấp phép còn khó khăn.

Theo ông Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, với một số vụ vi phạm nổi cộm như công trình "hỗn hợp trụ sở làm việc, văn phòng và nhà ở" do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư ở tổ 50 Yên Hòa (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) xây dựng 17 tầng không phép; công trình 6 tầng không phép tại khu tái định cư thôn Lai Xá (Kim Chung - Hoài Đức); tòa nhà N04-B1 - Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) do Công ty Cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư Xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng…, lực lượng chức năng cũng đang vào cuộc xử lý, đình chỉ công trình và kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm những cá nhân liên quan.

 Ảnh minh họa

 Mặc dù Hà Nội đang ráo riết xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo vài năm nay nhưng hiện tại trên phố Lê Duẩn một ngôi nhà siêu "dị kỳ" vẫn ngang nhiên tồn tại. Ảnh: Ngọc Lân

Khó xử lý 192 nhà siêu mỏng, siêu méo còn lại

Đề cập đến tiến độ xử lý nhà siêu mỏng siêu méo trên địa bàn thành phố, ông Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay trên địa bàn thành phố còn 192 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo đang tiếp tục xử lý, gồm: 22 trường hợp tiếp tục vận động hợp thửa, hợp khối; 28 trường hợp cải tạo chỉnh trang, 142 trường hợp đang lên kế hoạch xử lý.

Phần lớn các trường hợp này (132/192 trường hợp) tập trung tại 8 tuyến đường, phố trục chính của thành phố từ nhiều năm trước (trước ngày 15/3/2005) thời điểm quyết định của Thủ tướng có hiệu lực.

Hiện tại, các hộ dân đã xây dựng công trình quy mô 1-2 tầng và đã ăn ở, kinh doanh, mưu sinh ổn định; do đó việc thu hồi giải phóng mặt bằng rất khó khăn.

Cụ thể, phố Kim Mã có 35 trường hợp, phố Lạc Long Quân có 23 trường hợp, phố Văn Cao – Liễu Giai – Nguyễn Chí Thanh có 28 trường hợp, phố Đào Tấn 4 trường hợp, phố Thụy Khuê 9 trường hợp, tuyến phố Minh Khai – Vĩnh Tuy 14 trường hợp….

Ngay tuyến đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng cũng có 51 trường hợp nhà đất không đủ điều kiện để xây dựng sau khi giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hiện tại UBND quận Thanh Xuân đã tiến hành hợp thửa, hợp khối với 23 trường hợp, các trường hợp còn lại đang tồn tại nhưng không phát sinh xây dựng.

Đối với các trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo trên tuyến đường đắt nhất hành tinh Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, ông Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho biết, UBND quận Đống Đa, Ban Quản lý dự án các công trình trọng điểm phát triển đô thị đã lập phương án và đang tổ chức thực hiện xử lý 58 trường hợp. Trong đó, nhiều công trình đã hoàn thành thủ tục hợp khối….

Theo ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, 192 trường hợp còn lại này là những trường hợp rất khó để giải quyết.

Theo ông, với các trường hợp đang tồn tại, Sở Xây dựng đang tập trung giải quyết theo 3 nhóm: thu hồi, chỉnh trang và hợp thửa, hợp khối.

"Thành phố chỉ đạo trong năm 2014 cố gắng giải quyết xong tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên đang có rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, như việc lập dự án, kinh phí tổ chức thực hiện, di dời… Hiện để đẩy nhanh tiến độ, thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc bố trí nguồn vốn để xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo", ông Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc