(VnMedia) - Trao đổi với phóng viên tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy chiều 26/8, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, người thi trượt công chức trường Amsterdam chỉ là thạc sĩ chứ không phải là tiến sĩ như các báo đã đưa tin.
Những ngày gần đây, dư luận Hà Nội đã hết sức ngỡ ngàng khi có tin một thầy giáo dạy hợp đồng của trường THPT Amsterdam, dù đã có bằng tiến sĩ ở Pháp nhưng vẫn thi trượt công chức. Trao đổi với phóng viên tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy chiều 26/8, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, người thi trượt đó chỉ là thạc sĩ chứ không phải là tiến sĩ.
Theo đó, Trưởng phòng tổ chức cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, người mà các phóng viên nói đến chỉ là một thạc sĩ đi du học ở Pháp về chứ chưa phải là tiến sĩ. Hơn nữa, trong quy định thi tuyển công chức thì thạc sĩ, tiến sĩ không phải là đối tượng ưu tiên mà chỉ ưu tiên khi xét lương.
“Hà Nội hiện nay có chính sách thu hút người tài là tuyển thẳng Thủ khoa các trường đại học. Tuy nhiên, nếu đi thi công chức, viên chức thì ngay cả thủ khoa cũng chưa chắc đã đỗ” - Trưởng phòng tổ chức cán bộ khẳng định.
Trong khi đó, thông tin trên một số tờ báo cho biết, người thi trượt đã lấy bằng tiến sĩ ở Pháp và đã làm hợp đồng tại trường Amsterdam được 2 năm.
Cần chỗ học hơn là... chuẩn
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm 2014-2015, toàn Thành phố có hơn 2.500 cơ sở giáo dục với hơn 1,7 triệu học sinh, trong đó tỷ lệ tuyển sinh đầu cấp: lớp mầm non là hơn 116.000 học sinh, lớp 1 là hơn 128.000 học sinh, lớp 6 hơn 106.000 học sinh, lớp 10 là hơn 67.000 học sinh. Năm học này, toàn Thành phố đã xây mới 973 phòng học.
Trước tình trạng nhiều lớp học có sĩ số quá đông, không đáp ứng tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia và có thể dẫn đến không đảm bảo chất lượng dạy và học, trao đổi với báo chí tại Hội nghị Giao ban báo chí Thành ủy, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cho rằng, thà lớp học có sĩ số vượt quá quy định còn hơn là để học sinh không có chỗ học.
Theo lãnh đạo Sở thì sĩ số học sinh tăng giảm theo từng năm, có năm tăng đột biến, ví dụ như năm học 2014 – 2015. “Vấn đề quan trọng là đảm bảo theo chuẩn quốc gia hay đáp ứng chỗ học cho học sinh?” – đại diện Sở Giáo dục đặt câu hỏi ngược cho các phóng viên, đồng thời chia sẻ: “chúng tôi cho rằng phải đáp ứng chỗ học cho học sinh”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng Sở có bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hay không, ông Lê Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở cho biết, Quyết định 51 của UBND Thành phố đã nêu rõ: trong khoản thu này, đảm bảo mang tính tự nguyện không bắt buộc. Tuy nhiên, để việc thực hiện đồng phục đảm bảo nề nếp nét đẹp thì Quyết định 51 khuyến khích nhà trường đưa mẫu đồng phục để cha mẹ tham khảo rồi tự mua sắm đồng phục thông qua ban dại diện cha mẹ học sinh theo tinh thần mẫu đồng phục nhà trường đã đưa ra. “Tinh thần là không để học sinh nào không được học chỉ vì không có đồng phục” – ông Quang khẳng định.
Với câu hỏi việc thu quà tặng, quà biếu có mức trần hay không, ông Quang cho biết, về nguyên tắc nhà trường được tiếp nhận quà tặng quà biếu để đưa vào sổ sách kế toán hàng năm và “đã gọi là quà tặng, biếu thì không có mức trần.”
Trả lời câu hỏi của phóng viên về nơi tiếp nhận phản ánh thông tin tình hình lạm thu, ông Quang cho biết, các trường do quận huyện quản lý nên phụ huynh có thể phản ánh về trường và quận huyện, còn các trường trực thuộc sở thì sẽ phản ánh về sở.
“Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận thông tin và trả lại cha mẹ học sinh nếu phát hiện thu sai. Sở khuyến khích các đơn vị đảm bảo thu trên tinh thần tự nguyện, các khoản thu khác ngoài học phí phải được thỏa thuận bằng văn bản cấp trên của đơn vị quản lý trực tiếp là phòng giáo dục, báo cáo xin ý kiến UBND Quận để đảm bảo đúng tinh thần tự nguyện.” – ông Quang nói.
Liên quan đến những thắc mắc về quy định về đánh giá học lực của học sinh tiểu học, Trưởng phòng tiểu học Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Thông tư hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học của Bộ chưa ban hành, nếu trả lời bây giờ thì sớm quá.”
Ý kiến bạn đọc