Hé lộ những thông tin mâu thuẫn về chùa Bồ Đề

07:18, 06/08/2014
|

(VnMedia) - Kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy có nhiều điều không giống như những điều mà trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan khẳng định trước đó với báo chí...

Ảnh minh họa

Một đứa trẻ mặt đầy sứt sẹo trong khu nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề - ảnh chụp ngày 4/8


Chiều 5/8, tại cuộc họp báo về vụ án mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, trả lời câu hỏi của báo chí về trường hợp cháu Cù Nguyên Công, nạn nhân của vụ mua bán người hiện đã tử vong, Thượng tá Vũ Thái Hưng – Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CA thành phố Hà Nội) cho biết, cháu Công có tên trong danh sách của nhà chùa và “vào ra đều có đơn từ”.

Tuy nhiên, trước đó, trả lời phỏng vấn của báo chí, Ni sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề khẳng định, khi đưa cháu Công đến chùa, Trang nói rằng đây là cháu của Trang, do gia đình khó khăn, cháu bé gầy yếu nên đưa vào chùa chăm sóc. “Bốn mẹ con cô ấy nhà chùa còn nuôi được thì thêm một đứa cháu cũng chẳng khắt khe gì, vì vậy tôi vẫn nhận cho vào nuôi. Nhưng khi không thấy cháu đâu, tôi hỏi thì Trang bảo đã mang trả gia đình nên tôi không hỏi nữa. Cái tên Cù Nguyên Công tôi không biết.” -  Trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan khẳng định.

Ảnh minh họa

Một chiếc két lớn được đặt giữa sân khu nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề


Đặc biệt, trước đó, trả lời tất cả cơ quan báo chí, trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan luôn khẳng định nhà chùa không cho bất cứ một trẻ nào làm con nuôi, nhưng thông tin tại buổi họp báo cho thấy, hiện đã có đơn thư về 8 trường hợp khác (chưa kể trường hợp bé Cù Huy Công) được cho là mất tích sau một thời gian được nuôi dưỡng tại chùa.
 
Ngoài ra, ngay chính đại diện UBND phường Bồ Đề, trả lời trên đài kỹ thuật số VTC khi thì khẳng định chỉ có 1 trường hợp, khi thì lại nói từ trước đến nay có cho “một vài trường hợp" làm con nuôi. “Cách đây vài năm cũng có một số cháu bé được cho làm con nuôi”, ông Nguyễn Hữu Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Bồ Đề nói, sau đó lại khẳng định, "nhà chùa chỉ cho một cháu làm con nuôi một gia đình ngay tại tổ 1 phường Bồ Đề vào năm 2008." 
 
Thêm vào đó, khẳng định với VnMedia, trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan cho biết, mọi thông tin của các cháu bé được nhận nuôi tại chùa Bồ Đề đều được ghi chép, khớp với thông tin tại UBND phường và Trang là người đã được cán bộ UBND phường hướng dẫn ghi chép sổ sách. Ni sư Đàm Lan cũng cho biết, những cháu được gia đình đón về đều có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng. Tuy nhiên, tại buổi họp báo chiều 5/8, ông Vũ Thái Hưng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự lại cho biết, quá trình điều tra làm rõ, việc nhận nuôi các cháu bé ở chùa Bồ Đề “vào ra không có giấy tờ mang tính chất pháp lý” và đó là một trong những nguyên nhân khiến cho các tội phạm mua bán người lợi dụng và vụ việc xảy ra vừa rồi là do buông lỏng quản lý.

“Việc quản lý nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Bồ Đề không được các cơ quan chức năng cấp phép, việc quản lý sổ sách và các thủ tục nhận trẻ em vào chùa nuôi dưỡng và thủ tục trả lại trẻ cho gia đình còn nhiều lỏng lẻo, sơ sài, dễ bị tội phạm lợi dụng, cụ thể như hành vi mua bán trẻ em của Trang và Nguyệt.”- vị đại diện cơ quan điều tra khẳng định.

Chính vì vậy, cơ quan công an đã đề nghị, sau khi nhận trẻ em vào chùa nuôi, mỗi trẻ phải có sổ theo dõi riêng, có ảnh dán vào sổ và được đóng dấu giáp lai; Việc nhận trẻ phải trình báo chính quyền địa phương sở tại ngay. Cơ quan công an cũng đề nghị, phải có nội dung quy định về việc quản lý chăm sóc trẻ, phải có bộ phận kiểm tra thường xuyên trách nhiệm của những người được giao chăm sóc trẻ.

Cũng chính vì sự lỏng lẻo trong quản lý, Phòng Cảnh sát hình sự công an Thành phố Hà Nội, đơn vị trực tiếp thực hiện điều tra vụ án đã đề nghị, khi gia đình có nhu cầu đón trẻ về nhà, ngoài việc có đơn có xác nhận đóng dấu chính quyền địa phương thì người quản lý trực tiếp phải viết đơn đề xuất với trụ trì chùa, trong đơn nêu rõ thời gian nhận trẻ và thời gian xin trẻ, mục đích xin trẻ, tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi ra khỏi chùa và phải thông báo cho chính quyền sở tại biết.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng khác, đó là quá trình điều tra những ngày gần đây, cơ quan công an xác định tại chùa Bồ Đề hiện chỉ có 106 trẻ em ở độ tuổi từ 1 tháng đến 18 tuổi. Chùa có 17 người được giao nhiệm vụ trông trẻ và 2 nhân viên bảo vệ chùa, 2 nhân viên nấu cơm.
 
Tuy nhiên, cũng tại buổi họp báo, phóng viên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đã cho biết, vào tháng 5/2013, UBND quận Long Biên đã có văn bản báo cáo Sở LĐ, TB &XH Hà Nội đề cập đến việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề, trong đó khẳng định chùa nuôi gần 200 trẻ (chứ không phải chỉ có 106 trẻ như kết quả điều tra của cơ quan công an), và những em bé đó không có khai sinh và không có đăng ký tạm trú, thường trú.
 
Ngoài ra, văn bản này cũng nêu lên hiện tượng điều kiện nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề không đảm bảo, các cháu bị nuôi nhốt, bị ốm đau và không đủ tiêu chuẩn để cho một đứa trẻ sống được bình thường. Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến việc mất tích 8 đứa trẻ sau 2 lần kiểm tra nhưng nhà chùa không giải thích được lý do.
 
Từ những phân tích nói trên, có thể thấy thông tin về vụ việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn cần làm sáng tỏ.
 
Ngoài ra, một câu hỏi khác cũng được đặt ra là, sau khi nhận được báo cáo của UBND quận Long Biên, UBND thành phố Hà Nội đã làm những gì, để rồi đến hôm nay vụ việc mới được xới lên sau khi có đơn thư tố cáo của cha đỡ đầu bé Công?


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc