(VnMedia) - Hàng loạt những kiến nghị "nóng" của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa được Bộ Giao thông vận tải giải đáp....
Bộ GTVT vừa có công văn trả lời một số kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Theo đó, ngày 8/7, đơn vị này nhận được văn bản của Hiệp hội Vận tải ô tô việt Nam về việc kiến nghị một số nội dung liên quan đến chương trình kiểm tra tải trọng xe, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến phúc đáp cụ thể như sau:
Đối với kiến nghị thứ nhất: Sớm hoàn thành việc nâng cấp cầu yếu trên hệ thống đường bộ để thống nhất tải trọng cầu và đường bộ, xác định và thống nhất việc cắm biển tải trọng trên hệ thống đường bộ, nhất là biển tải trọng cầu để phưomg tiện tham gia giao thông thực hiện đúng quy định.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã và đang rà soát, triển khai lập kế hoạch kiểm định, đánh giá khả năng chịu lực của các cầu nhằm từng bước thay thế biển số 115 “Hạn chế trọng lượng xe” bằng các biển số 505b “Loại xe hạn chế qua cầu”, biển 505c “Tải trọng trục hạn chế qua cầu” theo đúng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.
Đến nay, Tổng cục ĐBVN đã kiểm tra, rà soát tổng thể các cầu có cắm biển báo giới hạn tải trọng trên hệ thống quốc lộ là 1488 cầu, trong đó: 430 cầu đã có kiểm định (107 cầu đã được kiểm định trong thời hạn 7 năm trở lại đây), 720 cầu đề xuất kiểm định, 748 cầu đề xuất sửa chữa để nâng tải trọng, bỏ biển hoặc cắm lại biển.
Trên cơ sở kết quả rà soát, Tổng cục ĐBVN đã xây dựng kế hoạch, tổ chức phân loại, dự kiến kinh phí, xếp thứ tự ưu tiên và thành lập Đoàn kiểm tra hiện trường (có mời một số chuyên gia), hướng dẫn cơ sở xác định việc cắm biển, điều chỉnh tải trọng khai thác cụ thể.
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản trả lời một loạt kiến nghị "nóng" của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam. Ảnh: Internet |
Kiến nghị thứ hai: Triển khai đồng bộ, rộng khắp và liên tục việc kiểm tra tải trọng phương tiện chở hàng trên đường bộ; kiểm tra tất cả các phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động trên đường bộ thay vì kiểm tra một số xe như hiện nay.
Đề nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 71 theo hướng chỉ phạt xe quá tổng trọng tải được phép chở theo giấy đăng ký xe và tiền phạt lũy tiến theo số lượng hàng hóa quá tải và số km chở quá tải. Ví dụ nếu quá tải 1 tấn thu 500.000đ, 2 tấn mỗi tấn 1.000.000đ, 3 tấn mỗi tấn l.500.000đ nhân với số km lăn bánh để ra số tiền phạt. Xử phạt các đối tượng liên quan: chủ hàng, chủ xếp dỡ, chủ xe; không phạt lái xe.
Kiến nghị thứ ba: Sau hơn 1 năm thực hiện, việc thu phí sử dụng đường bộ đã vượt mức thu khá cao và sau thời gian kiểm tra chặt chẽ tải trọng xe tình hình xe quá tải đã giảm đáng kể nhưng tình trạng mặt đường còn nhiều nơi chưa êm thuận. Bộ Giao thông vận tải sớm chỉ đạo khắc phục tình trạng trên để phương tiện lưu thông êm thuận, đảm bảo an toàn giao thông và phương tiện kinh doanh có hiệu quả.
Kiến nghị thứ tư: Sớm nghiên cứu việc thành lập “sàn giao dịch vận tải hàng hóa” và “trung tâm cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp vận tải và khách hàng”; sớm có khung thể chế cho hoạt động logistics. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục làm việc với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Châu Á (ADB) để được hỗ trợ tài liệu, kỹ thuật xây dựng Sàn giao dịch vận tải hàng hóa bằng đường bộ theo đúng tiến độ của Đề án Đổi mới công tác quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông đã được phê duyệt tại Quyết định số 1683/QĐ-BGTVT ngày 18/6/2013 của Bộ GTVT.
Kiến nghị thứ năm: Đề nghị Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục đường bộ Việt Nam khi thanh tra tại các địa phương cần tập trung thanh tra các đơn vị vận tải, bến xe nhỏ để có biện pháp xử lý vì thực tế trong năm 2013-2014 các đoàn thanh tra chỉ thanh tra tại các đơn vị vận tải, bến xe có quy mô lớn làm ăn có nền nếp. Các đơn vị nhỏ không được thanh tra nên vẫn hoạt động bình thường làm ảnh hưởng chung đến hoạt động vận tải.
Về các kiến nghị này, Bộ Giao thông và vận tải cho biết, năm 2013-2014, Bộ GTVT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 63 địa phương, theo đó Bộ GTVT đã kiểm tra công tác quản lý nhà nước của Sở GTVT về vận tải và việc chấp hành điều kiện kinh doanh vận tải của một số đom vị vận tải.
Qua đợt kiểm tra tại 63 địa phương, Bộ GTVT đã kiểm tra 350/1.919 đan vị kinh doanh vận tải (cố định, taxi, công-ten-nơ); trong đó, chủ yếu tập trung kiểm tra các HTX và đơn vị có quy mô vừa và nhỏ.
Qua kiểm tra đã kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 636 lỗi vi phạm, với tổng số tiền xử phạt trên 2.360.000.000 đồng; thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải của 53/350 đơn vị; tước quyền sử dụng giấy phép cho đến khi khắc phục xong tồn tại của 113/350 đơn vị; thu hồi phù hiệu, sổ nhật trình của 1.370 phương tiện; thu hồi 134 chấp thuận khai thác tuyến.
Đối với các đơn vị vận tải mà Thanh tra Bộ chưa tổ chức kiểm tra, Bộ GTVT vận tải đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành (GTVT, Công an, LĐTB&XH...) để kiểm tra toàn diện các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn.
Đồng thời Bộ đã yêu cầu các Sở GTVT tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe trên địa bàn thuộc phân cấp quản lý (Chỉ thị số 16/CT-BGTVT ngày 28/8/2013 của Bộ GTVT về việc chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm và tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các Thông báo kết quả kiểm tra tại 63 địa phương).
Kiến nghị thứ sáu: Ban hành Thông tư thay thế Thông tư 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 mang tính đột phá về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho đơn vị vận tải phát triển lành mạnh ngăn chặn tệ nhũng nhiễu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ công chức.
Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 4327/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2013 giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đom vị xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thay thế Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06/8/2013 phù hợp với Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay thế Nghị định số 91 và 93 mà Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành dự thảo Thông tư nêu trên và đã có công văn gửi các đơn vị có liên quan và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị đóng góp ý kiến. Bộ Giao thông vận tải sẽ sớm nghiên cứu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo để ban hành, đảm bảo hiệu lực của Thông tư phù hợp với hiệu lực của Nghị định kinh doanh và điều kiện kinh doanh mà Chính phủ chuẩn bị ban hành.
Kiến nghị thứ 7, Bộ GTVT sớm quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, chỉ đạo các địa phương sớm quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải khách nội tỉnh cố định, vận tải hành khách bằng taxi, hệ thống điểm dừng đỗ trên các tuyến giao thông, trên địa bàn để các đơn vị vận tải thực hiện.
Ngày 11 tháng 04 năm 2014 Bộ GTVT có Quyết định số 1300/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt đề cương và dự toán chi phí Dự án Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ toàn quốc. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nhằm xây dựng mạng lưới vận tải hành khách hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách và đảm bảo an toàn giao thông. Theo tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2014.
Đối với Quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi, quy hoạch điểm dừng đỗ, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản chỉ đạo các địa phương hoàn thành trước 31/12/2014.
Ý kiến bạn đọc