(VnMedia) - Phát biểu ý kiến về vấn đề đổi mới thi cử, tuyển sinh, phương án một kỳ thi quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong quá trình triển khai có thể nảy sinh vướng mắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quyết liệt hành động, “xông vào làm với tinh thần làm đến đâu gỡ đến đó, không quá cầu toàn”.
Ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2014 tại các đầu cầu Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Nghệ An, Cần Thơ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ GDĐT đã lấy ý kiến của các trường về việc lựa chọn phương án tổ chức kỳ thi quốc gia trong 3 phương án Bộ đưa ra trước đó, gồm: Thi môn thi theo kiểu truyền thống/thi theo bài thi/kết hợp môn thi và bài thi. Ngoài ra còn các vấn đề liên quan đến cách tổ chức kỳ thi; công tác coi thi, chấm thi với sự tham gia của giáo viên các trường ĐH, CĐ.
Đối với phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường thảo luận về việc không áp dụng các khối thi như các kỳ 3 chung trước đây. Các trường CĐ, ĐH sẽ thông báo trước những môn thi, bài thi sẽ được sử dụng kết quả để xét tuyển vào từng ngành khác nhau nhằm giúp thí sinh biết và lựa chọn phù hợp.
Dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra các vấn đề cụ thể được người dân hết sức quan tâm và mong muốn lãnh đạo các trường ĐH, CĐ nói riêng, cũng như ngành giáo dục tập trung giải quyết. Đó là các vấn đề về việc làm cho sinh viên sau khi ra trường; việc đầu tư và sử dụng nguồn lực, tự chủ của các trường đại học; đổi mới thi cử, tuyển sinh…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại một cuộc họp. |
Phó Thủ tướng cho rằng, người dân quan tâm “con tôi, cháu tôi học ở trường nào là phù hợp nhất, ra trường có việc làm, có thu nhập tốt. Học ở trường nào ra thì có cơ hội học tiếp, có cơ hội thăng tiến hơn. Vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải xác định rõ hệ thống giáo dục, phân tầng, xếp hạng các trường đại học thế nào”.
Về vấn đề đổi mới thi cử, tuyển sinh, phương án một kỳ thi quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quan trọng nhất là phải đảm bảo tổ chức một kỳ thi rõ ràng (thi cái gì, thi như thế nào); công bằng, bớt nhiêu khê nhất; cuối cùng là tổ chức thi thế nào để tạo động lực học tập cho học sinh. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc để công bố công khai, trước dịp khai giảng năm học mới.
Theo Phó Thủ tướng, kỳ thi có 2 mục tiêu vừa làm căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông, vừa làm căn cứ cho các trường làm công tác tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Trước thực tế tỷ lệ tốt nghiệp THPT hiện rất cao, thì trước mắt, kỳ thi quốc gia nên được thiết kế để làm căn cứ đáng tin cậy cho tuyển sinh ĐH. Về lâu dài, khi kiểm soát chất lượng đầu vào các trường ĐH tốt lên, các trường tự chủ hơn và quản lý chặt chẽ chất lượng đầu ra như nhiều nước trên thế giới thì lúc đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đóng vai trò chính (cứ tốt nghiệp THPT là có thể ghi danh vào các trường đại học).
Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình triển khai có thể nảy sinh vướng mắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quyết liệt hành động, “xông vào làm với tinh thần làm đến đâu gỡ đến đó, không quá cầu toàn”, Phó Thủ tướng nói.
Về lĩnh vực giáo dục đại học, vấn đề đặt ra là làm sao để thu hút nhà đầu tư giáo dục yên tâm đầu tư, các trường công sử dụng ngân sách hiệu quả hơn cũng như tự chủ như thế nào.
Phó Thủ tướng chỉ ra thực tế Việt Nam đang đầu tư rất nhiều cho giáo dục ĐH, CĐ nhưng vẫn luôn thiếu do nhu cầu học tập của xã hội rất lớn.
Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải làm cho những nhà đầu tư tiềm năng yên tâm đầu tư vào giáo dục ĐH, đồng thời, các trường ĐH, CĐ công lập phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trên cơ sở cho phép tự chủ, khuyến khích tự chủ và tiến tới các trường đều phải tự chủ. Từ đó, đảm bảo công bằng để các trường công lập quản lý hiệu quả như các trường ĐH tư thục (ngoài công lập). Ngược lại, các trường tư thục quản lý tốt rồi thì cũng đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực có chất lượng không khác gì các trường công lập.
Phó Thủ tướng cho rằng, giáo dục hay y tế là dịch vụ đặc biệt vì liên quan đến con người nên không thể triển khai như với doanh nghiệp là giảm dần số lượng đơn vị công để tư nhân tham gia đầu tư phát triển mà phải tính toán cơ chế quản lý làm sao để các trường công lập hoạt động hiệu quả như một doanh nghiệp. Theo đó, cần khuyến khích sự tự chủ của các trường đại học công lập, tuy nhiên, phải thực hiện theo lộ trình, bước đi phù hợp, với quyết tâm cao.
Theo Phó Thủ tướng, hiện Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện để ban hành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP về đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, khoa học...) trên tinh thần khuyến khích và hướng tới các đơn vị sự nghiệp công lập phải hạch toán tự chủ như doanh nghiệp.
Căn cứ vào Nghị định khung này, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành giáo dục phải nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn các trường để có thể áp dụng ngay đối với các trường đã đăng ký xin tự chủ cũng như mở rộng, khuyến khích các trường khác.
Ý kiến bạn đọc