(VnMedia) - Tâm bão số 2 giật cấp 17 hiện còn cách Móng Cái khoảng 300km và tối nay (18/7), vùng tâm bão có khả năng đi vào khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ. Khoảng gần sáng và sáng mai (19/7), vùng tâm bão sẽ đi vào khu vực biên giới Việt Trung, sau đó đi dọc theo vùng núi Bắc Bộ...
Hình ảnh dự báo đường đi của bão số 2 |
Hồi 16 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 350km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. Với mỗi giờ đi được khoảng 20km, vào thời điểm 6h30 chiều nay, tâm bão còn cách Móng Cái khoảng 300km.
Dự báo trong 12 giờ tới bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Như vậy, tối nay (18/7), vùng tâm bão có khả năng đi vào khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ.
Đến 4 giờ ngày 19/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 90km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Trong 12 đến 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Như vậy khoảng gần sáng và sáng mai (19/7), vùng tâm bão sẽ đi vào khu vực biên giới Việt Trung, sau đó đi dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 19/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Đến 4 giờ ngày 20/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Sóng biển cao 5 – 6 mét.
Từ đêm nay, ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Các nơi khác ở đồng bằng và Đông Bắc Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng.
Các địa phương dồn sức phòng chống bão
Thông tin trên báo Quảng Ninh cho biết, theo báo cáo của UBND TP Hạ Long, đến thời điểm này, 31 hộ dân sống tại các làng chài của thành phố vẫn chưa được di chuyển lên bờ. 15 nhà bè tại khu vực Cửa Vạn và toàn bộ tàu, thuyền đã được thông báo về tình hình của bão để về nơi tránh trú an toàn.
Hiện nay, thành phố có 10 khu vực sạt lở đất đá ở các phường Hà Tu, Yết Kiêu và một số khu vực dân cư bị sụt lún do tình trạng khai thác than trái phép tại các phường Hà Lầm, Cao Xanh, Hà Khánh. Đến nay, thành phố đã di dời được 10 hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao tại phường Hà Tu và Bãi Cháy.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bão - ảnh: Báo Quảng Ninh |
Sau khi đi kiểm tra thực tế, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TP Hạ Long chậm nhất đến tối 18/7 phải kiên quyết di chuyển toàn bộ người dân sống trên các lồng, bè tại các làng chài lên bờ; kiểm tra toàn bộ hệ thống biển quảng cáo của các nhà hàng, khách sạn khu vực phường Bãi Cháy; kiểm tra toàn bộ trường học, gia cố, chằng chống lại để giảm thiệt hại do bão gây ra.
Thành phố cần đảm bảo an toàn cho các tuyến đường, nhất là phải dọn dẹp đất cát tràn ra đường sau khi xảy ra mưa. Theo dự báo, bão số 2 sẽ kèm theo mưa lớn, thành phố cần đặc biệt rà soát lại những khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở, khẩn trương di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Theo TTXVN, tại Hà Nam, trong các ngày 17 và 18/7, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam đã thành lập các đoàn đi kiểm tra toàn bộ hệ thống đê trong tỉnh, trong đó đặc biệt chú ý các điểm trọng yếu, dễ xảy ra sự cố khi bão đổ bộ như cụm công trình đầu mối cống và âu thuyền Tắc Giang trên đê sông Hồng, cống xả trạm bơm Trân Châu qua đê tả Đáy (xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý), và một điểm ở tả sông Đáy thuộc địa phận xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm.
Cho đến thời điểm này toàn bộ 6 huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam đã bố trí đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng chốt trực 24/24 giờ, sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra. Các Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam Hà Nam, Kim Bảng, Duy Tiên cũng đã chuẩn bị đầy đủ vật tư như đất, đá, bao tải, rọ thép…
Đến thời điểm 13h chiều nay, trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình có tổng số 1.205 phương tiện với gần 3.370 lao động hoạt động khai thác thủy hải sản đã cập bến an toàn, neo đậu tại các bến trong và ngoài tỉnh. Trong đó gần 1.200 phương tiện với trên 3.200 lao động đang neo đậu tại các bến trên địa bàn tỉnh Thái Bình. 35 tầu, thuyền của tỉnh Thái Bình hiện đang neo đậu, tránh trú bão tại các tỉnh ngoài.
Qua công tác rà soát, kiểm đếm, thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 25 tầu, thuyền với trên 140 lao động của các tỉnh ngoài như Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định cũng đang neo đậu, tránh bão tại các bến bãi, âu thuyền của địa phương này. Như vậy, đến thời điểm 13h ngày 18/7, 100% tầu thuyền của tỉnh Thái Bình quản lý và số tầu thuyền của các tỉnh ngoài hoạt động, khai thác thủy hải sản trên vùng biển Thái Bình đã cập bến an toàn. Công tác kêu gọi tầu thuyền cập bến ở địa phương này đã hoàn tất.
Ý kiến bạn đọc